Sáng 15/4, nhiều nông dân thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) có ruộng ở khu vực giáp ranh thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã không bán lúa ST24 cho “cò” và thương lái vì giá loại nông sản này chỉ còn 6.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Nông dân cho rằng bán lúa với giá này sẽ không thu nhiều lãi, nên thuê ghe chở về nhà phơi trữ lại, chờ giá cao.
“Chỗ nào ghe lớn hoặc xe tải vào được thì thương lái mua lúa ST24 giá 6.200 đồng/kg. Những cánh đồng xa, vận chuyển khó khăn thương lái mua ép giá xuống còn 6.000 đồng/kg hoặc không mua”, một nông dân nói.
Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa ST24. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, là cha đẻ của giống lúa ST24 và ST25 cho rằng thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn đột xuất nên một số giống lúa nông dân sản xuất ra bị dội chợ, khó bán.
Theo ông Cua, mỗi khi lúa dội chợ đều xảy ra chuyện thương lái “bẻ kèo” nông dân. Ông lý giải việc doanh nghiệp từ chối mua lúa do các lò sấy đã đầy lúa và khu dự trữ không còn chỗ trống nên lực bất tòng tâm.
“Mấy ông ‘cò’ tự làm giống nên lộn tùm lum cũng là nguyên nhân thương lái ngại mua. Lúa chín rộ nhưng nông dân không dám cắt vì không có ai mua. ‘Cò’ đầu tư giống cho nông dân nhưng thấy khó bán quá nên bỏ”, ông Cua chia sẻ.
Vị Anh hùng Lao động được vinh danh từ cây lúa đã có hàng chục năm gắn bó với nông dân thấy rằng nông dân ít tiền nên nhận lúa giống không thuần và phân kém chất lượng của “cò” để sản xuất. Điều này cho thấy đã có sự nhất trí của nông dân với “cò” ngay từ đầu vụ nhưng đến cuối vụ nông dân lại bị “cò” ép giá khi lúa gặp cảnh dội chợ.
Theo ông Cua, các ngành, các cấp phải khuyến cáo nông dân chọn giống có thương hiệu để sản xuất. Tuy nhiên, vụ đông xuân này diện tích ST24 lớn quá, như thị xã Ngã Năm dự kiến trên 8.000 ha nhưng nông dân xuống giống đến 12.000 ha.
Theo ông Cua, lúa ST24 đang dội chợ vì vụ đông xuân này nông dân Sóc Trăng và các tỉnh lân cận trồng quá nhiều giống lúa này. Ảnh: Việt Tường. |
"Khi lúa quá nhiều thì thương lái mua có sự chọn lọc. Vì vậy, những nông dân bị thương lái bỏ là trồng những giống lúa do ‘cò’ làm, lẫn lộn giống khác. Tôi thấy nông dân bây giờ khuyến cáo nhưng họ không nghe”, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đánh giá.
Điều khiến cha đẻ của giống lúa ST24, ST25 (cho ra hạt gạo lần lượt đoạt giải nhất, nhì và ba thế giới) băn khoăn nhất là tỉnh Sóc Trăng có chủ trương trồng lúa thơm đặc sản 80% diện tích. Ông Cua cho rằng trồng nhiều như thế này là nguy hiểm, lo cho nông dân gặp cảnh tiêu thụ khó vì tỉnh này không có doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu gạo thơm ST24.