Lời cảnh báo đau xót trên của người đứng đầu Vatican được đưa ra trong buổi cầu nguyện Angelus ngày 13/6, theo AFP.
Giáo hoàng Francis gợi nhớ về buổi tưởng niệm tại Sicily, Italy đánh dấu thảm kịch xảy ra vào tháng 4/2015 khi ước tính 800 người di cư từ Libya vượt biển tới Italy chết đuối do lật thuyền.
“Biểu tượng của rất nhiều thảm kịch trên biển Địa Trung Hải sẽ tiếp tục thách thức lương tâm của mọi người, kêu gọi nhân loại đoàn kết hơn và phá vỡ bức tường của sự thờ ơ”, Giáo hoàng Francis cho biết. “Hãy nghĩ về vấn đề này: Địa Trung Hải đã trở thành nghĩa trang lớn nhất châu Âu”.
Theo cập nhật mới của hãng thông tấn Ansa, hơn một chục chiếc thuyền đã đến hòn đảo Lampedusa, Italy vào ngày 12/6. Hơn 1.200 người di cư trên những chiếc thuyền này đang được giữ lại trong các cơ sở khẩn cấp địa phương.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc, hơn 500 người đã chết trong các cuộc vượt biên tới Italy và Malta từ tháng 1 đến giữa tháng 5.
Hàng nghìn người khởi hành từ Bắc Phi mỗi năm, nuôi hy vọng về một cuộc sống mới ở châu Âu. Họ thường vượt biển trên những chiếc thuyền quá tải, dột nát do những tội phạm buôn người điều khiển.
Địa Trung Hải là một trong những cung đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Khu vực này được một số tàu cứu hộ từ thiện tuần tra, nhưng nhiều ý kiến chỉ trích rằng giới chức trách châu Âu không trợ giúp thích đáng.
Những người di cư bị đắm tàu rời khỏi tàu cứu hộ vừa cập cảng Augusta, Sicily, Italy ngày 16/4/2015. Ảnh: AFP. |
Cũng trong sự kiện hôm 13/6, Giáo hoàng Francis đã cầu nguyện cho người dân tị nạn vùng xung đột Tigray, Ethiopia, nơi đang xảy ra nạn đói và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
“Chúng ta hãy cùng cầu nguyện để chấm dứt bạo lực ngay lập tức, để mọi người được đảm bảo lương thực, hỗ trợ y tế và hòa nhập với xã hội càng sớm càng tốt”, người đứng đầu tòa thánh Vatican nhấn mạnh.
Liên Hợp Quốc cho biết hơn 90% trong số 5 triệu người ở Tigray cần viện trợ lượng thực khẩn cấp và họ đã khẩn cấp kêu gọi hơn 200 triệu USD để mở rộng quy mô ứng phó.
Tình trạng trên xảy ra sau khi Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, điều quân đội tới khu vực phía bắc nước này vào tháng 11/2020 để bắt giữ và tước vũ khí đối với các nhà lãnh đạo Mặt trận Giải phóng dân tộc Tigray - đảng cầm quyền trước đây của khu vực.
Nhà lãnh đạo từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2019 này cho biết động thái đó nhằm đáp trả cuộc tấn công từ Tigray vào các trại quân đội liên bang.
Mặc dù ông Ahmed cam kết xung đột sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn 6 tháng sau đó. Các báo cáo về hành vi tàn bạo, bao gồm lạm dụng hiếp dâm, đang ngày càng gia tăng.