Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Di dân gặp nạn giữa biển bị bỏ mặc đến chết vì 'đó là ngày nghỉ'

Nhiều đoạn ghi âm giữa các quan chức tuần duyên của Lybia và Italy bị rò rỉ, cho thấy ít nhất 126 người di cư gặp nạn tại Địa Trung Hải vào ngày 16/6/2017 bị bỏ mặc đến chết.

8h18 ngày 16/6/2017, cảnh sát tuần duyên Libya Col Massoud Abdalsamad nhận được một cuộc điện thoại từ một quan chức lực lượng tuần duyên Italy, thông tin rằng 10 chiếc xuồng chở người di cư qua Địa Trung Hải đang gặp nạn, nhiều xuồng ở lãnh hải Libya.

“Hôm nay là ngày nghỉ. Đây là ngày lễ ở nước tôi, nhưng tôi có thể cố giúp. Chúng tôi có thể sẽ đến vào ngày mai”, phía Libya đáp lại.

nguoi di cu bi bo mac den chet anh 1

Hàng trăm người di cư gặp nạn trên biển Địa Trung Hải đã chết vào ngày 16/6/2017 vì sự thờ ơ của chính quyền Libya. Ảnh: AFP.

Cuối ngày hôm đó, ông Abdalsamad thông báo cho Rome rằng lực lượng tuần duyên Libya đã tiếp cận được 5 chiếc xuồng và giải cứu hàng trăm người, nhưng không có bất kỳ tài liệu nào chứng thực tuyên bố đó.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) vào cuối tuần trước, đã có ít nhất 126 người thiệt mạng trong vụ việc 16/6/2017.

Ngày 16/4/2021, báo Guardian cho biết họ đang phối hợp với đài truyền hình công cộng Rai News của Italy và báo Domani, điều tra về nhiều đoạn nghe lén cảnh sát tuần duyên của Libya, nằm trong số 3.000 tập tin bị rò rỉ.

Các file ghi âm do các công tố viên ở Sicily, Italy thu thập trong khi điều tra một số tổ chức từ thiện cứu hộ trên biển bị nghi ngờ có liên quan đến các vụ buôn người. Những file này cho thấy sự thờ ơ của phía Libya trước hoàn cảnh của người di cư và trước luật pháp quốc tế.

Tháng 2/2017, châu Âu đã trao lại trách nhiệm giám sát các hoạt động cứu hộ ở Địa Trung Hải cho Libya, theo thỏa thuận giữa Italy và Libya nhằm giảm bớt dòng người di cư qua biển.

Các file ghi âm cho thấy chính quyền Libya dường như vừa không sẵn lòng, vừa không có đủ khả năng cứu trợ các tàu thuyền của người di cư trên biển. Họ có vẻ cũng đã ngăn cản nỗ lực hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Từ ngày 22 đến ngày 27/3/2017, hàng trăm người khởi hành từ Sabratha ở Libya yêu cầu viện trợ từ trung tâm điều phối cứu hộ hàng hải của Italy. Các bản ghi âm cho thấy các quan chức Italy đã nhiều lần cố liên lạc với ông Abdalsamad và ít nhất hai quan chức khác, nhưng kết quả thường không đi đến đâu.

nguoi di cu bi bo mac den chet anh 2

Một cảnh sát tuần duyên Libya và những người di cư gặp nạn ở trên biển vào ngày 27/6/2017. Ảnh: AFP.

Các nhà chức trách Italy cuối cùng đã mất liên lạc với các xuồng nạn. Ngày 29/3, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) xác nhận đã có 146 người chết, bao gồm cả trẻ em và nhiều phụ nữ mang thai.

Vào ngày 24/5/2017, một trong hai chiếc thuyền chở hàng trăm người rời Libya bị lật. Những người trên thuyền đã liên lạc với lực lượng tuần duyên Italy, lực lượng này đã gọi cho ông Abdalsamad 55 lần mà không nhận được hồi âm. 33 người đã chết, theo UNHCR.

Trong một tài liệu do các công tố viên Italy cung cấp, các nhà điều tra mô tả Abdalsamad là "không hợp tác". Tài liệu này cũng nói rằng trong vụ việc ngày 16/6, ông từ chối “ủy quyền cho một tàu phi chính phủ ở vùng biển Libya để họ giải cứu hai chiếc xuồng kia”.

Các quan chức Sicily nghe lén ông Abdalsamad đã không truy tố bất kỳ quan chức Libya nào.

Tìm thấy người mẹ di cư trong bức ảnh chấn động 10 năm trước

Sau 10 năm, người mẹ nghèo trong bức ảnh nổi tiếng “Baby, Mama Takes You Home” đã đổi được nhà, vẫn chăm chỉ kiếm sống để nuôi dạy 4 đứa con.

Vì 'giấc mơ Mỹ', 2 anh em đi bộ 2.400 km qua cung đường chết chóc

Nghèo đói do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng từ thảm hoạ thiên nhiên, khiến nhiều người đang đặt cược số phận vào con đường di cư tới Mỹ qua biên giới Mexico bất chấp nhiều hiểm họa.

Hồng Ngọc

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm