Chiều ngày 17/12, tại Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam đồng tổ chức tọa đàm: Giới thiệu bộ sách giáo khoa lớp 1 (bộ SGK “Cánh Diều”) theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ SGK xã hội hóa đầu tiên của VN
Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm cho biết, bộ SGK “Cánh Diều” là kết quả hợp tác của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam. Đây là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên, hiện thực hoá và khẳng định chủ trương về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. “Sự ra đời của bộ sách đã bước đầu tạo ra một cuộc cạnh tranh về chất lượng SGK cả về nội dung và hình thức”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, bộ SGK “Cánh Diều” được biên soạn trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương “thực học, thực nghiệp” và bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ sách có 100% bản mẫu được các Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỉ lệ phiếu đồng thuận tuyệt đối. Bên cạnh đó, Cánh Diều cũng là bộ SGK duy nhất hiện nay đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020 - 2021.
Điểm đặc biệt ở bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” là sự quy tụ được hầu hết các chuyên gia Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tác giả của bộ SGK là những nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục uy tín của các trường đại học sư phạm, viện nghiên cứu và nhiều cơ sở giáo dục. Chỉ tính riêng bộ SGK của lớp 1 đã quy tụ được 6/8 chuyên gia là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ biên Chương trình môn học như GS Nguyễn Minh Thuyết, TS. Mai Sỹ Tuấn…
“Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên, kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 cho biết chương trình giáo dục mới được xác định là một chương trình phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học. Nếu chương trình hiện hành tập trung trả lời câu hỏi “học sinh học xong biết được những gì” thì chương trình giáo dục mới trả lời câu hỏi “học xong học sinh làm được những gì”.
SGK Tiếng Việt 1 của bộ SGK Cánh Diều tập trung phát triển năng lực của người học gồm: đọc, viết, nói, nghe, tự học tự chủ, giao tiếp, hợp tác, 5 phẩm chất gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Bộ sách đã có sự kế thừa SGK hiện hành, do đó, giáo viên chỉ cầm quyển sách là có thể dạy được ngay.
Ông Thuyết cũng cho biết, sách tiếng Việt sẽ gồm 3 phần (học chữ cái, học vần và luyện tập tổng hợp); mỗi bài chỉ học 2 chữ cái hoặc 2 vần cho vừa sức học sinh. Việc học mỗi vần đều bắt đầu từ một từ khóa chỉ những sự vật quen thuộc đối với học sinh.
Khác với SGK “Tiếng Việt 1” hiện hành, ngay từ những bài học đầu tiên SGK mới đã vận dụng những chữ và vần mà học sinh đã học để tạo ra các bài đọc, bài viết hấp dẫn, giúp học sinh phát triển các kĩ năng đọc, viết và không quên chữ, quên vần.
Ở phần luyện tập tổng hợp, SGK mới có thêm các giờ tự đọc sách ở lớp, ở thư viện và các hoạt động trải nghiệm dưới tên gọi “góc sáng tạo”. Trong quá trình dạy thử nghiệm, hoạt động này được nhiều học sinh đón nhận, hứng thú khi tham gia. Đây cũng là sự thể hiện tư tưởng xuyên suốt của bộ sách là “mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”.
Giảm tải và gắn với cuộc sống
GS. TSKH. Đỗ Đức Thái, Chủ biên SGK Toán 1 cho biết chương trình môn toán mới có những thay đổi mang tính “cách mạng” so với chương trình môn toán hiện hành và truyền tải đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo ông Thái, chương trình môn toán phổ thông hiện hành, đặc biệt đối với cấp tiểu học quá tải và rất nặng. “Tôi nói câu này bằng tất cả trách nhiệm của tôi... Chương trình và bộ sách giáo khoa Toán tiểu học hiện nay khó đến mức để hiểu được hết nó phải là các giáo sư Toán học có trình độ tương đối tốt. Tôi nói ví dụ, trẻ con tuổi đọc, viết chưa được, các cô còn phải xúc cho ăn, thế nhưng đã phải học cách xây dựng tập số tự nhiên bằng hai loại tiên đề. Một là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm một con gà, một con bò, một con mèo ra số 1; hai bông hoa, hai cốc nước ra số hai… Đồng thời nó có hệ tiên đề Peano đằng sau đấy là số liền trước, số liền sau. Tôi nói thật, nếu tôi gọi các cô giáo dạy cấp 1 Toán lên tôi đố cô nào trả lời đúng”.
Một ví dụ khác là nguyên tắc học hình học, trẻ lớp 1 cần được hiểu những cái biểu tượng cụ thể, sờ mó được, quan sát được, cầm nắm được, mới tới những cái trừu tượng. Thế nhưng, các em lại phải học ngay “đường thẳng”, một khái niệm toán học rất là trừu tượng... Cho nên, “môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm đối với nhiều trẻ. Các em không thấy niềm vui ở học toán nữa và như thế là chúng ta giết chết giáo dục Toán phổ thông từ trong trứng”, ông Thái nói.
Ông Thái cũng cho biết khi tham gia biên soạn chương trình, đồng thời với trách nhiệm của Tổng chủ biên một cuốn sách giáo khoa Toán mới, ông luôn lưu ý thành viên ban soạn thảo phải thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thực sự giảm tải và giảm tải một cách hợp lý, làm sao để mỗi giờ học Toán là một giờ vui chứ không phải là một giờ hãi hùng.
Bên cạnh giảm tải, ông Thái cũng cho rằng môn Toán cần gắn liền với cuộc sống. Chúng tôi muốn mở toang cánh cửa của nhà trường ra để cuộc sống tràn vào trong các học sinh không phải chỉ học số 1,2,3... mà quan trọng là những điều đó biến thành năng lực để có thể giải quyết được những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Sách Toán được xây dựng trên quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, đề cao tính tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thầy cô. Sách cũng được thiết kế giúp giáo viên có thể tổ chức bài học một cách sáng tạo, theo đúng tiến trình sư phạm, đúng nhận thức của học sinh. Về hình thức, sách Toán được in 4 màu rất đẹp, không thua kém sách ở các nước phát triển.
Giai thoại về các vị tổ mật tông
Một trong những đặc điểm của nền văn minh Tây Tạng là việc sưu tầm mật lý và tầm sư học đạo. Có rất nhiều giai thoại về các cuộc tầm sư học đạo đầy gian nan thử thách, và một vài trong số đó là các vị tổ Mật Tông Tilopa, Naropa, Marpa và Milarepa. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!
Người xưa xử phạt hành vi 'vi phạm trật tự giao thông' như thế nào?
Hàng trăm năm trước, cha ông ta đã có quan điểm rất rõ ràng về mặt luật pháp đối với hành vi vi phạm “trật tự giao thông” và “hạ tầng giao thông”.
Nhiếp ảnh gia Đức nổi tiếng với ảnh chiến tranh ở Việt Nam qua đời
Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt nhất của Cộng hòa Dân chủ Đức và những tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.