Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng bên cầu Hiền Lương, tháng 7/1960. Ảnh tư liệu. |
Tập hợp nhiều bài viết của đồng chí, đồng đội, người thân, những nhà nghiên cứu, sách Vị tướng khởi nguồn gió đại phong (NXB Thời đại, 2012) cung cấp nhiều thông tin về cuộc đời và những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc.
Đại tướng thứ hai của quân đội ta sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên thật Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914, trong một gia đình bần nông tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với lòng yêu nước và sớm được giác ngộ, ông đã sớm đến với con đường đấu tranh cách mạng. Trải qua các cuộc đấu tranh như phong trào Mặt trận Bình dân (1934) và Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo (1936-1938), ông đã được tín nhiệm và được cử làm làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên (1938).
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam, 05/7/1967. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
Tháng 8/1945, thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, ông tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại hội nghị quan trọng này, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đặc biệt, tại hội nghị này, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Sau hội nghị, ông được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng Xứ ủy lãnh đạo quân dân kiên cường chống kẻ thù xâm lược. Năm 1947, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và sau đó là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên. Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình Trị Thiên để thống nhất chỉ huy 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, ông được chỉ định làm Bí thư.
Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL bổ nhiệm ông giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động ông tiếp tục được cử vào Bộ Chính trị. Ở thời kỳ này, ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, đánh thắng thực dân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Với những đóng góp đó, ngày 31/6/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 036/SL phong hàm Đại tướng cho ông (không qua các cấp trung gian). Ông trở thành vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vị tướng tài ba trên nhiều lĩnh vực
Trong 2 kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được mệnh danh là “Tướng du kích”, “linh hồn của mặt trận Bình Trị Thiên”. Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, ông được điều vào miền Nam cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược ở tuyến đầu.
Với sự nhạy bén sáng suốt, coi trọng xây dựng các “quả đấm chủ lực”, ông và Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo mở chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… từng bước đánh bại các chiến đoàn ngụy quân, phá rã hàng nghìn “ấp chiến lược”, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Những trận thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), Plây-me vào giữa năm 1965 chứng minh cho nhận định sắc sảo của ông: Quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ về quân sự trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Sắc lệnh số 036/SL phong hàm Đại tướng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. |
Cùng với việc xây dựng các “quả đấm chủ lực”, Đại tướng cũng đặc biệt chú ý đến việc xây dựng cách đánh Mỹ và coi đó là điều có ý nghĩa then chốt nhất để đánh thắng địch trên chiến trường. Căn cứ vào tình hình địch và khả năng tác chiến của quân đội và nhân dân ta, ông đề xuất cách đánh thông minh, sáng tạo “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Tính sáng tạo của cách đánh này là, quân và dân ta đã tối thiểu hóa sức mạnh của binh khí và kỹ thuật hiện đại của quân địch, nhưng phát huy tối đa sức mạnh của quân đội ta bởi lối đánh gần, áp sát đối phương.
Điều quan trọng hơn, nghệ thuật tác chiến được khái quát hết sức ngắn gọn trong sáu chữ, dễ hiểu, dễ nhớ, mỗi người lính đều có thể thực hiện khi giữ bất kỳ cương vị nào trong tác chiến và trong từng hoàn cảnh chiến đấu cụ thể. Nắm vững và vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến quân sự này, quân đội và nhân dân ta trên các chiến trường đã lập nên những chiến công to lớn. Nghệ thuật quân sự “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau này đã được nhiều đồng chí, đồng đội của Đại tướng đánh giá như là chìa khóa để quân đội Việt Nam thắng Mỹ.
Bên cạnh tài chỉ huy và tài thao lược trên chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn đi đầu và có nhiều đóng góp lớn trong xây dựng nông nghiệp ở miền Bắc trong giai đoạn 1961-1964. Không những vậy, ông còn là cây bút bình luận sắc sảo của báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân thời kỳ đó có nhiều bài bình luận về chiến tranh của ông với bút danh Hạ Sỹ, Trường Sơn, với những phân tích sâu sắc về chiến lược của cuộc chiến tranh, phân tích toàn diện cục diện chiến trường miền Nam, giúp người đọc hình dung thế và lực của ta và địch trên chiến trường…
Năm 1967, sau thời gian lãnh đạo chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị triệu tập ra bắc để báo cáo tình hình, chuẩn bị kế hoạch đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc tại Hà Nội, ông bị lên cơn đau tim đột ngột. Ông mất ngày 06/7/1967, hưởng dương 53 tuổi.
Nhân vật số 1 tại Trung ương Cục miền Nam
Vào tháng 1/2001, Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) đã bạch hóa tài liệu Bản thông tin tình báo những khó khăn cho Bắc Việt sau cái chết của Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Chí Thanh. Tài liệu này được đóng dấu Mật (Secret), đề ngày 11/7/1967. Đây là một tài liệu quý cung cấp những thông tin liên quan đến hoạt động của các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam và góp phần làm rõ nguyên nhân dẫn đến những quyết định của Hoa Kỳ trong thời đó.
Tài liệu Bản thông tin tình báo những khó khăn cho Bắc Việt sau cái chết của Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Chí Thanh do CIA đã bạch hóa vào tháng 1/2001. Nguồn: foia.cia.gov |
Tài liệu này cho rằng cái chết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội vì cơn đau tim ngày 6 tháng 7 [1967] khiến Bắc Việt gặp khó khăn. Tài liệu này viết “Với cả lai lịch quân sự lẫn kinh nghiệm chính trị, ông Nguyễn Chí Thanh là người khó có thể thay thế. Ông là người duy nhất ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang quân hàm đại tướng trong quân đội […]. Từ đầu năm 1965, ông Thanh là nhân vật số một tại Trung ương Cục miền Nam (COSVN) [viết tắt theo tiếng Anh Central Office for South Vietnam], cơ quan đầu não về chính trị và quân sự cho phiến quân cộng sản tại Nam Việt Nam. Trong hai năm rưỡi công tác tại miền Nam, ông Thanh được cho là đã có quyền quyết định về cả việc hoạch định cũng như thi hành chiến lược và triển khai lực lượng [...]. Việc điều động ông Thanh vào COSVN đầu năm 1965 chắc hẳn là kết quả sự lạc quan của Hà Nội tin rằng họ sẽ thành công […]. Ông Thanh dày dặn kinh nghiệm quân sự với tư cách cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, ông mang quân hàm cao nhất của nước và ông có tư duy chọn giải pháp quân sự và mạnh mẽ cho những khó khăn lớn”. Tài liệu này cũng nhận định, có rất ít nhân vật có uy tín và tầm vóc có thể thay thế được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và dự báo những ứng viên có thể thay thế Đại tướng tại COSVN.
Như vậy, từ đánh giá trên của CIA, chúng ta có thể thấy rõ hơn tầm vóc của vị Đại tướng thứ 2 của QĐND Việt Nam qua chính góc nhìn của đối phương.