Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc hoạt động đơn tuyến tại Sài Gòn với vỏ bọc một giáo sư Toán học. Sau ngày giải phóng, ông được phong quân hàm thiếu tướng, như các nhà tình báo lỗi lạc khác của quân đội ta là Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ…
"Giáo sư lập dị" có 2 bằng tiến sĩ
Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc sinh năm 1932, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, có bố là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1947.
Năm 1953, ông gia nhập lực lượng điệp báo của Công an Nhân dân Việt Nam. Dưới bí danh "Ziệp Sơn", ông vào Sài Gòn và hai năm sau được cấp học bổng du học Pháp.
Cuốn sách viết về chân dung giáo sư, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc mang tựa đề Đơn tuyến, của nhà báo, nhà văn Phạm Quang Đẩu (NXB CAND, 2013), kể lại cuộc đời hoạt động tình báo của vị thiếu tướng với nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn.
Đọc bản thảo cuốn sách, nhà văn Ma Văn Kháng góp ý với tác giả nên đề là “tiểu thuyết chân dung” và nhà văn Phạm Quang Đẩu đã vui vẻ nghe theo. Đây thực chất là chân dung hoàn chỉnh của nhân vật chính kéo dài gần 60 năm trong cuộc đời thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc.
Bìa tiểu thuyết Đơn tuyến và chân dung giáo sư - thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc. |
Nhập học tại Đại học Paris, Pháp, với trí thông minh cùng quyết tâm cao độ, ông Nguyễn Đình Ngọc tốt nghiệp với 3 bằng kỹ sư về các ngành khá khác biệt: Thủy văn - Khí tượng, Đóng tàu và Viễn thông.
Sau đó, ông tiếp tục lấy 2 bằng tiến sĩ về Địa lý và Toán học, trở thành người Việt Nam hiếm hoi là giáo sư giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng của Pháp như Đại học Hải công, Đại học Viễn thông, Đại học Sorbonne...
Năm 1966, để lại vợ con tại Pháp, ông về nước một mình, được nhận vào làm giáo sư tại Viện Đại học Sài Gòn và thỉnh giảng tại tất cả đại học khác.
Giáo sư tạo cho mình vỏ bọc với hình ảnh người “lập dị”: Chỉ quan tâm khoa học, không để ý tiền bạc, sống độc thân, cửa dùng 7 chiếc khóa, ngày chỉ ăn một bữa, giỏi xem tử vi…
Với khả năng Toán học và Tin học vượt trội, ông thường xuyên được mời cộng tác làm việc cho hệ thống tính toán của quân lực Việt Nam Cộng hòa và cả quân đội Mỹ.
Do mối quan hệ công việc và xã hội, ông đã cung cấp nhiều thông tin rất quan trọng một cách kịp thời và chính xác cho cấp chỉ huy như các cuộc tập kích vào Trung ương Cục Miền Nam hay nhận định năm 1975, Mỹ không quay lại can thiệp...
Chiến công trước ngày toàn thắng
Chi tiết câu chuyện ông Ngọc lấy được thông tin Mỹ sẽ không quay lại Việt Nam được tác giả Phạm Quang Đẩu mô tả chi tiết trong Đơn tuyến. Nội dung trong sách đã được văn học hóa, nhưng nó thể hiện dựa trên các sự kiện có thật về chiến công của nhà tình báo.
Theo đó, mùa xuân năm 1975, sau những thay đổi dồn dập của tình hình thời sự, đến ngày 26/4, ông nhận được chỉ thị “khẩn” từ chỉ huy là ông Hai Tân: “Trung ương muốn biết trong tình hình ngụy quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, Mỹ có quay trở lại hay không? Cần trả lời ngay”.
Ông Hai Tân mà ông Ngọc đề cập, là Nguyễn Phước Tân, tên thật Nguyễn Văn Chẩn, chỉ huy trực tiếp của ông Nguyễn Đình Ngọc khi hoạt động bí mật.
Sau này, ông Nguyễn Phước Tân là trung tướng, Tổng cục phó Tổng cục An ninh, Bộ Công an, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhận chỉ thị của tổ chức, ông Ngọc nghĩ ngay đến hai người mà mình có quan hệ thân thiết, là đại tá Mỹ Jason Kaatz ở Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) và Phó đề đốc hải quân Việt Nam Cộng hòa Nghiêm Văn Phú, cũng là em rể vợ ông Ngọc. Tuy nhiên, khi ông đến nhà Jason Kaatz, người này đã ra đi.
Ông Ngọc liền đến nhà Nghiêm Văn Phú đúng lúc vợ chồng họ đang hối hả chuẩn bị di tản. Ông hối thúc ông Phú cầu cứu không quân Hoa Kỳ yểm trợ.
Khi ông Phú liên lạc bộ đàm với Đô đốc Noel Gayler - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, giục ông ta:
- Đô đốc có biện pháp gì yểm trợ khẩn cấp chứ. Chúng tôi không thể tử thủ mãi được, sắp bại trận cả rồi!
- Hết cách rồi! - tiếng Noel Gayler, không giấu nỗi thất vọng, chán nản. Ông Thiệu, ông Kỳ cũng yêu cầu như Phó đề đốc nhưng Tổng thống Gerald Ford đã từ chối. Giờ chỉ còn chiến dịch di tản bằng phi cơ C130 tại phi trường Tân Sơn Nhất đưa người Mỹ rời Việt Nam thôi.
Nghe câu trả lời của viên Đô đốc Mỹ, ông Ngọc nói ngay với Nghiêm Văn Phú:
- Đằng nào cũng thua. Tử thủ không giải quyết được gì, chỉ thêm đổ máu cho cả hai phía.
Sau khi từ chối di tản cùng gia đình ông Phú, giáo sư Ngọc tính ngay bài toán: Phải chọn cách nào để tin đến ông Hai Tân nhanh nhất?
Theo nguyên tắc, ông Ngọc chỉ được phép gửi tin qua hộp thư bí mật. Ông biết nơi ông Hai Tân đang ở là chùa Đại Tùng Lâm trên đường 51 đi Vũng Tàu, nhưng trước đó ông Hai Tân đã có chỉ thị: Chưa có lệnh không được đến.
Giáo sư Ngọc liền đến nhà một đồng nghiệp là giáo sư Võ Bình, người có ôtô Peugeot 404, mượn ông ta chiếc xe này trong vài giờ. Phá bỏ quy tắc bí mật, ông tự lái xe xuống chùa Đại Tùng Lâm. Sau hơn một giờ, ông đến nơi.
Vừa gặp, nét mặt ông Hai Tân lộ rõ vẻ ngạc nhiên khi thấy ông Ngọc đến vào lúc này. Nhưng khi nghe kể lại nội dung cuộc điện đàm giữa Nghiêm Văn Phú với Đô đốc Noel Geyler, nét mặt ông giãn ra, thoáng nụ cười nở trên môi. Ông ôm choàng đồng đội, nhẹ nhàng bảo giáo sư Ngọc cần quay trở về thành phố...
Sau này, khi nước nhà thống nhất, theo thời gian, hoạt động của một số điệp viên đơn tuyến được phép tiết lộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Ngọc mới biết: Ít ra trong thời điểm những ngày diễn ra cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, cấp chỉ huy chiến lược đã nhận được 3 tin tình báo, đều khẳng định Mỹ không quay lại cuộc chiến.
Đó là tin của ông Phạm Xuân Ẩn, sau này lộ diện là tình báo quân đội ta, lúc ấy đang trong vỏ bọc phóng viên tạp chí Time tại Sài Gòn.
Một tin khác của ông nghị Đinh Văn Đệ, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Việt Nam Cộng hòa, cũng là điệp viên đơn tuyến.
Tin của ông Ngọc về đến bộ chỉ huy cấp cao nhất 24 giờ trước cuộc tổng công kích cuối cùng vào đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Cuốn tiểu thuyết Đơn tuyến của nhà văn Phạm Quang Đẩu đã được trao giải A trong Cuộc thi viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống năm 2012-2015, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.