Mỗi mùa xuân, hơn 300 loài chim sẽ di cư về phía bắc. Chúng bay từ nơi trú đông ở Caribbean, Trung và Nam Mỹ đến nơi sinh sản ở Mỹ và Canada.
"Vào một ngày tháng 5, tôi có thể quan sát được chim hoét, những con chim lông xanh lục, vàng anh và 21 loài chim chích rừng - những loài nổi tiếng nhất trong mùa xuân - tại một điểm tập trung đông chim di cư ở gần nhà", Prum viết trong bài bình sách đăng trên New York Times. "Được nhìn thấy nhiều con chim chích tuyệt đẹp là điểm nhấn duy nhất trong những tuần lễ phải giãn cách xã hội của tôi".
Chuyện di cư luôn diễn ra xung quanh chúng ta, nếu chúng ta có đủ thời gian, kiên nhẫn và may mắn để quan sát, ông Prum nói.
Áo phao bị người di cư bỏ lại trên đảo Lesbos của Hy Lạp vào tháng 10/2019. Ảnh: Getty. |
Chuyện di cư cũng xuất hiện trên tin tức. Trên hầu hết châu lục, người tị nạn đang chạy trốn chiến tranh, bạo lực sắc tộc, băng đảng, áp bức chính trị, nạn đói và biến đổi khí hậu. Chuyến đi của họ đã thúc đẩy các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo và dẫn đến các hành động quân sự, khủng hoảng của chính phủ, phong trào chính trị, lời lẽ bài ngoại và các dự án xây dựng lớn ở biên giới.
Người tị nạn đang mạo hiểm mạng sống của họ để vượt Địa Trung Hải, sông Rio Grande và sa mạc Sahara. Họ cũng bị giam giữ trong các trại kiên cố ở Hy Lạp, đảo san hô của Australia và ở khu vực biên giới của Bangladesh và Texas.
Quan điểm lâu đời về sự di cư
Trong The Next Great Migration: The Beauty and Terror of Life on the Move (tạm dịch Cuộc đại di cư tiếp theo: Vẻ đẹp và đau thương trên hành trình), nhà báo Sonia Shah đã tìm hiểu lịch sử của mối liên hệ giữa tất cả hiện tượng di cư. Là con gái của một cặp vợ chồng di cư từ Ấn Độ đến New York, bà Shah nói việc tái định cư của cha mẹ “mang đến cho tôi cảm giác mình đang ở sai chỗ, một cảm giác cần đến 5 thập kỷ để phai mờ”.
Tác giả Sonia Shah. Ảnh: Glenford Nuñez. |
Sau cả đời phải chịu đựng những câu hỏi của người Mỹ như gốc gác “thực sự” ở đâu, bà nhắm đến việc phân tích những đóng góp khoa học trong việc định hình nên suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người và nơi chốn.
Trong Cuộc đại di cư tiếp theo, bà Shah nói từ lâu, quan điểm cho rằng di cư là động lực cho những bất thường và rối loạn đã ảnh hưởng đến văn hóa phương Tây. Quan điểm này có thể được nhìn thấy qua các chính sách ưu sinh và bài ngoại ở Mỹ vào thế kỷ 20, nạn diệt chủng của Đức Quốc xã và phong trào chống nhập cư ngày nay.
Bà đã tìm hiểu lịch sử trải dài hơn ba thế kỷ của những ý tưởng này, từ nhà thực vật học Thụy Điển vào thế kỷ 18 Carl Linnaeus đến nhà hoạt động chống nhập cư người Mỹ John Tanton thời hiện đại. Bà Shah đối chiếu tư tưởng khoa học truyền thống với tư tưởng trái ngược vào thời đó, từ nhà tự nhiên học người Pháp ở thế kỷ 18 Comte de Buffon (mặc dù ông cũng không tránh khỏi việc có tư tưởng phân biệt chủng tộc) đến Darwin. Họ xem di cư là quá trình tự nhiên và tích cực.
Tác giả Shah kết luận việc di cư của con người thời nay không phải hiện tượng đặc biệt trong lịch sử mà chỉ đơn giản là một biểu hiện của dòng di cư con người (Homo migratio).
Mối liên hệ giữa việc di cư của con người và động vật
Bà Shah kể câu chuyện của mình từ các khu vực có khủng hoảng tị nạn và các điểm nóng di cư trên toàn cầu. Trong đó, có các đảo ở Hy Lạp, thung lũng Himalaya, căn hộ các gia đình Eritrea nhập cư ở quê nhà Baltimore của bà và từ Cape May, New Jersey - nơi những người ngắm chim tụ tập vào mùa thu để quan sát chim săn mồi và chim chích chòe di cư.
Mối liên hệ giữa sự di cư của người và động vật đôi khi còn mạnh mẽ hơn tác giả Shah nhận ra. Ở phía đông Panama, bà Shah gặp một gia đình tị nạn Haiti đang tới Mỹ. Họ đã đi sáu ngày qua khu rừng ở Darién Gap, khu rừng nối liền lục địa Bắc và Nam Mỹ. Mỗi mùa xuân và mùa thu, hàng triệu con diều hâu cánh rộng và diều hâu Swainson cũng di cư trên con đường tương tự. Chúng bay từ nơi sinh sản trong các khu rừng ở Bắc Mỹ đến nơi trú đông ở Pampas, Argentina.
Eo đất của Panama đã tạo ra nút cổ chai cho việc di cư xuyên lục địa của người và chim. Tương tự, đảo Lesbos của Hy Lạp là một điểm nghỉ ngơi cho cả người và chim di cư qua Địa Trung Hải.
Phạm vi câu chuyện của bà Shah rất rộng. Bà cũng đi một số lối tắt trong khoa học, một số chúng làm suy yếu lập luận của bà.
Các nhà sinh học chia chuyển động của thực vật và động vật thành nhiều loại. Đó là di chuyển hàng ngày quanh nhà, di cư theo chu kỳ hàng năm, phân tán từ nguồn gốc tự nhiên đến nơi sinh sản, dòng gen trong một loài, mở rộng phạm vi của động vật, phân tán loài qua hàng rào địa lý, ... Bà Shah gom tất cả lại và gọi đó là “di cư”. Điều này làm cho một số lập luận của bà trở nên khó hiểu. Làm thế nào mà nguồn gốc châu Phi của con người liên quan đến những thách thức mà báo sư tử phải đối mặt khi băng qua đường cao tốc ở Los Angeles hay việc những con chuột lemming nhảy xuống biển tự tìm cái chết.
Bìa quyển sách Cuộc đại di cư tiếp theo: Vẻ đẹp và đau thương trên hành trình được ra mắt ngày 6/6/2020 của tác giả Sonia Shah. Ảnh: New York Times. |
Prum nói rằng trong khi đang chăm sóc cây táo ở ven biển Maine vào đầu tháng 5, ông bị phân tâm vì hai vết sưng ngứa ở sau gáy do những sợi lông sâu bướm siêu nhỏ rơi xuống cổ áo. Những sợi lông này là của loài bướm đêm đuôi nâu (euproctis chrysorrhoea), loài bướm vô tình được đưa vào bờ Đông nước Mỹ hơn 100 năm trước. Quần thể của loài này đã bùng nổ trong vài năm qua. Chúng phá hoại gỗ sồi và các loại cây gỗ cứng khác.
Ông Prum nói rằng ông bị khó chịu bởi việc bà Shah bỏ qua tác động của loài xâm lấn. Bà Shah liên hệ lịch sử của các hệ sinh thái có sinh vật xâm lấn với các chính sách và quan điểm chống nhập cư đương thời. Tuy nhiên, bà không nhận ra thiệt hại sinh thái thực sự mà những loài xâm lấn đang gây ra trên khắp thế giới.
Trong một thế kỷ qua, các khu rừng phía đông Bắc Mỹ đã mất dần các cây dẻ và cây du trước mầm bệnh từ những loài xâm lấn từ châu Âu. Ngày nay, các quần thể thông và nhiều loài tần bì đang bị phá hoại bởi các loài côn trùng gây hại từ châu Á. Tuy nhiên, bà Shah chỉ nói qua loa đến chuyện này.
Cuốn sách của bà cũng không đề cập đến tác động sinh thái to lớn mà sự di cư của con người để lại cho hành tinh này. Nhà cổ sinh vật học David Steadman ước tính việc con người sinh sống ở các đảo Thái Bình Dương từ 1.000-5.000 năm trước đã dẫn đến sự tuyệt chủng của khoảng 2.000 loài chim - khoảng một phần năm số loài chim trên thế giới. Quy mô tàn phá sinh thái một cách trung gian của con người không thể xem nhẹ.
Mặc dù không nêu thẳng ra trong quyển sách, bà Shah thể hiện sự di cư của con người là sự giao thoa giữa nhiều vấn đề. Đó là vấn đề chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giới tính, giai cấp, bất bình đẳng kinh tế, chính trị, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thực dân và sức khỏe, chưa kể đến di truyền, tiến hóa, sinh thái, địa lý, khí hậu, biến đổi khí hậu và thậm chí kiến tạo mảng.
Tất nhiên, bà Shah không thể tưởng tượng chủ đề của quyển sách này và quyển sách trước đó của bà Pandemic: Tracking Contagions, From Cholera to Ebola and Beyond (tạm dịch Đại dịch: Theo dõi bệnh truyền nhiễm, từ dịch tả đến Ebola và những thứ khác) lại có sự giao thoa trong tình hình hiện tại: sự di cư của con người trong đại dịch.
Điều này cho thấy sách của bà giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng cơ bản đối với sự sống còn và hạnh phúc của chúng ta, tác giả bài bình sách kết luận.