Giải Nobel về Y Sinh năm 2024 được trao cho hai nhà khoa học Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun vì phát hiện microRNA và vai trò của nghiên cứu này trong quá trình điều hòa gene hậu phiên mã.
Ông Victor Ambros là nhà khoa học thuộc Đại học Massachusetts còn ông Gary Ruvkun đang nghiên cứu tại Đại học Harvard.
Giải thưởng do Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển, công bố.
"Hai nhà khoa học được vinh danh và trao giải Nobel về Y Sinh năm nay đã khám phá ra nguyên lý cơ bản chi phối cách hoạt động của gene được điều chỉnh. Họ đã khám phá ra microRNA, một loại phân tử RNA nhỏ mới đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh gene", Hội đồng Giải thưởng Nobel đăng trên mạng xã hội X hôm 7/10.
"Phát hiện đột phá của của 2 ông Ambros và Ruvkun cho thấy một khía cạnh hoàn toàn mới về quy định gene. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng microRNA đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và hoạt động của nhiều sinh vật, trong đó có cả con người", thông cáo báo chí của Hội đồng Giải thưởng Nobel viết.
Cũng theo thông cáo trên, vào cuối những năm 1980, 2 ông Ambros và Ruvkun là những nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ trong phòng thí nghiệm của Robert Horvitz, người đã được trao giải thưởng Nobel năm 2002, cùng với Sydney Brenner và John Sulston.
Trong phòng thí nghiệm của nhà khoa học Horvitz, họ đã nghiên cứu một giun tròn dài 1 mm. Mặc dù có kích thước nhỏ, con giun tròn này sở hữu nhiều loại tế bào chuyên dụng như tế bào thần kinh và cơ bắp cũng được tìm thấy ở các động vật lớn hơn, phức tạp hơn, khiến nó trở thành một mô hình hữu ích để nghiên cứu cách các mô phát triển và trưởng thành trong các sinh vật đa bào.
Hai ông Ambros và Ruvkun muốn xác định các gene bị đột biến và tìm hiểu chức năng của chúng.
Các kết quả được công bố ban đầu không nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng khoa học. Mặc dù kết quả rất thú vị, nhưng cơ chế điều hòa gen bất thường được coi là đặc điểm riêng của loài giun C. elegans, có thể không liên quan đến con người và các loài động vật phức tạp khác.
Tuy nhiên, luồng quan điểm này đã thay đổi vào năm 2000 khi nhóm nghiên cứu của ông Ruvkun công bố khám phá của họ về một microRNA khác được mã hoá bởi gene Iet-7.
Khám phá quan trọng của 2 ông Ambros và Ruvkun ở loài giun nhỏ C. elegans là điều bất ngờ và đã tiết lộ một chiều hướng mới cho quá trình điều hòa gene, điều cần thiết cho mọi dạng sống phức tạp.
Năm ngoái, giải Nobel Y sinh gọi tên hai nhà khoa học là Katalin Kariko, nữ giáo sư chuyên ngành hóa sinh-sinh học phân tử người Hungary, và Drew Weissman, nhà khoa học người Mỹ với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine ngừa Covid-19
Trong lịch sử, người trẻ nhất từng được trao giải Nobel Y Sinh là bác sĩ Frederick Banting nhờ nghiên cứu phát hiện ra insulin. Khi ông nhận giải vào năm 1923, nhà khoa học người Canada khi đó mới 32 tuổi. Ông nhận giải cùng đồng nghiệp là John Macleod.
Giải Nobel được tạo ra bởi nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel, người đã chỉ thị trong di chúc rằng tài sản của ông sẽ được sử dụng để tài trợ cho "trao thưởng cho những người đã mang lại lợi ích lớn cho nhân loại trong mỗi năm".
Alfred Nobel có mối quan tâm tích cực đến nghiên cứu y khoa. Thông qua Viện Karolinska, ông đã tiếp xúc với nhà sinh lý học người Thụy Điển Jöns Johansson vào khoảng năm 1890. Johansson đã làm việc tại phòng thí nghiệm của Nobel ở Sevran, Pháp trong một thời gian ngắn cùng năm. Sinh lý học hoặc y học là lĩnh vực giải thưởng thứ ba mà Nobel đề cập trong di chúc của ông.
Ông Nobel qua đời vào năm 1895 nhưng phải đến năm 1901, sau một cuộc chiến pháp lý về di chúc của ông, những giải thưởng Nobel đầu tiên mới được trao.
Nhà phát minh Nobel đã chỉ định Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải thưởng về hóa học và vật lý, Viện Hàn lâm Thụy Điển ấn định giải Nobel Văn học, Trường đại học Y khoa Karolinska Institute của Thụy Điển trao giải thưởng Y sinh và Quốc hội Na Uy trao giải thưởng Nobel hòa bình.
Giải thưởng được trao bởi Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska của Thụy Điển và trị giá 10 triệu krona Thụy Điển.
Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y sinh học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình.