Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân thiệt thòi, mất quyền lợi khi bác sĩ giỏi rời bệnh viện công

Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, y tế tư là để phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân. Bác sĩ giỏi ra khỏi bệnh viện công khiến người dân thiệt thòi.

Sự thiếu hụt thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang là một vấn đề nghiêm trọng của ngành y. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/10, đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nêu nhiều vấn đề nhức nhối của ngành y. Điển hình là thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và việc hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc.

Tập trung đấu thầu, bác sĩ giảm thời gian làm chuyên môn

“Nhìn qua báo cáo của Chính phủ thì thấy êm đềm, không còn gì tốt hơn, nhưng tôi lại thấy có nhiều thứ”, bà Lan nói. Bà cho biết hệ thống y tế đang tồn tại những vấn đề rất nghiêm trọng, mà trước hết là thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

“Người dân cứ vào viện là thiếu từ thuốc đến băng gạc, bệnh nhân phải chịu đau đớn tự đi mua, bảo hiểm y tế không thanh toán được. Như vậy là chúng ta tước đi quyền lợi bảo hiểm của người dân, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”, bà Lan nói.

Bà phân tích ngành y có kiềng ba chân là y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, song cả ba chân này đều yếu. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm do cơ chế. Lưu ý vấn đề xã hội hóa, bà Lan cho rằng không chỉ là tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế mà cần đầu tư thêm ở bệnh viện công, chi trả theo đúng giá thị trường, đảm bảo chất lượng để người dân được khám chữa bệnh tốt.

benh nhan tu mua thuoc anh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nêu nhiều vấn đề nghiêm trọng mà ngành y tế đang phải đối mặt. Ảnh: Quang Phúc.

Đặt vấn đề chi phí y tế ở Việt Nam thuộc nhóm trung bình, không phải quá ít, nhưng tại sao có tình trạng này, bà Lan cho rằng đó là do cơ chế và do công tác quản lý chưa tốt.

“Cứ kêu gào thiếu thuốc nhưng phải giải quyết từ gốc rễ. Nếu chúng ta không phân luồng, phân cấp thì như kẹt xe, tất cả cùng nhau xin số đăng ký, có doanh nghiệp xin hàng trăm số đăng ký để dành, nhưng gần 10.000 số đăng ký thuốc không được gia hạn, cấp mới thì doanh nghiệp nào nhập khẩu, cung ứng được?”, bà Lan nêu thực tế.

Với những chỉ đạo hiện tại, nữ đại biểu e ngại “cứ thế này sang năm cũng vẫn tiếp tục thiếu”.

Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cho biết kể từ khi nói lên ý kiến về thiếu thuốc và trang thiết bị đến nay đã hơn 8 tháng, Chính phủ và bộ, ngành họp nhiều cuộc nhưng chưa thấy thay đổi nào về chính sách.

“Nhân viên y tế các bệnh viện đang loay hoay không biết mua sắm thế nào cho đúng. Do đó, thời gian làm chuyên môn của họ giảm đi rất nhiều để tập trung vào mua sắm, đấu thầu”, ông Thức chia sẻ khó khăn.

Ông dẫn chứng có những thiết bị y tế, máy móc cao cấp như máy xạ trị thì gần như độc quyền, của hãng nào phải đi theo hãng đó, hỏng thiết bị của hãng này không thể mua của hãng khác, vì như vậy là vi phạm.

“Còn khi đấu thầu phải tham khảo 3 gói giá, nhưng một hãng độc quyền thì lấy đâu ra 3 gói giá? Nên bây giờ các máy cao cấp ở bệnh viện hư thì không tài nào sửa được”, theo ông Thức, Bệnh viện Chợ rẫy cũng đang bế tắc trong chuyện này, khiến nhiều anh em như ngồi trên đống lửa.

Người giàu được khám bác sĩ giỏi, quyền lợi người nghèo ở đâu?

Về vấn đề cán bộ y tế nghỉ việc, ngoài câu chuyện về tiền lương, thu nhập, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng còn liên quan cơ chế, chính sách.

Dẫn Nghị quyết 30 về chính sách đặc thù để chống dịch, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn khi “hệ thống thanh tra, kiểm toán, công an chưa chắc áp dụng Nghị quyết 30”. Điều này, theo bà, làm chùn bước những người muốn làm hiệu quả.

Khi nói về đãi ngộ của nhân viên y tế, nhiều ý kiến cho rằng “không phục vụ trong công lập thì bác sĩ ra ngoài tư”. Nhưng theo bà Lan, y tế tư là để phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân.

“Như vậy bác sĩ giỏi mà ra khỏi bệnh viện công sẽ khiến người dân thiệt thòi”, bà Lan nói và cho rằng hệ thống y tế công lập phải phát triển xứng đáng thì mới là đảm bảo an sinh xã hội.

benh nhan tu mua thuoc anh 2

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh: Văn Nguyện.

Chung quan điểm, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho rằng khi y tế tư nhân mời bác sĩ từ bệnh viện công thì đó đều là những tinh hoa của ngành y.

“Cuối cùng, người nghèo vào bệnh viện công trong khi bác sĩ giỏi, tinh hoa đã ra khu vực tư nhân. Người giàu sẽ có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi nhiều hơn. Đây đâu phải là sự công bằng trong chăm sóc y tế, mà nó tạo ra sự bất bình đẳng”, ông Thức nói.

Theo bác sĩ, thực tế đó dẫn đến tình trạng “bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo”. Bởi người có tiền ra bệnh viện tư, nhưng đại đa số người dân không thể tiếp cận vì dịch vụ y tế tư cao hơn bệnh viện công.

“Tức là người có tiền không phải lo lắng, nhưng còn người nghèo, quyền lợi của họ nằm ở đâu?”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trăn trở.

Từ những thực tế đã phản ánh, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải quyết tức thì những vấn đề nóng của ngành y trong thời gian chờ sửa luật.

Chia sẻ đầu tiên của tân Bộ trưởng Giao thông

“Lúc này tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng cũng là thách thức, trách nhiệm rất lớn lao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”, tân Bộ trưởng GTVT nói ông sẽ cố gắng nỗ lực.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm