Người dân dẫn bộ xe trong mưa ngập tại trung tâm quận 1 hồi giữa tháng 8. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sáng 27/9, bầu trời tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ âm u, nhiều mây do mưa dầm từ chiều và tối qua. Nhiệt độ trong không khí giảm nhanh. Chiều tối và đêm nay, toàn thành phố có mưa rào, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to.
Trao đổi với Zing, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Phòng dự báo Đài Khí tượng và Thủy văn khu vực Nam Bộ TP.HCM, cho biết TP.HCM nằm ngoài phạm vi hoàn lưu của bão, nhưng lại nằm ở rìa bão, khiến gió Tây Nam mạnh lên đột ngột gây mưa dông, gió giật. Sức gió giật có lúc đạt cấp 5-6.
"Thời tiết TP.HCM mưa, gió giật mạnh có thể làm ngã đổ cây cối. Mưa kéo dài đến cuối tuần và trùng với đợt triều cường, đỉnh triều lên đến 1,6 m tại các trạm", chuyên gia Lê Thị Xuân Lan nhận định.
Theo bà, gió mạnh cùng với triều cường dâng cao vào buổi chiều khiến nhiều nơi ở TP.HCM có khả năng bị ngập sâu. Chuyên gia cảnh báo khi lưu thông qua khu vực ngập sâu, người dân lưu ý dòng nước chảy xiết để đảm bảo an toàn.
Theo bà Lan, trong những ngày tới, thời tiết TP.HCM và Nam Bộ diễn biến xấu, mưa duy trì gần như cả ngày lẫn đêm. Buổi sáng mưa gián đoạn, sau đó chiều tối đến đêm mưa kéo dài, lượng mưa to và xuất hiện trên diện rộng.
Đặc biệt, mưa diện rộng còn phổ biến tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, miền Đông. Nơi gần hoàn lưu của bão có mưa to và gió giật dữ dội.
Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho rằng Noru là siêu bão, sẽ tiến thẳng về các tỉnh miền Trung. Từ sáng sớm đến gần trưa 28/9, tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Quảng Nam.
Do đây là siêu bão nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng, kể cả phía Bắc đèo Hải Vân đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Khi đổ bộ đất liền, bão mạnh cấp 12-13, sức gió gần tâm bão giật cấp 15.
Xe chết máy trên đường Calmette (quận 1) - tháng 8. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Điều rất nguy hiểm là khi bão vào, gió đổi chiều có thể khiến cây cối, trụ điện ở nơi tâm bão đi qua bị vặn gãy, nhà cửa bị tốc mái", bà Lan nói. Ngoài ra, cùng với mưa trong bão, không khí lạnh ở phía Bắc tràn xuống tạo nên tổ hợp thời tiết nguy hiểm, thường gây ra lũ.
Theo cơ quan dự báo khí tượng quốc gia, lúc 7h sáng 27/9, bão Noru đã mạnh lên cấp 14-15 (150-183 km/h), giật cấp 17, tăng một cấp so với 3 giờ trước và hơn hai cấp so với nửa ngày trước đó.
Đến chiều 27/9, gió bão bắt đầu tác động đến vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định với cường độ mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12. Vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16. Sóng cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 6-8 m.
Lúc này, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17. Đây là thời điểm bão mạnh nhất.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.