Dự án di dời ga Đà Nẵng có kế hoạch xây dựng từ năm 2004, được chia thành 2 tiểu dự án gồm: Tiểu dự án 1 kinh phí khoảng 10.236 tỷ đồng và tiểu dự án 2 khoảng 2.400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết dự án này là cần thiết và phù hợp quy hoạch Đà Nẵng đã được Chính phủ phê duyệt. Nguồn vốn để thực hiện dự án lớn nhưng điều kiện ngân sách hạn hẹp nên 18 năm năm qua, việc di dời vẫn chưa thực hiện được.
Chưa có tiền để thực hiện dự án
Bí thư Đà Nẵng khẳng định những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là tìm kiếm nhà đầu tư tồn tại từ nhiều năm nay. Thành phố đã kêu gọi nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm dự án vì họ nhìn thấy rất nhiều khó khăn.
“Dự án đã được nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo và ý kiến của Bộ GTVT thống nhất nguồn vốn thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP)”, ông Quảng cho hay.
Trong một văn bản trả lời cử tri Đà Nẵng, Bộ GTVT thông tin đã phối hợp UBND TP Đà Nẵng trình Thủ tướng về chủ trương, phương án thực hiện và nguồn vốn đầu tư dự án di dời ga đường sắt nhằm sớm triển khai dự án, giảm thiểu khó khăn cho người dân sống trong khu vực đất thuộc diện quy hoạch.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ này khẳng định dự án chỉ được triển khai khi chính quyền Đà Nẵng tìm được doanh nghiệp xứng tầm, chịu rót hơn 12.000 tỷ đồng.
"Dự án thực hiện theo hình thức xã hội hoá. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP Đà Nẵng xem xét, báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo, khi có nhà đầu tư quan tâm", văn bản của Bộ GTVT nêu.
Giải pháp khả thi
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì họp với các sở, ngành liên quan, thống nhất đề xuất lãnh đạo TP thực hiện theo hình thức BT. Sở này cho biết mục tiêu chung của dự án là giúp thành phố phát triển đô thị một cách hiệu quả và bền vững thông qua việc di dời ga đường sắt và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm.
Theo phương án của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, tiểu dự án 1 di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị có tổng kinh phí tạm tính hơn 10,2 nghìn tỷ đồng. Tiểu dự án này được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của TP (theo Nghị định 69/NĐ-CP).
Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của thành phố. Tiểu dự án 1 có 3 hợp phần. Cụ thể, hợp phần di dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm thành phố (về phía tây) gồm xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000 mm dài khoảng 29 km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng 1 nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa, kinh phí hợp phần này khoảng 5.350 tỷ đồng. Hợp phần phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới với tổng kinh phí khoảng 830 tỷ đồng.
Sau khi di dời ra vị trí mới, nhà ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường tiện ích đô thị cho khu trung tâm. Ga mới sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị xung quanh theo hướng tích hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường kết nối đường sắt với khu công nghiệp, cao tốc, cảng biển, đặc biệt là kết nối với trung tâm thành phố bằng phương thức vận tải công cộng.
Hợp phần tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng với tổng kinh phí khoảng 2.350 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua TP Đà Nẵng dài khoảng 40,3 km, khổ 1.000 mm, hai bên tuyến là các khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường không đảm bảo…
Hành lang đường sắt cũ sẽ được tận dụng tái phát triển thành các trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam và trung tâm TP đến khu vực Tây Bắc. Cụ thể, xây dựng trục giao thông chính (đại lộ) với mặt cắt ngang dự kiến 33 m (gồm 6 làn xe) để kết nối các khu vực, tuyến vận tải công cộng trong tương lai. Tái phát triển đô thị 2 bên hành lang tuyến đảm bảo mỹ quan, hiện đại.
Hợp phần này cũng sẽ đầu tư xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho việc mở rộng hành lang đường sắt, giải tỏa khu vực làm nhà ga mới. Tiểu dự án 2 là đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị.
Tiểu dự án này sẽ có phần đền bù giải tỏa và tái định cư tại khu vực nhà ga cũ, nhà ga mới và hành lang tuyến đường sắt hiện tại. Tổng kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỷ đồng từ ngân sách.
Trao đổi với Zing, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá cao kế hoạch, phương án của các ngành chức năng TP Đà Nẵng. Theo ông, chính quyền Đà Nẵng nên thu hồi những dự án lớn bị treo nhiều năm qua để tăng thêm quỹ đất, tạo nguồn lực 'đổi đất lấy hạ tầng". Cùng với đó, Đà Nẵng phải cải cách thủ tục hành chính, tăng thêm những ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư dự án.