Chiều 13/4, nhiều gia đình ở khóm Tân Thành, phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) vẫn chưa tìm được người mua lúa ST24 dù lịch thu hoạch đã muộn 4-7 ngày. Theo nông dân, giá lúa ST24 những ngày này giống như hàng dội chợ, mua hay không là quyền của “cò”.
“Lúa chín gục trên đồng trong khi máy cắt chạy qua trước nhà mình kêu vô đồng không được. Họ nói muốn gì thì điện cho ‘cò’. Có nhiều điều nông dân bức xúc lắm mà không nói được. Người mua lúa của mình là 'cò', họ bán lại cho ai mình đâu biết. Thương lái đến gặp mình nói đúng tên cò thì cho cân”, anh T.V.T. ở gần nhà thờ Tân Thành nói.
Cắt lúa muộn mất sản lượng
Ông Trương Văn Tia ở khóm Tân Thành là một trong những người cho rằng bị “cò” ép giá. Hai tuần trước, ông Tia nhận tiền cọc và được người mua chốt giá 7.000 đồng/kg lúa ST24. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch như cam kết vẫn chưa thấy máy gặt vào đồng kiến ông sốt ruột.
Chỉ trong 10 ngày, nông dân Ngã Năm (Sóc Trăng) mất 800-1.000 đồng/kg lúa ST24. Ảnh: Việt Tường. |
Ngày 10/4, thấy máy vào đồng cắt lúa, ông Tia chưa kịp mừng thì một ngày sau người mua “xin bớt 3 lai” (sụt 300 đồng mỗi kg - PV). Ông Tia bức xúc nhưng buộc phải chấp nhận giảm 200 đồng/kg so với giá ký kết ban đầu.
“Tôi nói với người mua rằng mấy chú xét đi, nông dân làm ra hạt lúa trầy da tróc vẩy mà mà bị ép giá là tội cho bà con lắm. Lúa cắt xong rồi kêu sụt. Chẳng thà lúa đứng ngoài cây, mấy ngày trước mấy ông nói sụt thì nông dân tìm cách tính. Khi lúa cắt xuống rồi mà nói sụt là ép nông dân”, ông Tia nêu quan điểm.
“Có năm giá lúa tăng cao, mấy ông ‘cò’ đâu chịu tăng thêm so với ký kết. Năm na,y người mua để tới lúa gục luôn. Nếu cắt sớm 1 công 1 tấn nay còn khoảng 700 kg, nông dân mất biết bao nhiêu. Mình làm lúa theo lịch thời vụ, vô đông ken là bị họ ép sụt giá chứ ở các tỉnh vùng trên đâu sụt”, ông Tia nói.
Nông dân ham giá lúa giống rẻ của “cò”
Ông Võ Như Ý, Chủ tịch UBND xã Ninh Qưới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) xác nhận lúa ST24 vài ngày trước nông dân được thương lái đặt cọc giá 7.000 đồng/kg. Vị lãnh đạo địa phương có 2.473 ha đất trồng lúa chưa rõ sự biến động của thị trường như thế nào nhưng thực tế ông Ý thấy thương lái thu mua chậm.
Hoạt động mua bán lúa được thực người môi giới bàn bạc rôm rả. Ảnh: Việt Tường. |
“Bà con nào chưa lấy tiền cọc hoặc giao kèo trước thì thương lái không mua, hoặc mua thì chỉ 6.200 đồng/kg lúa ST24. Các giống khác vẫn có giá tốt. Hiện nay, lúa đài thơm ổn định 6.500-6.600 đồng/kg, RVT 7.200 đồng/kg, không tăng, không sụt. Riêng ST24 rớt giá từ 7.000 đồng xuống 6.300-6.400 đồng/kg”, ông Ý chia sẻ.
Theo ông Ý, địa phương này cũng có “cò” thu gom, phân phối lúa cho nông dân nhưng ít khi xảy ra tình trạng bỏ tiền cọc để từ chối nghĩa vụ mua lúa. Những loại lúa giá biến động giảm theo thị trường, “cò” xin nông dân giảm theo 100-200 đồng/kg. Nếu xin giá giảm không được, “cò” cố gắng mua vì trước đó họ đã ký kết hợp đồng chốt giá với Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc.
Ngoài việc nhà máy Vĩnh Lộc mua vào 6.900-7.000 đồng/kg lúa ST24 để giúp những nông dân có hợp đồng ký kết rõ ràng, ông Ý cho rằng cách làm của địa phương khiến “cò” khó ép giá lúa là phân chia cánh đồng lớn ra thành nhiều khu.
“Các khu không xuống giống cùng lúc mà chia thành 2-3 đợt. Do đó, hiện nay nông dân chúng tôi thu hoạch xong đợt đầu là 60%, đợt sau còn 40% thì một tuần nữa lúa mới chín. Phân ra như vậy công tác thu mua cũng đỡ áp lực”, ông Ý nêu quan điểm.
Tại Ngã Năm (Sóc Trăng) đã xảy ra tình trạng "cò" bỏ tiền cọc để từ chối nghĩa vụ mua lúa. Ảnh: Việt Tường. |
Theo Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc Nguyễn Văn Phong, giá lúa ST24 doanh nghiệp chốt giá với nông dân 2 tuần trước khi thu hoạch. Nông dân bán lúa cho “cò”, không liên hệ doanh nghiệp có uy tín để tiêu thụ sản phẩm nên phải bán với giá 6.200-6.300 đồng/kg như hiện nay.
“Bà con mình phải hợp đồng với các doanh nghiệp lớn để được bao tiêu. Còn đa số bà con hiện nay ham rẻ, nhận giống và phân giá rẻ từ cò địa phương. Cò địa phương giá lúa rẻ thì họ bỏ cọc, đưa người khác vô mua giá thấp”, ông Phong khuyến cáo.
Một số “cò” tiêu cực
Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong cho rằng “cò” là những người di gom lúa rồi phân phối được hình thành theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, có một bộ phận cò tiêu cực, ép giá nông dân.
“Lúa dòng ST năm nay trồng nhiều. Nông dân Ngã Năm trồng đột biến tăng lên 12.000 ha, trong tổng số 18.000 ha đất lúa. Diện tích nlúa ST năm nay lớn nhất so với các huyện nên bị ép giá dữ lắm. Bây giờ còn trên 6.000 một kg”, ông Phong nêu lý do nông dân bị ép giá.
Để tránh bị “cò” và tư thương thông đồng ép giá, ông Phong chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn nông dân thành lập những hợp tác xã có pháp nhân chân chính nhằm liên kết lâu dài với doanh nghiệp lớn chứ không thể bữa nay doanh nghiệp này, bữa khác lại bán lúa doanh nghiệp kia.
Máy gặt đập muốn xuống ruộng cắt lúa phải thông qua "cò". Ảnh: Việt Tường. |
Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm nhìn nhận khó nhất trong mua bán lúa là tổ chức được sự gắn kết thị trường, gắn bó lâu dài với nhà máy vì năm nay đầu ra của lúa dòng ST không tiêu thị rộng rãi như các giống khác. Ngoài ra, ông Phong còn hướng dẫn nông dân tạo mối quan hệ với doanh nghiệp và duy trì mối quan hệ đó.
“Tụi tôi với các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang làm một lượt nhưng không hiểu sao thương lái đến những cánh đồng bên tỉnh bạn mà không đến đây. Mối quan hệ làm ăn của người ta chắc tốt hơn. Vùng này bố trí lịch thời vụ né mặn nhưng cũng cố gắng phân ra lịch thời vụ, như xã này tháng này, xã kia tháng kia. Các xã thu hoạch thường nữa tháng hoặc 10 ngày chứ cách xa nhau xa quá sẽ không tránh được mặn”, ông Kim Thái Phong giải thích.