Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (Ban quản lý) đang tìm nhà thầu tư vấn cho 5 gói thầu với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng thuộc dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị.
Theo ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý, việc lựa chọn nhà thầu là bước đầu của kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội thành. Theo điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt, ga đường sắt Đà Nẵng sẽ được di dời đến nút giao đường Hoàng Văn Thái và đường tránh nam hầm Hải Vân - Túy Loan.
Di dời đi đâu?
Dự án di dời ga Đà Nẵng có kế hoạch xây dựng từ năm 2004, được chia thành 2 tiểu dự án gồm: Tiểu dự án 1 kinh phí khoảng 10.236 tỷ đồng và tiểu dự án 2 khoảng 2.400 tỷ đồng.
Theo đó, tiểu dự án 1 với nhiệm vụ dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam ra khỏi trung tâm TP Đà Nẵng, về phía tây, gồm: Xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000 mm dài khoảng 29 km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng một nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa.
Khu vực xung quanh ga đường sắt mới sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng phát triển tích hợp, cải thiện hạ tầng đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất…
Theo UBND Đà Nẵng, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua thành phố dài khoảng 40,3 km, hai bên là các khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Do đó, khu vực sau khi di dời và hành lang đường sắt cũ sẽ được tận dụng, tái phát triển thành các trục giao thông chính.
Trong đó, việc xây dựng trục giao thông chính với mặt cắt ngang dự kiến 33 m, 6 làn xe mang tính kết nối, đồng thời là tuyến vận tải công cộng trong tương lai. Hợp phần này cũng sẽ đầu tư xây dựng khu tái định cư.
Theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, trước đây chính quyền thành phố dự định dời ga đường sắt về phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).
Tuy nhiên, theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Thủ tướng phê duyệt thì ga đường sắt mới được xây dựng tại góc ngã tư giao đường Hoàng Văn Thái và đường tránh nam hầm Hải Vân, cách trục đường Bà Nà - Suối Mơ khoảng 2 km về phía bắc. Quy mô dự kiến của nhà ga khoảng 30 ha, kho chứa khoảng 60 ha.
Di dời ga đường sắt ra ngoại thành là cần thiết
Nhà ga đường sắt được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1902 - tức đã có tuổi thọ 120 năm. Theo lãnh đạo nhà ga, công trình đã qua nhiều lần sửa chữa và xây mới thêm hạng mục nên không còn dấu vết của lối kiến trúc xưa.
Tuy nhiên, về công năng, nhà ga vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng, vận chuyển hành khách, hàng hóa với công suất phục vụ khoảng 1.500 lượt khách/ngày. "Vào mùa cao điểm như hè, Tết, nhà ga phục vụ trên 2.000 lượt khách/ngày", ông Nguyễn Lộc Nam, Giám đốc Ga Đà Nẵng, thông tin.
Theo ghi nhận của Zing, nhà ga hiện tại có mặt tiền hướng đường Hải Phòng, Hoàng Hoa Thám. Vị trí này thuận lợi cho người dân và du khách di chuyển về sân bay, hướng ra đường Lê Duẩn, Quang Trung... Ngoài ra, hành khách chỉ mất chưa đầy 10 phút để di chuyển từ ga Đà Nẵng đến sân bay và ngược lại.
Theo ông Nguyễn Nhân (nguyên Trưởng ga Đà Nẵng), trước đây tuyến đường sắt vào Đà Nẵng được xây dựng với quy mô đô thị của thành phố còn rất nhỏ. Hiện nay, mật độ dân cư ở khu vực quận Thanh Khê đông, cùng với đó là lượng khách đi và đến bằng tàu hỏa nhiều nên việc để nhà ga ở vị trí hiện tại không còn phù hợp.
Cụ thể, ga đường sắt Đà Nẵng hiện trạng nằm trên địa bàn quận Thanh Khê. Diện tích đất của ga và công trình liên quan là 24 ha, chiếm 2,6% diện tích đất toàn quận. Trong khi đó đường đô thị trên địa bàn quận Thanh Khê chỉ chiếm 71 km/1.039 km, tỷ lệ 6,8% so với toàn TP.
Trong quá trình đô thị hóa, ga Đà Nẵng đã nằm lọt trong nội thành với diện tích hơn 44.000 m2. Tuyến đường sắt cũng giao cắt với hơn 25 điểm giao đường bộ, gây trở ngại, tiềm ẩn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, đồng thời không bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Ông Võ Thành Mỹ (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nói rằng nhà ông ở gần đường sắt nên rất bất tiện mỗi khi có tàu hỏa chạy qua. Khoảng cách đường ray đến nhà dân rất gần nên nguy cơ mất an toàn.
"Có nhiều trường hợp tàu chạy qua nhưng người dân vẫn đứng bên trong barie, rất nguy hiểm", ông Mỹ nói và cho hay thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại các đường ngang dân sinh.
"Trước yêu cầu và đòi hỏi phát triển đô thị hiện đại, khang trang của Đà Nẵng thì việc di dời ga ra khỏi trung tâm thành phố là cần thiết", ông Mỹ kiến nghị.
Góp ý xây dựng chính quyền đô thị Đà Nẵng tại hội thảo diễn ra giữa tháng 5 vừa qua, nhiều kiến trúc sư, chuyên gia về đô thị cho rằng với hệ thống giao thông hiện nay, việc duy trì một nhà ga nằm ngay trung tâm thành phố không còn phù hợp.
Kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, nhận định việc Đà Nẵng triển khai xây dựng nhà ga đường sắt mới ở khu vực ngoại đô là rất cần thiết. Theo ông, việc này cần sớm được triển khai với nhiều ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông hiện nay.
Tại văn bản góp ý về phương án và nguồn vốn đầu tư dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng của Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng khẳng định ga Đà Nẵng và hệ thống đường sắt qua trung tâm thành phố đã bộc lộ nhiều hạn chế như giao cắt với hệ thống đường bộ gây ách tắc giao thông, không đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Theo lãnh đạo Bộ này, việc di dời ga đường sắt ra khỏi vị trí hiện tại để khắc phục những hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết.