Đa phần người mua hàng trên mạng chấp nhận thời gian giao hàng từ 3 đến 4 ngày. Ảnh: GofcLogistics. |
Kỷ nguyên giao hàng nhanh bắt đầu vào năm 2005, khi người sáng lập Amazon Jeff Bezos giới thiệu Amazon Prime, với giá 79 USD/năm lúc bấy giờ và 139 USD/năm ở thời điểm hiện tại, cho phép người đăng ký được giao hàng miễn phí không giới hạn trong hai ngày.
Kể từ đó, Amazon Prime thực sự đã bùng nổ. Song việc giao hàng trong 2 ngày lại không phải là tin tốt cho tất cả, đặc biệt là các doanh nghiệp không thể tính phí thành viên.
Nhưng các doanh nghiệp cũng không cần phải quá lo lắng về tốc độ giao hàng vì nhiều khách hàng cũng không quá đặt nặng vấn đề này.
Người dùng không cần giao quá nhanh
Amazon tạo ra kỷ nguyên của giao hàng nhanh. Ảnh: Vox. |
Theo một cuộc khảo sát của CI&T vào năm 2021, mong muốn về thời gian vận chuyển của khách hàng phổ biến nhất là ở mức 3-4 ngày (36%), tiếp theo là 2 ngày (30%), 1 ngày (18%) và ngay trong ngày (9%).
Ngoài ra, với những người có nhu cầu mua sắm ngay lập tức, họ sẽ đi ra ngoài cửa hàng để mua. Khi được hỏi về lý do phổ biến nhất thúc đẩy họ ghé cửa hàng, 42% cho biết đó là cách nhanh nhất để có được thứ họ cần, theo sau là giá cả tốt với 19%.
Nhưng khi được hỏi lý do phổ biến nhất khiến họ mua sắm trực tuyến, chỉ 14% cho biết đó là cách nhanh nhất để có được những thứ họ cần. Số người mua hàng trên mạng vì giá lại tăng lên 37%.
Melissa Minkow, Giám đốc chiến lược bán lẻ tại CI&T đã tự hỏi rằng, liệu tham vọng giao hàng trong 2 ngày có phải chỉ là kỳ vọng do một nhà bán lẻ tự tạo ra hay không? Và câu trả lời của bà là: “Amazon đã tạo ra tiêu chuẩn vàng mà người tiêu dùng không mong đợi, hoặc không cần”.
Mặc dù từng là con cưng của các quỹ đầu tư trong những năm gần đây, nhưng các công ty khởi nghiệp giao hàng nhanh trong năm nay đã vấp phải nhiều khó khăn.
Joker chấm dứt hoạt động ở Mỹ để tập trung vào Mỹ Latinh. Gorillas đã sa thải 300 nhân viên, một nửa số nhân viên tại công ty, vào tháng 5 và rời khỏi Bỉ, Đan Mạch, Ý và Tây Ban Nha. Getir cắt giảm 4.800 lao động trên toàn cầu còn GoPuff đã sa thải hơn 400 người.
Melissa Minkow cho rằng các nhà bán lẻ đang lãng phí tài nguyên công ty cho việc giao hàng nhanh, phần đầu tư mà họ có thể dùng cho các mục khác.
Giao hàng chậm có ích hơn cho môi trường
Nick Green, Đồng Sáng lập và Giám đốc điều hành của Thrive Market, cho biết họ từng phải cạnh tranh với các ứng dụng giao đồ nhanh tức thì trong ngày, trong khi Thrive cho biết hầu hết đơn đặt hàng thực phẩm phải mất từ 2-4 ngày.
Tuy nhiên, Green cho biết khách hàng không bận tâm về thời gian, vì họ hiểu các giá trị môi trường mà Thrive mang lại khi công ty muốn giảm thiểu lượng carbon thải ra trong tất cả các chuyến hàng. Theo ước tính việc chỉ vận chuyển bằng phương tiện giao thông mặt đất sẽ phát thải CO2 ít hơn 84% so với các gói di chuyển bằng máy bay.
Giao hàng quá nhanh sẽ làm tăng ô nhiễm không khí. Ảnh: Somo. |
“Rất nhiều người nhận ra họ đã vô tình góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu chỉ vì họ muốn mọi thứ nhanh hơn”, Green cho hay.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Nosto, 54% người tiêu dùng không ngại thời gian giao hàng chậm nếu điều đó làm giảm lượng khí thải carbon.
Cary Fortin, đồng sáng lập của Goodbuy, cũng nhận định các nhà cung cấp trên nền tảng của họ sẽ hỗ trợ miễn phí giao hàng với các đơn hàng khi nó có thể mất từ 7-10 ngày để giao.
Thực tế theo một cuộc khảo sát năm 2021 của GammaWire, 67,4% người dùng Amazon sẽ chấp nhận thời gian giao hàng chậm hơn nếu họ biết Amazon sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế và nhân viên kho hàng.
“Đôi khi sự đổi mới đến từ chính những điều mà khách hàng thực sự quan tâm hơn là những tính năng hào nhoáng, bắt mắt”, Minkow cho hay.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...