Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 9/10 công bố ông David Baker (người Mỹ) được vinh danh "vì công trình thiết kế protein tính toán" trong khi hai nhà khoa học Demis Hassabis (người Anh) và John M. Jumper (người Mỹ) đồng nhận giải “vì công trình dự đoán cấu trúc protein”.
Năm 2003, nhà hóa học Baker đã thiết kế thành công một loại protein mới không giống bất kỳ loại protein nào khác. Đây là bước đầu tiên trong "một sự phát triển phi thường", Hội đồng Giải thưởng Nobel viết trong một bài đăng trên X.
Ông Baker cũng đã phát hành mã phần mềm máy tính Rosetta, vì vậy một cộng đồng nghiên cứu toàn cầu đã tiếp tục phát triển phần mềm, tìm ra các lĩnh vực ứng dụng mới. Nhóm nghiên cứu của ông Baker đã tạo ra một số protein có thể được sử dụng làm dược phẩm, vaccine, vật liệu nano và cảm biến nhỏ.
Trong khi đó, nghiên cứu của hai ông Hassabis và Jumper đã sử dụng thành công trí tuệ nhân tạo để dự đoán cấu trúc của hầu hết protein đã biết. Ông Baker đã học được cách làm chủ cách tạo ra các protein hoàn toàn mới. Tiềm năng của những khám phá này là rất lớn.
(từ trái sang) Demis Hassabis, John M. Jumper và David Baker. Ảnh: Getty Images for Tribeca Festival; Luis Tejido/EPA, Shutterstock. |
Trước đó, vào năm 2022, TS. Hassabis và TS. John Jumper đã được Giải thưởng VinFuture trao Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới với công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2.
Hội đồng Giải thưởng VinFuture đánh giá rằng công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2 đã tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.
Đây không phải lần đầu tiên các Chủ nhân Giải thưởng VinFuture tiếp tục được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế uy tín vì những phát minh có tác động tích cực to lớn đến nhân loại.
Vào năm ngoái, hai Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên là TS. Katalin Karikó và và GS. Drew Weissman cũng được vinh danh ở giải Nobel Y học 2023 cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, từ đó giúp phát triển vắc-xin mRNA chống lại COVID-19.
Việc ngày càng có thêm các nhà khoa học đạt giải VinFuture được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế danh giá đã khẳng định sự hiệu quả trong quy trình lựa chọn đề cử của Giải thưởng VinFuture, đồng thời chứng tỏ với thế giới tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của VinFuture trong việc đánh giá và thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới.
Giải Nobel Hoá học được ấn định và trao bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Giải Nobel Hoá học trị giá 11 triệu krona Thuỵ Điển, tương đương khoảng 1 triệu USD. Trong lịch sử, tổng cộng 115 giải Nobel Hoá học đã được trao.
Vào năm 2023, giải Nobel Hoá học gọi tên ba nhà khoa học Mougi Bawendi (Viện Công nghệ Massachusetts), Louis Brus (Đại học Columbia) và Alexei Ekimov (Tập đoàn công nghệ Nanocrystals) vì đóng góp quan trọng trong việc phát hiện và tổng hợp các chấm lượng tử, vốn là các hạt nano siêu nhỏ và có tính chất được quyết định bởi kích thước của chúng.
Giải Nobel được tạo ra bởi nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel, người đã chỉ thị trong di chúc rằng tài sản của ông sẽ được sử dụng để tài trợ cho "trao thưởng cho những người đã mang lại lợi ích lớn cho nhân loại trong mỗi năm".
Ông Nobel qua đời vào năm 1895 nhưng phải đến năm 1901, sau một cuộc chiến pháp lý về di chúc của ông, những giải thưởng Nobel đầu tiên mới được trao.
Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y sinh học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình.