Nửa tháng qua, nhiều thương lái ở các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp… đưa ghe lớn và ôtô tải đến tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang để thu mua lúa. Ngoài các loại giống như OM 18, RVT, đài thơm, người dân các tỉnh này đang thu hoạch rộ lúa dòng ST nổi tiếng của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua với nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng.
Lúa chín gục trên đồng
Chiều tối 12/4, nông dân T.V.G. ở phường 2, thị xã Ngã Năm đứng ngồi không yên vì chờ người mua lúa trả tiền nhưng “cò” Kg. vẫn chưa đến nhà. Ông Kg. cũng là người mua lúa của nông dân để bán lại cho thương lái và các doanh nghiệp lớn.
Lúa của một nông dân ở phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) bán với giá thấp hơn giao kết với "cò". Ảnh: Việt Tường. |
Từ đầu vụ, ông Kg. đã giao lúa giống cho nông dân và hứa bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch. Với cách làm này, Kg. vừa bán được giống, bán được phân bón và ước được tổng sản lượng để ký kết hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp sản xuất gạo nhằm hưởng tiền “cò”.
Anh G. cho biết, 2 năm trước từng chốt giá lúa 7.300 đồng/kg với “cò”. Khi giá lúa giảm, nông dân gần 50 tuổi này bị ép giá xuống còn 5.300 đồng/kg.
“Năm nay, tôi cũng bị ép giá. Hai tuần trước tôi chốt với ‘cò’ giá 7.000 đồng/kg nhưng đến ngày thu hoạch không thấy máy cắt. Chờ thêm 4 ngày mới thấy máy thì lúa đã chín gục trên đồng. Lúc này, ‘cò’ Kg. nói giá lúa giảm, xin xuống 6.800 đồng, nếu không bán ông ấy sẽ bỏ tiền cọc để từ chối việc mua lúa”, anh G. kể.
Trong lúc 2 bên thương thảo giá vào trưa 11/4, một “cò” lúa khác đến nói với ông Kg. rằng lúa ST24 giảm giá xuống 6.200 đồng/kg như để muốn gây áp lực với nhóm nông dân sản xuất cùng cánh đồng với anh G.
“Ông Kg. bỏ tiền cọc thì mất đâu có bao nhiêu, tụi tôi không bán với giá 6.800 đồng thì sẽ mất thêm nhiều tiền. Đó là mất giá nếu bị ép lần nữa, mất thêm sản lượng nếu để lúa chín gục”, anh G. nói khi cùng bạn chung nhóm sản xuất bán khoảng 80 tấn lúa cho “cò” Kg.
Cũng bị “cò” xin giảm giá như anh G., nông dân 40 tuổi có ruộng lúa gần cầu Thủy Lợi trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp bán cho ông Kh. 6.900 đồng/kg lúa ST24. Tuy nhiên, một khu ruộng khác rộng 4 ha của nông dân này sắp thu hoạch chỉ được ông Kh. trả giá 6.200 đồng/kg.
1 ha lúa được cắt, chủ máy cắt phải trả cho "cò" 200.000 đồng. Ảnh: Việt Tường. |
“Đám ruộng đang cắt tôi thu hoạch muộn gần 10 ngày, lúa chín gục trên đồng vì ông Kh. cứ hẹn hoài. Theo tôi biết, mấy ông ‘cò” ký hợp đồng bán lúa ST24 giá 7.000 đồng/kg với doanh nghiệp lớn từ một tháng trước. Bây giờ ST24 giảm, mấy ổng ép nông dân còn sáu nghìn mấy nhưng đảm bảo sẽ mang đi bán theo hợp đồng vẫn được 7.000 đồng”, nông dân 40 tuổi nói.
Theo người này, ngoài hưởng tiền “cò” với doanh nghiệp đối tác, ông Kg., Kh. và những người môi giới khác còn hưởng thêm 20.000 đồng/ha lúa thu hoạch từ các chủ máy cắt.
“Ở nhà chỉ điện thoại giới thiệu máy cắt lúa vô đồng, một ngày ‘cò’ bỏ túi vài triệu đồng”, một nông dân ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết.
Chốt giá lúa rôm rả trong quán giải khát
Phóng viên Zing đi từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), huyện Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), huyện Phước Long, Hồng Dân (Bạc Liêu) đều ghi nhận cảnh mua, bán lúa nhộn nhịp tại những cánh đồng ven lộ và kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Máy cắt lúa ở nhiều tỉnh khác cũng đến vùng này nhưng muốn xuống ruộng phải thông qua các “cò”.
Tại một quán giải khát đối diện nhà thờ Tân Thành, trên chục “cò” lúa thay phiên nhau ra, vào để chốt giá và đưa tư thương đi xem lúa. Sáng 9/4, nhiều “cò” chốt giá như nhảy múa với thương lái ở các mức 6.900, 6.700, 6.600, 6.500, 6.540, 6.300 và 6.200 đồng/kg.
Lúa chín gục trên một cánh đồng ven đường Quản Lộ - Phụng Hiệp nhưng chưa có người đến mua. Ảnh: Việt Tường. |
Lấy lý do cần lúa để sản xuất gạo, phóng viên Zing được “cò” L.T. giới thiệu: “Lúa ở đây chín rộ, anh muốn mua lại tôi có ST24, RVT, OM 18. Tôi bao lúa khô, đẹp, chưa cắt, giá 6.450 đồng/kg. Lúa cắt rồi tôi bỏ tiền cọc, không mua. Lúa RVT tôi bán anh 6.600 đồng/kg, hôm trước đặt cọc trên 7.000 đồng/kg, tôi bỏ cọc đi mua chỗ khác để bù lỗ lại. Tiền cò 50 đồng/kg, trước giờ tôi lấy của người nào cũng giá này”.
Tương tự, “cò” K.X. chào giá với khách 6.500-6.000 đồng/kg lúa ST24. Theo ông X., nếu đã chốt giá với nông dân 7.000 đồng thì chấp nhận bỏ tiền cọc để không mua. Khi nông dân nài nỉ thì kêu “cò” khác đến mua giá chỉ 6.600 đồng/kg hoặc thấp hơn.
Trường hợp này đã xảy ra với gia đình một nông dân tên Chín ở phường 2, thị xã Ngã Năm. Ông này chốt giá với “cò” 7.000 đồng/kg nhưng khi lúa thu hoạch xong lại không được mua. Sau 2 đêm ngủ ngoài đồng để giữ lúa, ông Chín điện thoại năn nỉ “cò” để bán với giá 6.600 đồng/kg.
Ông Võ Văn Bé, Bí thư Đảng ủy phường 2, thị xã Ngã Năm khẳng định nhiều “cò” lúa và thương lái đặt cọc 7.000 đồng/kg lúa ST24 đã đã bỏ tiền cọc vì giá giảm chỉ còn 6.200 đồng/kg.
“Vùng này lúa RVT, OM 18 và đài thơm giá dao động 7.200-7.300 đồng/kg. Giá này không sụt mà còn tăng, chỉ có ST24 giảm vì không có người mua. Giống này trước Tết bà con bán được giá 7.800 đồng/kg, sau đó sụt còn 7.500, 7.000 đồng. Chừng 10 ngày nay sụt xuống 6.800, 6.600 và hôm nay là 6.200 đồng/kg”, ông Bé nói.
Gia đình nông dân có những bao lúa này đã giăng mùng ngủ giữ lúa nhiều ngày nhưng "cò" chưa đưa tư thương đến cân. Chủ lúa đã điện thoại năn nỉ thương lái đến mua và tự giảm giá nhiều lần. Ảnh: Việt Tường. |
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam Nguyễn Trung Kiên, giá gạo trên thị trường quốc tế đang cao. Giá lúa tại địa phương là do thương lái với nông dân thỏa thuận.
“Nếu so cùng kỳ năm trước thì giá lúa cao hơn 1.900-2.200 đồng. Giá tốt như vậy có nhiều yếu tố từ chính sách điều tiết, cơ chế phân bổ thị trường và từ định hướng sản xuất lúa gạo của Nhà nước. Việc mua bán giữa hàng xáo với nông dân là một chuỗi của kênh phân phối lúa gạo”, ông Kiên chia sẻ.