Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới thiệu truyện hư cấu của Jorge Luis Borges đến Việt Nam

"Truyện hư cấu" kết hợp nhuần nhuyễn triết học với giả tưởng, tập hợp các câu chuyện được liên kết với nhau một cách kỳ lạ, lu mờ giữa ranh giới tiểu luận và truyện ngắn.

truyen hu cau cua Borges anh 1

Sách Truyện hư cấu của Jorge Luis Borges. Ảnh: LL.

Jorge Luis Borges (1899 - 1986) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Argentina. Sinh thời, ông không phải là một tác giả được coi trọng. Ông sống trong nghèo khó, phải làm thủ thư để kiếm sống.

Mãi đến năm 1941, Truyện hư cấu đoạt giải thưởng lớn danh dự của Hội nhà văn Argentina, Borges mới được văn đàn để ý. Năm 1961, khi ông và Samuel Beckett nhận giải Formentor Prize, các tác phẩm của Borges mới dần được nhìn nhận như những tác phẩm kinh điển của văn chương thế kỷ XX. Từ đó, ông cũng thường xuyên được nhắc đến như cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

Với Truyện hư cấu, Borges đưa độc giả lên hành trình vào cõi huyền ảo, đầy hấp dẫn của siêu hư cấu (metafiction). Tác phẩm kết hợp nhuần nhuyễn triết học với giả tưởng, tập hợp các câu chuyện được liên kết với nhau một cách kỳ lạ, lu mờ giữa ranh giới tiểu luận và truyện ngắn. Borges viết những gì ông muốn với một sự tao nhã không khoan nhượng.

Theo dịch giả Nguyễn An Lý, như nhiều tập sách khác của Jorge Luis Borges, bản thân lịch sử cuốn Truyện hư cấu không đơn giản. Năm 1941, ông cho phát hành tập sách El jardín de senderos que se bifurcan (tạm dịch: Khu vườn những lối đi rẽ đôi), tập hợp các truyện ngắn đăng báo trong khoảng 1939-1941 cùng một truyện chưa từng được xuất bản là El jardín de senderos que se bifurcan. Tập sách này chính là nửa đầu của Truyện hư cấu.

Sang giai đoạn 1942-1944, các truyện ngắn mới được tập hợp lại, thành tập Artificos (Tác tạo), in cùng tập El jardín de senderos que se bifurcan năm xưa và một ghi chép trong tập tiểu luận Historia de la eternidad (Lịch sử Vĩnh cửu, 1936) thành một tập sách chung có tên Ficciones (Truyện hư cấu) vào năm 1944.

Năm 1956, trong lần tái bản mới, Truyện hư cấu được bổ sung thêm 3 truyện ngắn.

Theo dịch giả Nguyễn An Lý, dịch Borges là một công việc vừa hứng thú vừa nhọc nhằn, vừa phải là một phần không thể thiếu trong nghiên cứu - hoặc tìm hiểu về nghiên cứu - Borges, vừa là một sự đi trên dây mong manh giữa không diễn giải đủ và diễn giải quá đà.

Theo đó, dịch giả An Lý cố gắng hướng bản dịch thành một bản dịch phổ thông tốt. Bà thực hiện chuyển ngữ dựa trên cơ sở tham khảo tổng hợp các bản dịch tiếng Anh: do Andrew Hurley dịch trong Collected Fictions (Toàn tập truyện ngắn, Penguin, 1998); nhiều người dịch trong Ficciones (Anthony Kerrigan chủ biên, Grove Press, 1962); các truyện liên quan do nhiều người dịch trong Labyrinths (Mê cung, Donald A. Yates và James E. Irby chủ biên, New Directions, 1964); và các truyện liên quan do Norman Thomas di Giovanni dịch, chủ yếu tập hợp trong The Aleph and Other Stories 1933-1969 (“Aleph” và các truyện ngắn khác, 1933-1969, E. P. Dutton, 1970); có đối chiếu với nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, cùng tham khảo nhiều nguồn tư liệu, chú giải, nghiên cứu.

Dịch giả cho biết phần trình bày trong bản dịch Truyện hư cấu này chủ yếu dựa theo văn bản trong cuốn Borges: Obras completas [tập 1], 1923-1972 (Borges: Toàn tập, 1923-1972, Emecé Editores, 1974), nhận thức rõ rằng cuốn này có một số lỗi mà các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, do vậy, bà cẩn trọng khi sử dụng.

Có thể nói, tác phẩm của Borges không chỉ thách thức dịch giả mà thách thức cả người đọc. Nhưng đó cũng chính là cách ông đã thúc đẩy tiến trình phát triển của văn chương. Cho đến tận ngày nay, tác phẩm của ông vẫn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ viết văn, trong đó có các tên tuổi như Gabriel Garcia Marquez, Umberto Eco hay Salman Rushdie...

Người vợ góa của đại văn hào

Vào thời điểm đám cưới diễn ra, Borges mắc bệnh nan y và chỉ hai tháng sau ông qua đời vì bệnh ung thư, để lại toàn bộ tài sản của mình cho vợ mới cưới.

Thiên đường sách

Trong cái tĩnh mịch của xóm nhỏ đang phải cách ly, tôi nhắc đến câu của nhà văn Jorge Luis Borges: “Tôi luôn luôn tưởng tượng rằng thiên đường sẽ giống như một thư viện”.

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm