Sáng 9/3, anh Trần Linh Dũng (45 tuổi, ngụ phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch lúa, giống đài thơm 8. Thương lái cho xe đến tận ruộng phía sau bến xe Sóc Trăng để mua với giá 6,9 triệu đồng một tấn.
Anh Dũng cho biết lần đầu tiên bán lúa với giá cao như vậy. Những năm trước, gia đình thầy giáo này bán lúa chỉ với giá 4,7-5,9 triệu đồng mỗi tấn.
Anh Trần Linh Dũng thu hoạch lúa tại TP Sóc Trăng sáng 9/3. Ảnh: Việt Tường. |
Tại xã Châu Hưng A của huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), chị Trịnh Thị Thu Mai bán lúa tài nguyên giá 7 triệu đồng một tấn. Theo chị Mai, những người thu hoạch 2 tuần trước bán được giá 7,7 triệu đồng mỗi tấn.
“Năm trước tôi bán lúa tài nguyên chỉ được 6,5 triệu đồng mỗi tấn. Năm nay giá lúa tăng kỷ lục, năng suất cũng cao nên bình quân 1 ha lãi khoảng 40 triệu đồng”, chị Mai nói với Zing.
Lần đầu tiên nông dân miền Tây bán lúa với giá cao kỷ lục. Ảnh: Việt Tường. |
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xác nhận giá lúa đang cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Kiên, giá lúa tăng cao do nhu cầu của thị trường lớn. Có rất nhiều doanh nghiệp đang mua nhiều lúa để chế biến gạo xuất khẩu vì hạt gạo Việt Nam ổn định về chất lượng, được thị trường thế giới ưa chuộng.
VFA cho biết hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt 513-517 USD/tấn, với gạo 25% tấm là 488-492 USD/tấn. Các loại gạo khác như Jasmine dao động 563-567 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 438-442 USD/tấn.
Một chuyên gia trong ngành gạo lý giải thêm, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên 2 năm qua, nhu cầu gạo nội địa lẫn xuất khẩu đều tăng. Điều này đã đẩy giá lúa gạo tăng bình quân 15% so với khi chưa có dịch và luôn duy trì ở mức cao do Chính phủ các nước tăng dự trữ gạo.
Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và tâm lý Chính phủ các nước vẫn muốn đảm bảo an ninh lương thực bằng cách tăng mua dự trữ Quốc gia. Vì vậy, nhu cầu gạo sẽ vẫn còn tốt trong năm 2021.