Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm gì để giải quyết căn cơ lấn chiếm vỉa hè?

"Cưỡng chế, đập bỏ, phá hủy… không những gây lãng phí, nguy hiểm mà còn để lại hậu quả tiêu cực trong tâm lý xã hội", TS Nguyễn Thị Hậu nói về chiến dịch giành lại vỉa hè ở quận 1.

Phá dỡ chốt bảo vệ trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Chiều 27/2, các vọng gác trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh TP.HCM) bị dỡ bỏ.

Quận 1, TP.HCM đang tiến hành “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tiếp sau việc làm rào ngang trên vỉa hè ngăn xe máy, quận 1 tiếp tục “chiến dịch ra quân”, thu giữ, đập phá… những gì lấn chiếm vỉa hè.

gianh lai via he anh 1

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM.

 

Dư luận phần lớn ủng hộ việc này vì cho rằng cần lập lại kỷ cương trật tự trong văn minh đô thị, rằng cần phải làm mạnh như vậy để dứt điểm hiện tượng vi phạm luật pháp…

Tin tức, hình ảnh, video về chiến dịch này tràn ngập trên các kênh truyền thông, cho thấy thái độ và hành xử triệt để của chính quyền. Cao trào là việc đập một trụ sở dân phòng và phá hàng rào, dọn vọng gác của Ngân hàng Nhà nước nhưng ngay sau đó phải cho tái lập trước sự phản ứng của ngân hàng.

Trước hành động trên, không ít ý kiến cho rằng, mục đích công việc là đúng nhưng cách thực hiện như quận 1 đang làm là hoàn toàn không phù hợp. Đặc biệt, đã không tính đến cuộc sống của hàng nghìn người buôn bán nhỏ lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh, từ lâu đã hình thành nền “kinh tế vỉa hè” đặc trưng cho các đô thị.

Vấn đề là diện mạo của nền kinh tế ấy văn minh hay không văn minh, mà điều này lại phụ thuộc phần lớn vào trình độ, năng lực của nhà quản lý đô thị.

Vỉa hè cho người đi bộ: Đúng, nhưng chưa đủ!

Cấu trúc đường giao thông đô thị có lòng đường dành cho xe (cơ giới, thô sơ) và vỉa hè, vừa là giới hạn lòng đường vừa mở ra một “không gian” khác: nơi trồng cây xanh, bồn hoa cỏ tạo bóng mát và cảnh quan, dành cho người đi bộ và là khoảng cách an toàn giữa nhà “mặt tiền” với đường giao thông.

gianh lai via he anh 2
Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải liên tục xuống đường để "đòi" lại vỉa hè. Ảnh: Lê Trai.

Vỉa hè là không gian công cộng nhưng cũng là không gian giao tiếp đầu tiên, thường xuyên của nơi kinh doanh và khách hàng. 

Chính tính linh động của khoảng không gian này mà vỉa hè được sử dụng, thậm chí tận dụng để bảng hiệu, bàn ghế, xe cộ. Rồi buôn gánh bán bưng, xe hàng rong cũng tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán.

Vỉa hè, nhất là ở các đường phố khu trung tâm, không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ. Thực tế ở bất cứ nước nào, vỉa hè cũng được xem là một nguồn “vốn xã hội” được chính quyền quản lý sao cho có lợi về kinh tế và về văn hóa - xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Mặt khác, giao thông công cộng chưa phát triển nên người đi bộ thường tập trung ở các đường phố chính, một số khu vực kinh doanh thương mại hoặc ẩm thực… Hầu hết đường ngoài khu vực đó mật độ người đi bộ không cao.

Do vậy, vỉa hè - nhất là ở các đường phố khu trung tâm - không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ. Thực tế ở bất cứ nước nào, vỉa hè cũng được xem là một nguồn “vốn xã hội” được chính quyền quản lý sao cho có lợi về kinh tế và về văn hóa - xã hội. Quản lý tốt thì lợi ích kinh tế và lợi ích văn hóa - xã hội không mâu thuẫn mà còn là điều kiện cho nhau phát triển.

Lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân

Vỉa hè tại khu trung tâm của nhiều thành phố trên thế giới hầu hết là quán cà phê, tiệm ăn, tiệm bánh, trái cây, đồ lưu niệm…

Khoảng vỉa hè được phép kinh doanh ghi rõ trong giấy phép, thậm chí trang trí của quán còn phải phù hợp với cảnh quan của khu phố, tạo điều kiện cho những quán nổi tiếng giữ thương hiệu ngay từ việc trang trí, bảng hiệu và sinh hoạt ở vỉa hè như xưa.

Tất nhiên, những tiệm kinh doanh như thế đóng thuế không nhẹ, và tuyệt đối không được lấn chiếm ngoài phạm vi cho phép. Nếu vi phạm sẽ bị cảnh sát đến nhắc nhở và phạt để chủ quán tự giác dọn dẹp, nếu “ngoan cố” sẽ bị cưỡng chế, đồng thời bị phạt rất nặng, thậm chí có thể thu hồi giấy phép kinh doanh.

gianh lai via he anh 3
Người dân cố nài nỉ lực lượng chức năng trả lại các mặt hàng bị thu giữ. Ảnh: Tùng Tin.

Nếu là khu đi bộ thì hầu hết vỉa hè được sử dụng để kinh doanh, thậm chí cả một phần lòng đường, nếu đường dành cho xe cộ lưu thông thì vỉa hè chỉ được sử dụng một phần, tối đa là 1/2 chiều ngang, phần còn lại dành cho người đi bộ.

Như vậy, chính quyền thu được một khoản thuế từ kinh doanh và từ việc “cho thuê mặt bằng”, chưa kể khoản thu phạt “vi phạm hành chính”. Từ đó, xã hội phát triển dịch vụ phục vụ du khách, đồng thời duy trì, bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng  như ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ, những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Đây cũng là cách giải quyết việc làm cho nhiều người, nhất là những người nghèo kiếm sống bằng cách bán hàng nhỏ lẻ; tuy vậy, vẫn có biện pháp chế tài chứ không vì “nghèo” mà vi phạm quy định.

Để làm được như vậy, nhà quản lý phải là người tuân thủ nguyên tắc đầu tiên, không có ngoại lệ. Nhưng trước đó, những quy tắc luật lệ được áp dụng đều xuất phát từ điều kiện hoàn cảnh thực tế và biện pháp chế tài theo hướng trước hết đảm bảo lợi ích của cộng đồng (xã hội) và sau là lợi ích của cá nhân (doanh nghiệp, tư nhân).

gianh lai via he anh 4
Kết quả trên Zing.vn sau hơn một ngày mở thăm dò đánh giá. Với hơn 30.000 lượt bình chọn, trên 60% độc giả hoàn toàn ủng hộ. Phương án phản đối và đòi hỏi tuân thủ pháp luật lần lượt chiếm hơn 11% và gần 26%. chiều 1/3.

Chỉ chế tài người dân là không thoả đáng

Ở TP.HCM tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, giữ xe, hàng rong… là chuyện dài nhiều tập, mà sau mỗi lần “ra quân” vài hôm thì đâu lại vào đấy. Rõ ràng cách làm phong trào không giải quyết tận gốc tình trạng này.

Lấn chiếm vỉa hè bất cứ hình thức mức độ nào cũng là sai trái. Cái sai này cả từ hai phía: một phía là các hộ kinh doanh, người buôn bán đã sử dụng “không gian công cộng” mà không được cấp/cho phép sử dụng; và phía kia là chính quyền cơ sở đã không kịp thời, thường xuyên thực hiện quy định và biện pháp chế tài để không cho người dân vi phạm, ngăn ngừa tái phạm.

gianh lai via he anh 5
Quận 1 phá bức tường lấn vỉa hè trước văn phòng của Bộ Công Thương. Ảnh: Tùng Tin.

Một bên là ý thức tuân thủ pháp luật không cao, còn một bên là ý thức trách nhiệm của nhà quản lý cũng không đến nơi đến chốn, do đó nếu chỉ chế tài một phía thì không thỏa đáng. Vì nhu cầu cuộc sống, họ sẽ tiếp tục vi phạm nếu chính quyền cơ sở vẫn làm ngơ, thậm chí dung túng, tiếp tay.

Để giải quyết một cách căn cơ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thiết nghĩ, cần thực hiện từng bước nhằm xác định rõ trách nhiệm cũng như nâng cao ý thức của cả hai phía.

Cưỡng chế, đập bỏ, phá hủy… không những gây lãng phí, nguy hiểm mà còn để lại hậu quả tiêu cực trong tâm lý xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Đến thời hạn ai không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì cưỡng chế, phạt thật nặng và rút giấy phép kinh doanh, chi phí cưỡng chế người vi phạm phải chi trả. Quận sẽ kiểm tra giám sát chặt chẽ, phường nào làm không nghiêm, không thực hiện đúng yêu cầu thì lãnh đạo phường đó chịu trách nhiệm, thậm chí xử lý kỷ luật nếu phát hiện dung túng hay bao che sai phạm.

Cưỡng chế, đập bỏ, phá hủy… không những gây lãng phí, nguy hiểm mà còn để lại hậu quả tiêu cực trong tâm lý xã hội.

Bên cạnh đó vai trò và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng là tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những biện pháp sử dụng vỉa hè sao cho hợp lý, không lãng phí mà vẫn đảm bảo quyền lợi của mọi người dân và mỹ quan đô thị. Một đô thị văn minh hiện đại còn là một đô thị nhân văn khi quyền lợi của cộng đồng hay cá nhân đều được chính quyền quan tâm và giải quyết thỏa đáng, công bằng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, là một chuyên gia về khảo cổ và đô thị. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, tòa soạn giữ quyền biên tập.

'Chiến dịch giành lại vỉa hè đang đi hơi quá'

Luật sư Trần Hải Đức cho rằng việc lập lại trật tự trong xây dựng để giành vỉa hè cho người đi bộ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cách làm của quận 1 đã đi quá giới hạn.

Cưỡng chế lấn chiếm vỉa hè cần theo trình tự pháp luật

Các luật sư hoan nghênh việc quyết liệt "đòi lại" vỉa hè của quận 1; tuy nhiên, để tránh gây bức xúc cho người dân, quận 1 cần thực thi biện pháp cưỡng chế theo trình tự pháp luật.


Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Bạn có thể quan tâm