Không thể nói xuê xoa "có làm có sai" và lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Không thể nói cứ chờ quy trình thì lâu lắm để rồi coi những quy trình ấy là tiểu tiết và bỏ qua. Quy trình là luật và tính pháp chế quan trọng hơn sự thông thoáng vỉa hè, dù vỉa hè thông thoáng cũng là một trong các biểu hiện của pháp chế.
"Có làm có sai" là lập luận có thể đem ra khi cân nhắc xử lý giảm nhẹ hình phạt hoặc mức chế tài người làm sai luật, chứ không phải đem ra để cổ suý: cứ làm đi, cứ sai đi miễn có hiệu quả ngắn hạn, trước mắt. Cổ suý cái vượt rào đôi khi chính là thủ tiêu pháp chế.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM. |
Nếu làm nghiêm, làm thường xuyên, xử nghiêm người vi phạm và những người thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm chúng ta sẽ có đường thông hè thoáng.
Trong quá trình đó, cần những nhân tố, là cá nhân hoặc tập thể. Trong quản trị sự thay đổi gọi là điển hình hoặc hình mẫu. Tuy nhiên cần hơn là quản trị dài lâu nhằm thay đổi thói quen vi phạm của quần chúng, để việc lấn chiếm không quay trở lại sau chiến dịch.
Tuyên truyền, vận động, thông báo, ấn định thời hạn rồi mới xử lý, như một số phường, quận đang làm có lẽ là cách làm tốt để hạn chế xảy ra xung đột.
Người dân cố nài nỉ lực lượng chức năng trả lại các mặt hàng bị thu giữ. Ảnh: Tùng Tin. |
Truyền thông cũng cần tỉnh táo, nên nhìn vào quá trình, cần ủng hộ nâng đỡ cách làm đúng, hay, nhưng đừng đẩy ai đó lên soái ca hay cổ vũ người đó như thánh rạch giời rơi xuống. Điều đó không tốt cho người được cổ suý, cho chính quyền và cho cả nhân dân.
Cứ quan sát, có khen, có góp ý phản biện với tinh thần ủng hộ lợi ích chung, cả việc dẹp vỉa hè và cả khuôn khổ pháp luật. Văn minh không chỉ là đường thoáng, văn minh trên hết là sự tôn trọng pháp luật, quy trình luật định, dù là dân hay quan.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả. Tòa soạn giữ quyền biên tập.