Công trình khoa học mới được công bố mở ra bước đột phá về sinh học sinh sản. Ảnh: People. |
Diana Laird, chuyên gia về tế bào gốc và sinh sản tại Đại học California, San Francisco cho biết công trình khoa học mới được công bố là "chiến lược rất thông minh", AP đưa tin ngày 15/3.
Theo công trình được đăng tải trên tạp chí Nature, đầu tiên, các nhà khoa học lấy tế bào da từ đuôi chuột đực và biến đổi chúng thành “tế bào gốc đa năng cảm ứng”, có thể phát triển thành nhiều loại tế bào hoặc mô khác nhau.
Sau đó, sau quá trình sử dụng thuốc và cho chuột đực phát triển, họ đã có thể chuyển đổi tế bào gốc của chuột đực thành tế bào cái và tạo ra các tế bào trứng có thể hoạt động.
Cuối cùng, họ thụ tinh cho những tế bào trứng đó và cấy phôi vào chuột cái. Kết quả chỉ ra khoảng 1% số phôi - 7 trong số 630 phôi - phát triển thành chuột con.
Những con chuột con này được cho là có thể phát triển và trở thành chuột bố mẹ như bình thường, Katsuhiko Hayashi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết công trình này mở ra hướng đi mới trong sinh học sinh sản của động vật và con người. Nó có thể là cơ sở để sinh sản những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng chỉ cần dựa trên một con đực.
Xa hơn, các nhà khoa học kỳ vọng quá trình này có thể tiến xa và áp dụng cho con người, như giúp các cặp đồng giới nam có con ruột, qua đó tránh được những vấn đề đạo đức và pháp lý của việc hiến tặng trứng.
Dù vậy, giới nghiên cứu quan ngại khi tỷ lệ thành công đang quá thấp, và hiện vẫn còn quá sớm để biết liệu phương pháp này có áp dụng lên tế bào gốc của con người được hay không.
Sách về thế giới tự nhiên
Mục Thế giới giới thiệu những cuốn sách viết về cuộc sống tự nhiên giúp mỗi cá nhân mở rộng tầm nhìn và gợi cảm hứng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.