Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng đang tìm nhà thầu tư vấn cho 5 gói thầu với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng thuộc dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị. |
Theo ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, việc lựa chọn nhà thầu là bước đầu của kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội thành. Theo điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt, ga đường sắt Đà Nẵng sẽ được di dời đến nút giao đường Hoàng Văn Thái và đường tránh nam hầm Hải Vân - Túy Loan. |
Ông Nguyễn Lộc Nam, Giám đốc Ga Đà Nẵng, cho biết kế hoạch di dời ga được lãnh đạo thành phố và các bộ, ngành Trung ương bàn từ năm 2004. "Thời gian qua, chúng tôi đã tham dự nhiều cuộc họp để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau", ông Nam nói với Zing. |
Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, cho hay dự án di dời nhà ga đường sắt ra khỏi nội thành là chủ trương lớn, được Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan Trung ương quan tâm. Ông Sơn giải thích số vốn cho dự án này quá lớn nên địa phương chưa thực hiện được. |
Ga Đà Nẵng được đưa vào sử dụng từ hơn 100 năm trước. Hiện nay, mỗi ngày nhà ga phục vụ từ 1.500-2.000 lượt hành khách. Theo ông Nam, hệ thống hạ tầng của nhà ga vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. |
Tuy nhiên, nhà ga nằm ngay trung tâm Đà Nẵng, với mặt tiền hướng ra đường Hải Phòng nên vào giờ cao điểm xảy ra ách tắc cục bộ. Khuôn viên nhà ga cũng nhỏ nên chỗ đậu, đỗ xe của khách bị hạn chế. Vào mùa cao điểm, lượng phương tiện cá nhân của khách nhiều nên phải đậu ra trước dãy phòng bán vé. |
Nhà ga nằm ở trung tâm nên hệ thống đường ray trong các khu dân cư, gây bất tiện cho người dân. |
Người dân cho biết việc di dời ga Đà Nẵng ra ngoại thành là cần thiết và cơ quan chức năng cần triển khai sớm. "Đà Nẵng đang đô thị hóa nhanh và hướng đến thành phố đáng sống thì không nên để nhà ga trong nội thành. Mỗi lúc tàu chạy qua gây ô nhiễm tiếng ồn. Nhà dân gần đường sắt cũng không đảm bảo an toàn", bà Nguyễn Thị Loan (nhà ở đường Trường Chinh, Đà Nẵng) nói. |
Theo ghi nhận, địa phận Đà Nẵng có hàng trăm đường dân sinh băng qua đường sắt. |
Vào giờ cao điểm thường xảy ra ách tắc giao thông cục bộ tại các nút giao đường dân sinh và đường sắt. Trong ảnh là ngã tư Lê Độ - Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). |
"Khoảng cách đường ray đến nhà dân rất gần nên nguy cơ mất an toàn. Có nhiều trường hợp tàu chạy qua nhưng người dân vẫn đứng bên trong barie, rất nguy hiểm", ông Võ Thành Mỹ (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nói. |
Thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các nút giao giữa đường dân sinh và đường ray xe lửa. |
Ga Đà Nẵng ở đường Hải Phòng, quận Thanh Khê. Ảnh: Google Maps. |
Dự án di dời ga Đà Nẵng đã được chính quyền TP Đà Nẵng giới thiệu và có kế hoạch mời gọi đầu tư xây dựng từ năm 2004. Dự án được chia thành hai tiểu dự án. Tiểu dự án 1 di dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam ra khỏi trung tâm Đà Nẵng về phía tây.
Tiểu dự án này sẽ xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000 mm dài khoảng 29 km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng một nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa. Xung quanh ga đường sắt mới sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng phát triển tích hợp, cải thiện hạ tầng đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Tiểu dự án 2 là công tác đền bù giải tỏa phục vụ dự án với kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.