Tối 4/7, buổi trò chuyện nhân dịp ra mắt cuốn sách Về Nguyễn Huy Thiệp được tổ chức trực tuyến, với sự tham gia của nhiều nhà văn, họa sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam, Đức, Hungary.
Cuốn sách Về Nguyễn Huy Thiệp được thực hiện như một nén tâm nhang tưởng nhớ nhà văn nhân 100 ngày ông đi xa.
Sách Về Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: FB Nguyễn Hữu Hồng Minh. |
Món quà tới người yêu văn chương
Họa sĩ Lê Thiết Cương - người tổ chức bản thảo sách - cho biết ngay khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất, nhóm bạn bè muốn làm cuốn sách để tưởng nhớ ông. Lúc đầu, nhóm dự định làm sách vào dịp 50 ngày ông mất, nhưng để làm một cuốn sách hay, sách đẹp cần nhiều thời gian hơn. Nên cuốn sách ra dịp 100 ngày ông đi xa.
Tên sách Về Nguyễn Huy Thiệp tức là nghĩ về, tưởng nhớ về ông. “Chúng tôi chọn một cuốn sách gồm những bài ký, thơ, phê bình, chuyên sâu, phỏng vấn, có tranh, ảnh, một số tác phẩm gốm của ông”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.
Bà Vũ Phương Liên - Giám đốc công ty sách Liên Việt - chia sẻ khi nhận bản thảo cuốn sách, bà rất xúc động. Ngoài việc đồng hành cùng các tác giả, họa sĩ Lê Thiết Cương để tưởng nhớ nhà văn, cuốn sách này được thực hiện như một món quà gửi tới người yêu văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói lời cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương, công ty Liên Việt và NXB Dân trí đã làm cuốn sách này.
“100 năm ngày mất Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta làm điều này không chỉ để bày tỏ với ông, vì bây giờ, ông không cần gì cả, ông ở một chốn mà ta không biết chốn đó thế nào. Chúng ta kỷ niệm, nhớ đến ông để tiếp tục những điều ông đã làm. Đó là cuốn sách thể hiện thái độ của chúng ta với văn chương”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
PGS Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội - nhận xét về cấu trúc cuốn sách: “Đây là tứ làm sách hay, nó dựng nên một câu chuyện có khởi đầu là bài phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, kết thúc là bài viết cuối của Nguyễn Huy Thiệp. Các bài viết trong sách cho thấy tiến trình 30 năm sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp”.
Theo PGS Văn Giá, cuốn sách có những bài viết cung cấp tư liệu về nhà văn, thể hiện nỗ lực giải mã thế giới tinh thần bí ẩn, sâu sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. “Đây là những câu chuyện về tình văn nhân, tình người của chúng ta với nhà văn vừa đi xa. Điều đó cung cấp cho độc giả những thông tin thú vị”, PGS Văn Giá nói.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Y. N. |
Người nói những điều lớn lao bằng ngôn từ giản dị
Buổi ra mắt sách cũng là dịp để văn nghệ sĩ nhớ về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói: “Chúng ta đang nhớ về một con người, một nhà văn, ông đã dấn thân cho văn chương đến tận cùng. Bằng văn chương, ông bảo vệ nhân cách, nhân tính con người theo cách của ông. Ông tìm cách mổ xẻ đến tận cùng những điều tồi tệ, bóng tối đang chìm đắm bên trong con người”.
Chủ tịch Hội Nhà văn nói sự thỏa hiệp đáng sợ nhất là thỏa hiệp với chính bản thân chúng ta. Bên trong ta chứa đựng tất cả: Sự ích kỷ, tham lam, yếu hèn, đố kị, những dục vọng tồi tệ… Chỉ người nào biết tìm ra, đối diện nó, thì mới có thể chống lại phần bóng tối ở bên trong con người mình.
“Nguyễn Huy Thiệp đã làm điều đó, ông vạch ra những điều đó, không phải để vùi con người xuống, hay phơi bày sự xấu xa của con người; mà ông làm điều đó nhằm giúp con người nhận ra những điều ấy, đi qua nó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh ôn lại những lần trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong đó, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh ấn tượng nhất khi tác giả Tướng về hưu kể ông sống 10 năm ở miền núi, người miền núi dạy ông nói thật.
“Trò chuyện với Nguyễn Huy Thiệp, tôi thấy ông nói về những điều lớn lao bằng ngôn từ giản dị, đời thường. Nguyễn Huy Thiệp là người sâu sắc lắm. Ông vượt ra mọi chuẩn suy nghĩ, là người tìm thấy triết lý sâu xa trong những điều bình dị. Ông là người có cái nhìn tinh tế, cái nhìn không giống ai”, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nói.
Theo Nguyễn Hữu Hồng Minh, giới văn chương thường nói về công việc của một nhà văn với sự cố gắng, nhẫn nại, tìm kiếm. Nhưng cũng có những người như Nguyễn Huy Thiệp, làm nghệ thuật như thiên mệnh. "Nguyễn Huy Thiệp nói những câu đơn giản thôi mà khiến ta rùng mình", nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nói.
Từ Berlin, nhà văn Lê Minh Hà bày tỏ sự ngưỡng mộ với đời văn, đời người Nguyễn Huy Thiệp: “Ông viết những trang văn như kiếm sắc, phanh, chặt, mổ, làm cho người ta không ngừng suy ngẫm khi đọc ông. Những lời ta ca ngợi ông hôm nay sẽ không qua được những người đã và sẽ viết về Nguyễn Huy Thiệp. Cuốn sách này không chỉ để tưởng nhớ nhà văn nổi tiếng, mà đó còn là tình bạn, là cái tình với văn chương, chữ nghĩa”.