Triển lãm “Quân với dân một ý chí” khai mạc vào ngày 17/12/2019 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh mối quan hệ quân - dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thành tựu sau 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân; quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày nhiều hiện vật quý phản ánh quá trình thành lập và những “trận đánh” đầu tiên Đội VN tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của QĐND VN.
Theo sách Từ Nhân dân mà ra, hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai thể hiện (NXB Quân đội Nhân dân, 1964), cuối năm 1943 xác định “thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa vẫn chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải đi từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ định đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung (xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng,…), đồng thời Người bắt đầu phác thảo ra nhưng nét chính về Đội Việt Nam giải phóng quân... Sau đó, Người đã gặp đồng chí Văn và đồng chí Lê Quảng Ba để thông qua kế hoạch thành lập. Ngày 21/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trao một bức thư nhỏ của mình được đặt trong một bao thuốc lá cho đồng chí Văn. Bức thư nhỏ đó chính là bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. 5 giờ chiều, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ngày nay), đồng chí Văn được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đội có 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Sách dùng học tập quân sự và chính trị của đồng chí NguyễnTân Hưng ở Đồng Thịnh, Định Hoá, Thái Nguyên, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam. |
Nón đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dùng đóng giả lính dõng trong trận tiêu diệt đồn Phai Khắt - Nà Ngần ngày 24/12 (02 trận đánh đầu tiên của bộ đội ta). Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam. |
. Súng ngắn: đồng chí Văn dùng trong trận tiêu diệt đồn Phai Khắt - Nà Ngần. Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam. |
Súng kíp: đồng chí Nông Ngọc Đính, xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng đã dùng khi trực tiếp chiến đấu đánh đồn Phai Khắt-Nà Ngần. Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam. |
Súng ngắn: chiến lợi phẩm đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thu được của tên đồn trưởng đồn Nà Ngần trong trận Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiêu diệt đồn này đêm 25/12/1944. Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam. |
Dao rựa của ông Phùng Đức Chung, xã Hòa Bình, Bạch Thông, Bắc Cạn đã mang theo làm công tác giao thông cho đội Việt Nam Tuyên Truyền giải phóng quân và đi bảo vệ các đ/c Hoàng Sâm, Quang Trung… trong khi vận động nhân dân đóng góp lương thực. Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam. |