"Nhiệt đới thì cũ và nóng; Chấn thương Chỉnh hình chật chột, có một con đường duy nhất để chen chúc; Tâm Thần thì quá sợ hãi, Ung Bướu cơ sở cũ người bệnh nằm vạ vật thấy tội...", chị Ánh Minh (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ về trải nghiệm với các bệnh viện ở TP.HCM, khi khám bệnh cho bản thân và đưa người nhà đến điều trị.
Với người phụ nữ này, "xập xệ" là hai từ để mô tả không gian, cơ sở hạ tầng của nhiều bệnh viện công ở thành phố.
Từ nhiều năm nay, người dân khi đến các bệnh viện Tâm thần, Bệnh Nhiệt đới, Chấn thương Chỉnh hình... để khám, chữa bệnh đều chịu cảnh vạ vật chờ đợi trong những khu nhà ẩm thấp, xuống cấp. Bệnh nhân phải ngồi lên bậc tam cấp, xếp hàng bốc số chờ khám bệnh, lãnh thuốc.
Thậm chí, có bệnh viện phải tận dụng khoảng trống giữa các phòng bệnh hoặc ngoài trời chứa các vật dụng y tế. Bên trong các khu nội trú, người bệnh phải điều trị tại những căn phòng kín người hay nằm ngoài hành lang nóng bức, bên cạnh những vách tường loang lổ. Thân nhân bệnh nhân thì vạ vật ở khắp nơi, từ hành lang, ghế đá trong khuôn viên để nuôi bệnh.
Những dự án "trên giấy"
Việc các bệnh viện xuống cấp nghiêm trọng là một trong 7 thách thức mà ngành y tế phải đối diện giai đoạn hiện nay. Người chịu thiệt thòi đầu tiên trong câu chuyện này là bệnh nhân và chính các nhân viên y tế.
Hành lang Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chật hẹp nhưng gồm cả khu cấp cứu, lấy số khám bệnh, nhà thuốc, phòng viện phí, khu ngồi chờ khám. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Làm sao thoáng khí với một bệnh viện mổ 100-120 bệnh nhân mỗi ngày trong không gian eo hẹp. Hành lang nhỏ nhưng gồm cả khu cấp cứu, lấy số khám bệnh, nhà thuốc, phòng viện phí, khu ngồi chờ khám...", đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh TP.HCM hình bày tỏ về cơ sở vật chất chật chội, xuống cấp tại nơi được đánh giá là tuyến cuối về chấn thương, chỉnh hình ở khu vực phía Nam.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xây dựng trên 50 năm. Lúc mới xây, bệnh viện chỉ có 100 giường bệnh, đến nay quy mô đã tăng 6 lần, với khoảng 600 giường, bao gồm các giường cơi nới nằm ngoài hành lang các khoa, phòng.
Làm sao thoáng khí với một bệnh viện mổ 100-120 bệnh nhân mỗi ngày trong không gian eo hẹp
Đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh TP.HCM
Thống kê từ bệnh viện cho thấy nếu một bệnh nhân nội hoặc ngoại trú có ít nhất một người theo chăm bệnh, cộng với khoảng 900 nhân viên (chưa kể các sinh viên, bác sĩ học cao học, chuyên khoa) đang làm việc thì mỗi ngày nơi đây tiếp khoảng 5.000 người.
Hiện dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã được Thủ tướng chấp thuận xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (BT).
Song, nhân viên y tế làm việc ở nơi này sau 12 năm mong chờ lại mỏi mòn ngóng tin vui vì dự án vẫn còn nằm trên giấy. Do giai đoạn chuẩn bị đầu tư vẫn chưa thực hiện xong nên Sở Y tế đã trình UBND TP xin hủy dự án.
Tương tự, cơ sở vật chất tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng xuống cấp trầm trọng, hàng nghìn bệnh nhân phải chen chúc trong các khu điều trị tạm bợ. Đây là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam với 160 năm tuổi, là tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm, nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo.
Dự án xây mới Khoa Khám bệnh được chấp thuận từ năm 2011 nhưng hơn 10 năm trôi qua vẫn không thể thực hiện do vướng quy hoạch. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 2.000-3.000 người bệnh, nhiều khu vực được cơi nới, tận dụng để người bệnh chờ lượt vào khám, lấy thuốc. Nhân viên y tế phải làm việc trong không gian bí bách, chật hẹp.
Người bệnh phải nằm vạ vật ở hành lang để điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tình trạng tại Bệnh viện Tâm thần cũng không khá khẩm hơn. Cơ sở chính của bệnh viện ở đường Võ Văn Kiệt, quận 5 chỉ có 50 giường nội trú, diện tích rất chật hẹp, thiếu ánh sáng. Các mảng tường bong tróc, ẩm thấp. Bệnh viện phải để nhiều bảng cảnh báo sàn trơn trượt, dễ ngã để người dân lưu ý.
Trong khi tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe trung bình ở nước ta hiện nay là 12 giường/100.000 dân. Với số dân 10 triệu tại TP.HCM, cần ít nhất 1.200 giường. Việc thiếu giường bệnh điều trị sức khỏe tâm thần trầm trọng tại thành phố dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người bệnh.
Kiến nghị nhiều giải pháp
Trao đổi với Zing, một bác sĩ nhiều năm công tác tại bệnh viện thuộc quận Bình Thạnh nhìn nhận cơ sở vật chất ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng khám chữa bệnh.
Vị này dẫn chứng nếu cơ sở chật hẹp, xuống cấp sẽ khiến môi trường bệnh viện dễ nhiễm khuẩn hơn. Nhiều người chen chúc trong một không gian hẹp khiến kẻ xấu dễ lợi dụng móc túi. Vấn đề an toàn cháy nổ cũng đáng lưu tâm khi tường ẩm thấp, hệ thống điện lâu đời.
Dự án xây mới Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được chấp thuận từ năm 2011 nhưng hơn 10 năm trôi qua vẫn không thể thực hiện do vướng quy hoạch. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Việc nhân viên y tế bị hành hung gần đây một phần cũng đến từ cơ sở vật chất. Khi bác sĩ làm việc ở nơi chật hẹp, đông người bệnh sẽ dễ cáu gắt. Phía người nhà bệnh nhân cũng vậy, vì họ phải chờ đợi rất lâu", người này nói và mong muốn nhân viên y tế có được nơi làm việc an toàn, khang trang để chuyên tâm công tác.
Việc nhân viên y tế bị hành hung gần đây một phần cũng đến từ cơ sở vật chất
Một bác sĩ nhiều năm công tác tại bệnh viện thuộc quận Bình Thạnh
Để giải quyết tình trạng trên, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng kiến nghị thành phố ngưng triển khai xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mà cho phép chuyển địa điểm xây về khu Tân Tạo - Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Bệnh viện mới dự kiến có diện tích khoảng 5-6 ha, quy mô 500 giường, được đầu tư xây dựng từ ngân sách thành phố.
Nằm sát ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao thắng, nhân viên y tế và bệnh nhân của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình còn thấp thỏm lo sợ tình trạng kém an toàn.
Trong các năm 2017, 2019, ký túc xá xảy ra cháy, một số mảng bê tông mặt sau rơi xuống mái bệnh viện. Đoạn ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 ký túc xá xuyên qua mái tôn xuống phòng mổ của bệnh viện năm 2015. Năm 2017, nước thải từ bô rác của ký túc xá chảy sang bệnh viện làm nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu, hành lang chuyển bệnh vào phòng mổ.
Trong thời gian chờ dự án xây cơ sở 2, bệnh viện kiến nghị thành phố cho xây dựng mới cơ sở cũ nhằm di dời khu ký túc xá trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao thắng và xây dựng cơ sở 2 với quy mô khoảng 200-300 giường tại vị trí gần bệnh viện hiện tại.
Sau một thời gian dài đưa ra 2 phương án để xây dựng mới, ngày 4/11, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM nhận được thông báo về việc TP.HCM đã thông qua kế hoạch mở rộng cơ sở 2 Lê Minh Xuân lên 1.000 giường. Sau khi hoàn thành, cơ sở 1 của bệnh viện sẽ được bàn giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Bệnh viện Tâm thần cơ sở 1 (đường Võ Văn Kiệt, quận 5) xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, loang lổ. Ảnh: Anh Nhàn. |
Trả lời câu hỏi của Zing trong buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội ngày 3/11, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết thành phố rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng các bệnh viện trên địa bàn và đang đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, ngân sách phải chia đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực giao thông, giáo dục,… Kế hoạch đầu tư công đều phải được HĐND thông qua.
Ông Hải thông tin thêm hiện thành phố có nhiều dự án bệnh viện đưa vào khánh thành hoặc đang xây mới, như Bệnh viện Nhi đồng TP, Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Tai Mũi Họng.
Trong 3 tháng cuối năm, ngành y tế đặt mục tiêu đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới 146 trạm y tế phường, xã trên địa bàn và hoạt động toàn bộ cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, giúp giải quyết tình trạng quá tải hàng chục năm qua tại cơ sở 1 của bệnh viện này.
Tình trạng xuống cấp của các bệnh viện đã tồn tại nhiều năm, người đến khám bệnh như chị Ánh Minh mong mỏi những dự án sẽ được thực hiện sớm, không còn nằm trên giấy.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.