Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu cách loại bỏ 'cò' mua bán lúa

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng lúa ST24 không cần bán giá cao nông dân vẫn có lãi. Theo ông, muốn loại bỏ các loại “cò” nông nghiệp thì nông dân nên liên kết sản xuất.

Hai tuần qua, không chỉ người dân mà cán bộ trong ngành nông nghiệp rất bức xúc trước việc “cò” thu mua lúa có dấu hiệu ép giá nông dân, để lúa chín gục trên đồng gây ảnh hưởng đến năng suất.

Nói với Zing, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng cho biết tại hội nghị sơ kết quý I, ông được nghe lãnh đạo Phòng Kinh tế với Phòng NN&PTNT các huyện, thị xã phản ánh có một bộ phận “cò” nông nghiệp tiêu cực.

Đủ loại "cò"

Theo ông Nhã, những người môi giới trong mua bán lúa có vai trò kết nối tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp. Nếu “cò” phát huy tốt vai trò này sẽ giúp nhà nông bán lúa dễ dàng nhưng vì lợi nhuận mà liên kết với thương lái để ép giá nông dân thì cơ quan chức năng, trong đó có công an phải hỗ trợ ngành nông nghiệp để có cơ chế quản lý, xử lý “cò” tiêu cực.

Giao su Vo Tong Xuan hien ke loai bo co anh 1

Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Nhật Tân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân (Cần Thơ) cho rằng nơi nào có hàng hóa thì nơi đó có “cò”.

“Trước đây chỉ có thương lái tìm nông dân mua lúa, bây giờ muốn tìm thương lái phải qua cò. Có đủ loại ‘cò’, như ‘cò’ thương lái, ‘cò’ máy cày, ‘cò’ máy gặt... Doanh nghiệp muốn tìm nông dân mua lúa cũng phải qua ‘cò’”, giáo sư Xuân nói.

Vị chuyên gia nông nghiệp cho rằng nguyên nhân xuất hiện “cò” là do nông dân tự bơi. Theo ông, nhiều lãnh đạo địa phương dự hội nghị đã chỉ đạo nhiều vấn đề nhưng không tổ chức kênh mua lúa cho dân.

“Cơ quan đáng lẽ đứng ra tổ chức mua lúa cho dân là Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương. Còn bây giờ các bộ cho xã hội tự làm, khi có sự cố thì nói tại dân tự phát. Còn khi hàng hóa dội chợ thì họ đứng ra giải cứu”, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang nói với Zing.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, tổ chức sản xuất phải tính đến nguyên một chuỗi giá trị. Đó là từ giống cho tới phổ biến giống, quyết định giống nào, trồng ở vùng nào, trồng ra sao, ai sẽ mua, người mua đó bán cho ai để lưu thông hàng hóa như thế nào. Ông cho rằng việc này đang được một số bộ “thả lỏng” cho dân nên buộc người sản xuất phải đi tìm “cò” để tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Lúa bán giá cao nên dội chợ

Đặt vấn đề về việc cha đẻ của lúa ST24 là ông Hồ Quang Cua nói loại nông sản này giảm giá rất nhiều là do dội chợ. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng lúa dội chợ vì người sản xuất đẩy giá lên cao.

Giao su Vo Tong Xuan hien ke loai bo co anh 2

Giáo sư Võ Tòng Xuân khuyến cáo người dân không nên sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: Việt Tường.

“Tôi đã nói với anh Cua rằng không cần phải kê lên giá cao như Thái Lan. Trong nước cũng vậy, kê giá cao quá tội cho người mua và mình bán không được nhiều. Thái Lan mỗi năm họ chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa, năng suất cao dữ lắm là 3,8 tấn/ha. Còn mình làm 2-3 vụ mỗi năm và năng suất cao. Người nào làm 2 vụ cũng được 14 tấn, ai trồng 3 vụ thì trên 20 tấn/năm”, vị chuyên gia phân tích.

Theo vị giáo sư 81 tuổi, nông dân miền Tây trồng lúa đạt năng suất 5 tấn/ha đã có lãi. Theo ông, lúa cần đầy đủ phân nhưng không cần bón nhiều mà phải bón đúng lúc, đúng cách. Đó là bón phân trước khi sạ lúa để phân trộn trong đất, không bị bay hơi. Nếu nông dân làm ngược lại, phân sẽ bốc hơi 50-60%.

“Bón phân sai cách nông dân vừa mất tiền, vừa làm biến đổi khí hậu, vừa thu hút thêm sâu bệnh. Bón phân không đúng cách mỗi kg lúa tốn 4.000 đồng. Còn mình trồng theo kiểu đúng phương pháp chỉ tốn giá thành 2.300-2.400 đồng/kg lúa. Như vậy, giá lúa 6.000 đồng/kg là lời nhiều rồi”, ông Võ Tòng Xuân nói.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhớ lại lúc mới có gạo thơm ST24, những người bạn ở Hiệp hội Lúa gạo Hong Kong muốn Việt Nam giảm giá bán để họ ngưng dùng gạo thơm của Thái Lan. Hiện, gạo Thái Lan có giá xuất khẩu gần 1.000 USD/tấn, nên ông Xuân cho rằng Việt Nam bán giá 800 USD/tấn là chiếm lĩnh được thị trường gạo thơm tại Hong Kong.

Giao su Vo Tong Xuan hien ke loai bo co anh 3

Theo nhà khoa học, nếu nông dân trồng lúa đúng cách chỉ tốn chi phí khoảng 2.400 đồng cho mỗi kg lúa sản xuất ra. Ảnh: Việt Tường.

“Thái Lan trồng lúa mùa, kéo dài trên 5 tháng họ mới được 3,8 tấn/ha. Giá gạo của họ gần 1.000 USD/tấn. Còn Việt Nam có nơi trồng 3 vụ, một năm thu hoạch được 14-21 tấn/ha nên mình chỉ cần bán 800 USD/tấn gạo thì không chỉ Hong Kong mà chiếm lĩnh luôn thị trường gạo ngon cả thế giới”, giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích.

Liên kết tiêu thụ để loại bỏ "cò"

Trước trăn trở của nhà nông và các địa phương về “cò” tiêu cực, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang khuyến cáo người dân không nên làm lúa cá thể. Theo ông, nông dân không cùng nhau liên kết sản xuất, tự làm manh mún sẽ sản xuất ra lúa, gạo không đạt được độ thuần, ngon, sạch và tốn kém chi phí.

Ông khuyên nhà nông thành lập các hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp có đầu ra ổn định. Khi nhà nông và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau sẽ tránh được cò. Nhà khoa học này cũng lưu ý nông dân chọn doanh nghiệp phải làm ăn thực tế, không phải chụp giật, nắm được thị trường nước ngoài để tiêu thụ chắc chắn hơn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân lấy ví dụ tỉnh Sóc Trăng hay tỉnh nào đó cần có vài doanh nghiệp xông xáo qua Trung Đông, Mỹ, Hong Kong, Canada mời chào người Việt mua gạo Việt. Theo ông, người Việt nào ở nước ngoài đều có lòng tự hào về hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, khi doanh nghiệp Việt sang nước ngoài bán gạo với giá rẻ thì người Việt tại đây sẽ không còn mua gạo Thái Lan.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã khẳng định địa phương đang có kế hoạch thúc đẩy sản xuất liên kết, tránh nhỏ lẻ, để giúp nông dân loại bỏ “cò”.

Giao su Vo Tong Xuan hien ke loai bo co anh 4

Nông dân thị xã Ngã Năm thu hoạch lúa ST24. Ảnh: Việt Tường.

Theo ông Nhã, cuối tháng 4 hoặc chậm nhất đầu tháng 5, Sở NN&PTNT Sóc Trăng sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến liên kết tiêu thụ lúa gạo. Tại hội nghị này, ngành nông nghiệp Sóc Trăng sẽ mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến để trao đổi, kết nối, hỗ trợ tạo sự gắn kết.

“Vừa qua các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng còn hạn chế. Vì vậy, Sóc Trăng muốn có hội nghị này để kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tỉnh liên kết tiêu thụ lúa và có những định hướng giải quyết khó khăn cho nông dân”, ông Nhã nói.

Giá lúa miền Tây bị 'cò' chi phối?

Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) khẳng định “cò” là những người thu gom, phân phối lúa được hình thành theo quy luật thị trường, nhưng đã có một bộ phận tiêu cực.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm