“Nhìn không gian ở đây tôi thấy ám ảnh quá. Chật hẹp, tối tăm, ẩm thấp. Đi khám cũng nhiều bệnh viện rồi, lần đầu tôi thấy một nơi cũ kỹ đến như vậy", người phụ nữ ngồi nép trong góc trước phòng thủ tục của Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM (cơ sở quận 5) nói, xen lẫn hoang mang.
Bà tên là Trương Thị Gái, 50 tuổi, ngụ quận Tân Bình. Đây là lần đầu bà đưa người nhà đến đây để khám, nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Ánh mắt bà cứ dõi về nơi vài chiến sĩ công an đang áp giải một người đàn ông - cũng chính là con trai của bà.
Cảm giác của bà Gái cũng là cảm giác chung của nhiều người khi đặt chân tới Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM. Cơ sở vật chất nơi đây quá cũ kỹ, không gian chật hẹp, ẩm thấp.
Không chỉ riêng Bệnh viện Tâm Thần, nhiều bệnh viện chức năng khác ở TP.HCM cũng có chung tình trạng tương tự - xuống cấp trầm trọng, ngóng chờ được sửa chữa, xây mới.
Xập xệ
Khu vực gây cảm giác ám ảnh nhất có lẽ là hai nơi nội trú dành cho bệnh nhân nam và nữ. “Nhìn sợ hãi thiệt sự. Tôi nghĩ vào điều trị ở đó thì bệnh làm sao thuyên giảm được”, bà Gái tỏ ra ái ngại.
Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM có 3 cơ sở với tổng quy mô 300 giường. Trong đó, nơi đây là cơ sở chính với 50 giường nội trú trên diện tích chật hẹp (1.700 m2). Cơ sở thứ 2 tại ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, có quy mô 250 giường nội trú, chỉ được thiết kế cho hoạt động điều trị nội trú. Cơ sở thứ 3 là khoa Khám trẻ em ở quận Phú Nhuận với chức năng khám và điều trị các bệnh tâm thần ngoại trú cho trẻ em.
Khuôn viên bệnh viện tại cơ sở chính tối tăm, tù túng, không hề có chút không gian ngoài trời nào. Trước cửa phòng khám để vài hàng ghế nhựa đã cũ. Những tờ giấy hướng dẫn được dán trên cửa cũng không còn nguyên vẹn. Bất kỳ một ngóc ngách nào cũng thấy ẩm thấp, bụi bặm.
Không gian để người dân tới khám bệnh tại Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM, cơ sở 1. Ảnh: Duy Hiệu. |
Buổi sáng, lúc đông bệnh nhân, nhân viên y tế phải len qua hàng chục người bệnh đứng kín lối ra vào. Thậm chí có thời điểm không còn khoảng trống để di chuyển.
Sở Y tế kiến nghị cho phép triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần quy mô 1.000 giường với hai phương án. Một trong hai phương án đó là xây dựng tại huyện Bình Chánh với diện tích 5-10 ha, còn cơ sở chính này bàn giao lại cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tuy nhiên, đến nay nơi đây vẫn tiếp đón bệnh nhân đến khám.
Sát bên Bệnh viện Tâm Thần là bệnh viện có tuổi đời 160 năm - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Nơi đây là bệnh viện tuyến cuối điều trị các bệnh lây nhiễm, Covid-19, đậu mùa khỉ, được xem là nơi chống dịch chủ lực.
Tuy nhiên, với tuổi đời quá lâu, bệnh viện này cũng đã xuống cấp, nhiều phòng khám tạm bợ. Khoa cấp cứu của bệnh viện cũng phải tận dụng một góc nhỏ với diện tích khoảng 60 m2 vốn trước đây là một phòng khám của khoa khám bệnh hai tầng để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.
Phía trước khu khám bệnh chỉ có 6 chiếc ghế đá và khoảng 10 chiếc ghế nhựa để cho bệnh nhân ngồi chờ. Thiếu diện tích, bệnh viện tận dụng các khoảng trống ở hành lang để kê đồ đạc. Mỗi phòng khám chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10 m2 nên các nhân viên y tế phải chịu cảnh làm việc bí bách, chen chúc trong khi tiếp nhận khám, điều trị.
Nóng nực là cảm giác khi ngồi ở tầng một của khoa khám bệnh. Được bố trí rất nhiều quạt treo trần, treo tường, nhưng phía trên lợp mái tôn nên không khí không hề dễ chịu. Nhiều đứa trẻ được gia đình đưa đến ngồi khóc la trong khi chờ đợi để được khám.
Bà Tình (57 tuổi, quê Bến Tre) đưa đứa cháu nội tới khám vì bị sốt siêu vi nhiều ngày. Ngồi trên băng ghế bị vênh, một vài chiếc ghế còn bị đọng nước do mưa dột, bà Tình cho biết đã đến khám và điều trị tại bệnh viện này vài năm nay.
"Tôi thấy bệnh viện này cứ vậy, không thay đổi gì. Cơ sở vật chất vẫn như cũ. Quạt thì nhiều mà sao nóng quá", bà Tình nói.
Tình trạng này tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tồn tại khoảng 12 năm qua. Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị UBND TP.HCM sớm phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết để bệnh viện được xây dựng mới khối khoa khám bệnh nhưng đến nay vẫn "bỏ ngỏ".
Với tuổi đời hơn 160 năm, nơi điều trị bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM đã xuống cấp. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Kẹt” ngay trong bệnh viện
“Né ra dùm cô bác ơi”, “Nép vào giúp để xe qua ạ”… những tiếng hô lớn của các điều dưỡng khi kéo băng ca vận chuyển người bệnh tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.
Chắc hiếm có bệnh viện nào mà chỉ con đường "độc đạo" để di chuyển khám bệnh, chụp X quang, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu… và thậm chí để di chuyển rác thải như ở đây.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo bệnh viện, mỗi ngày bệnh viện mổ từ 100 đến 120 bệnh nhân. Do đó, với con đường chật chội không hề có sự lựa chọn khác thì việc “kẹt xe” trong bệnh viện là điều diễn ra thường xuyên.
Ngồi trước phòng khám dịch vụ chờ thông báo giờ mổ tay, chị Kim Sa (ngụ quận 12) chỉ vào một phòng khám ở góc cuối của dãy nhà, cảm thán: “Ngồi ở đó trời mưa là dột thôi rồi. Trong bệnh viện mà sao thấy thảm quá. Không có được sửa chữa hay không có kinh phí vậy".
Từng nằm viện điều trị khi bị máy xay bột cuốn đứt bàn tay, chị Sa đã được trải nghiệm với cơ sở vật chất của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh Hình. Chưa kể, không gian bệnh viện rất bít bùng.
“Ở đây không có cổng vào khám bệnh riêng, cổng cấp cứu cũng là cổng khám nên tập trung quá đông người. Không đủ ghế ngồi, nhiều người phải ngồi lên bậc tam cấp, phải đứng để chờ khám”, một người đàn ông ngồi chen chúc giữa đám đông chờ tới lượt khám, than vãn.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Mỗi ngày Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tiếp nhận khám ngoại trú 1.500-2.000 bệnh nhân, bệnh nhân nội trú 600-700 người (chỉ tiêu giường bệnh của bệnh viện là 500 giường bệnh).
“Mỗi bệnh nhân nội hoặc ngoại trú có ít nhất có một người đi theo, cộng với khoảng 900 nhân viên, chưa kể các sinh viên, bác sĩ đi học… thì mỗi ngày bệnh viện tiếp khoảng 5.000 con người trong một nơi xuống cấp và quá tải”, một đại diện của bệnh viện chia sẻ với Zing.
Là một điều dưỡng gắn bó với bệnh viên hơn 18 năm, chị Trần Ánh Nhựt (điều dưỡng khoa Chi Dưới) cho biết thời gian đầu, cơ sở rất cũ kỹ, gần đây lãnh đạo bệnh viện có cho sửa "cuốn chiếu" nên cơ sở hạ tầng của khoa có cải thiện hơn.
Tuy nhiên, nhìn chung, bệnh viện vẫn chật chội, cũ kỹ và chị cũng như rất nhiều nhân viên y tế khác, đều mong được cải thiện không gian làm việc.
"Dự án bệnh viện cứ nằm trên giấy hoài, chúng tôi mong ước sẽ được xây bệnh viện mới, để tinh thần làm việc phấn chấn hơn. Bệnh nhân bước vào cơ sở mới cũng sẽ dễ chịu và thoải mái hơn, đỡ tạo áp lực cho mình", chị Nhựt chia sẻ.
"Việc xây mới cứ nghe có nhiều khó khăn, không biết khó ở đâu. Nhưng chúng tôi mong được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế, thành phố để được xây cơ sở mới", nữ điều dưỡng mong mỏi.
Băng ca cấp cứu vẫn được đẩy đi liên tục, người bệnh thì tránh né nhau trên con đường duy nhất từ ngoài cổng vào. Không biết đến lúc nào, nơi đây mới hết "kẹt".
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.