Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bốn thập niên viết văn của Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp chắc chắn là cái tên được nhắc đến trước tiên khi nhìn lại những biến động văn chương trong gần 40 năm qua.

Nguyen Huy Thiep anh 1

Nhìn lại những biến động lớn lao của đời sống văn chương trong gần bốn thập niên qua, nếu phải tỉnh táo gạt bỏ các bóng dáng nhất thời không đủ sức giành lấy địa vị đáng kể và giữ lấy những tên tuổi có tần số hiển thị thường xuyên làm nên diện mạo văn học Việt Nam đương đại, thì Nguyễn Huy Thiệp chắc chắn là cái tên được nhắc đến trước tiên nhất, đảm bảo khả tín lựa chọn ở mức rất cao, không chỉ vì lộ trình sáng tạo của ông gắn liền giai đoạn ấy, với khả năng song hành thời cuộc chặt chẽ đến ngạc nhiên mà còn vì những tranh luận, bàn cãi về tác phẩm của ông từ khi khởi phát đến nay vẫn chưa ngừng nghỉ, kết thúc.

Những truyện ngắn chấn động

Cuối năm 1979, sau gần mười năm “úp mặt vào núi”, Nguyễn Huy Thiệp quay lại Hà Nội, làm một "nhân viên quèn" ở nhiều cơ quan khác nhau, khi ở nhà xuất bản Giáo dục, khi tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ.

Một cách thầm lặng, ông đọc N.G. Chernyshevsky (Quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật đối với hiện thực), A.G Tseitlin (Lao động nhà văn), G. Plekhanov (Bàn về nghệ thuật) và nghiên cứu tâm lí độc giả, đúng hơn là "nghiên cứu tâm lí dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài".

Trên cơ sở đó, ông bắt đầu "dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại". Tháng 5/1986, Nguyễn Huy Thiệp cho đăng hai truyện ngắn đầu tiên trên báo Văn nghệ: Nàng Sinh và Cô Mỵ. Đến tháng 9 có thêm truyện Vết trượt. Tháng 1 và 3 của năm 1987, Những truyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát Huyền thoại phố phường cũng được đăng trên Văn nghệ.

Nguyen Huy Thiep anh 2

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp gây chấn động văn đàn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nhưng tất cả sự chú ý, dư luận và là nguyên cớ của "hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" phải đến khi Tướng về hưu xuất hiện trên tờ báo này, “ba số gộp”, 24 trang, giấy trắng, hụt khổ, ra ngày 20/6/1987.

Không ai nghĩ Tướng về hưu lại nhận được những hiệu ứng nhanh đến vậy. Người ta bắt đầu dán nhãn “tài năng trẻ”, “hiện tượng” cho ông. Nhưng mặc cảm “ngố rừng” chưa hết, ông chỉ dám quan sát đời sống văn chương thủ đô ở một vài hội thảo, vài cá nhân nổi bật nào đó, đặc biệt là Hoàng Ngọc Hiến.

Chính Hoàng Ngọc Hiến đã viết lời giới thiệu, "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió", cho tập truyện Tướng về hưu xuất bản trong tháng 1/1988. Lời chúc của một cá tính mạnh có khi sẽ “ám” người được nhận.

Hai lăm năm sau, nghĩa là đã có thể cười xòa trước mọi ngón đòn số phận, Nguyễn Huy Thiệp ngậm ngùi lẩy giọng hài hước: “Ông không chúc thuận buồm / Cũng chẳng chúc xuôi gió / Nước mắt hòa chén cơm / Cứ giận ông chúc xỏ!”.

Sau Tướng về hưu, không để độc giả nghỉ sức quá lâu, Nguyễn Huy Thiệp liên tiếp viết những tác phẩm mà vào thời điểm hiện nay, hễ được nhắc lại cảm giác thảng thốt, say mê đọc của mình, người ta đều nhớ: Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Giọt máu. Và dĩ nhiên, không ai quên bộ ba truyện giả lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửaPhẩm tiết gây chấn động năm 1988.

Cũng ở thời điểm này, ngoài truyện ngắn và kịch, Nguyễn Huy Thiệp còn công bố năm tiểu luận văn chương quan trọng nhất của mình, không phải tại Hà Nội, mà trên các tạp chí văn nghệ địa phương: Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm của nhà văn (1989); Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn (1990); Nhà văn và bốn trùm Mafia (1991); Con đường của nhà thơ (1992); Con đường văn học (1992).

Đây là những tiểu luận văn chương chứa đựng phần lớn kinh nghiệm, quan điểm sáng tạo của nhà văn mà mức độ nói thẳng, nói thật, nhìn ngược vấn đề trong đó đã gây nhiều phản ứng trái chiều.

Tháng 3/1992, ông tự nguyện xin thôi việc ở cơ quan Nhà nước, chuyển sang kinh doanh nhà hàng, tuyên bố “rửa tay gác kiếm”, không viết văn nữa. Tuy thế, như một sức hút khó cưỡng, tác phẩm của ông bắt đầu được “xoay tua” xuất bản bởi các nhà xuất bản khác nhau.

Chẳng hạn, năm 1989 là tập Những ngọn gió Hua Tát (NXB Văn hóa), tập Tác phẩm và dư luận (Tạp chí Sông Hương và NXB Trẻ), năm 1993 là tập Con gái thủy thần (Nhà xuất bản Hội nhà văn), và đặc biệt, năm 1990 là tập Un général à la retraite (Tướng về hưu, Éditions de l'Aube, Pháp) và năm 1992 là tập The general retires and other stories (Tướng về hưu và những truyện khác, Oxford University Press), mở đầu cho con đường “quốc tế hóa” tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyen Huy Thiep anh 3

Tướng về hưu trong lần xuất bản, tái bản tại Pháp. Ảnh: l'aube.

"Chăn trâu cắt cỏ"

Năm năm (1987-1992) là giai đoạn đắc ý, gặp thời nhưng cũng "tâm tuyệt, khí tuyệt" nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Mọi tán dương lẫn bài xích cũng theo đó mà phủ ập xuống. Ông trở thành phiên bản thu nhỏ của cao trào đổi mới văn nghệ vốn nổi lên mạnh mẽ nhưng sớm phải chịu nhiều áp lực, rồi dần lắng xuống, theo nhiều cách lặng lẽ khác nhau, ngay đầu thập niên 1990.

Trên Con đường văn học, ông ngậm ngùi nhận ra "xác chết của các nhà văn đã chất thành núi trên thế gian này. Người ta vẫn bới tìm ở đấy những mẩu vụn của con người, về con người". Ông quay về triết lí nhẹ nhàng theo cảm quan Phật giáo trong Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 (1994), bao dung Thương cho cả đời bạc (1996), ưa thú Chăn trâu cắt cỏ (1996), đề cao Bài học tiếng Việt (1999) và sau cùng, khi đã vỡ lẽ "lẽ thường, lẽ vô thường", ông khẳng định Sống dễ lắmCười lên đi (2000).

Tiếng cười ý vị, quả thật, đã làm văn chương của ông thêm phần sâu sắc, thông thái trong những câu chuyện thoạt tiên tưởng để "mua vui", Chuyện ông Móng (2001), Những tiếng lòng líu la líu lo (2004), Chuyện bà Móng (2004).

Ông không ngừng nghĩ ngợi về nông thôn, về gốc gác của sự trưởng thành lương thiện và tử tế, trong Thương nhớ đồng quê (1992), Chú Hoạt tôi (2001), Cánh buồm nâu thuở ấy (2004) và khép lại hành trình đi tìm Con gái thủy thần bằng truyện thứ ba (1998).

Với Chăn trâu cắt cỏ, thì tư tưởng Nam tông đốn ngộ đã chi phối cái nhìn của nhà văn, hiển thị ngay từ tên nhân vật chính, Năng, cậu bé chăn trâu, thành thạo công việc đồng áng, hay chơi chùa làng, mơ mộng và buồn vui với những điều thân thuộc ở nhà quê.

Năng như một ẩn dụ của người trên đường xóa bỏ tà kiến, các chính niệm có sẵn. Năng là cỗi gốc của sự thinh lặng, tìm kiếm, thâu nhận, kiên nhẫn trì quán đời sống nhỏ bé, thường ngày, bình dị, vừa có nghĩa vừa phù phiếm.

Càng về sau, sự xâm nhập của tinh thần Nam tông càng sâu đậm, nhuần nhuyễn kéo theo những thay đổi trong cách lựa chọn nhân vật và câu chuyện như trong kịch Đến bờ bên kia (2008), kịch bản chèo Vong bướm (2012) và “tiểu thuyết chưởng” Bên rìa nước (2013).

Nguyen Huy Thiep anh 4

Sách của Nguyễn Huy Thiệp được làm đẹp, trang trọng. Ảnh: Đông A Gallery.

Tự tính, vô minh, vô thường và hữu thường, sống và chết, sám hối, cơ duyên, tà kiến và chính kiến, thiện và ác... lần lượt đóng vai từ khóa xuất hiện trong tác phẩm, không phải để Nguyễn Huy Thiệp cao đàm khoát luận, mà để nhìn thấu chúng trong bản thân mình, quan sát và thổ lộ mình.

Đó là một tinh thần “đốn ngộ” không mê chấp vào sự phân biệt đúng sai, tốt xấu, vì vốn dĩ, chúng là hai mặt của bàn tay, là chiếc áo nội dung nhưng cũng là đường gân, mạch máu của hình thức. Điều này, thiển nghĩ, là một sự thay đổi bình tĩnh mà dứt khoát của Nguyễn Huy Thiệp.

Cũng có khi, bằng giọng điệu không ngần ngại, ông Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (2004) để rồi hứng chịu hàng loạt phản bác dữ dội, những ấm ức không dễ nguôi ngoai.

Chưa hết, ông cũng tự làm độc giả thất vọng vì những "tiểu thuyết ba xu" của mình, từ Võ lâm ngoại sử (2005) đến Tiểu long nữ (2006), Gạ tình lấy điểm (2007).

Thể tất trước thái độ của độc giả, những người không cho phép vàng đã thử lửa mà bị pha lẫn thau, ông đành lưu ý một điểm cốt tử trong lao động văn chương ở Việt Nam: "nghề văn là một nghề mệt nhọc. Nhà văn cũng phải có tiền để sống".

Ông tự nhận mình sống được bằng nghề. Năm 2012, NXB Trẻ đã kí hợp đồng độc quyền xuất bản tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp (44 truyện ngắn, 10 vở kịch, 1 tập tiểu luận) trong vòng 5 năm.

So với mặt bằng chung “nhà văn An Nam” không mấy khi bắt gặp những điều ưng ý trong việc công bố tác phẩm, ông được giới xuất bản đối đãi ngày càng chuyên nghiệp hơn và về mặt chất lượng in ấn, sách của ông được trau chuốt, đẹp dần lên.

Mặc dù nhiều lần tuyên bố “ngừng bút” nhưng Nguyễn Huy Thiệp vẫn túc tắc viết cho đến lúc ngã bệnh, “trò chuyện một mình”. Theo thống kê của tôi, cho đến đầu năm 2020, Nguyễn Huy Thiệp đã viết 55 truyện ngắn, 5 tiểu thuyết, 12 vở kịch và khoảng 46 tiểu luận, tạp văn/tạp bút. Không nhiều nhưng trọn vẹn một sự nghiệp văn chương lớn.

Nguyễn Huy Thiệp qua đời là mất mát lớn của văn đàn Việt

Nguyễn Huy Thiệp là cây bút lớn, quan trọng bậc nhất từ năm 1975 đến nay. Sự ra đi của ông là khoảng trống khó bù đắp của văn chương đương thời.

TS Mai Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm