Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 ngày 20/3, do tuổi cao, sức yếu, thọ 71 tuổi.

Trao đổi với Zing ngày 20/3, anh Nguyễn Phan Bách, con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cho biết mấy ngày qua, sức khỏe của cha mình rất yếu, ăn phải xông. Chiều 20/3, hai con cho bố uống nước xong, thấy sắc mặt ông không tốt. Ông ra đi trong thanh thản bên con cháu.

Gia đình đang chuẩn bị tang lễ, ngày giờ phúng viếng sẽ được thông báo sau.

Khoảng đầu năm 2020, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến nặng, được gia đình chăm sóc nên có thể trở dậy. Nhưng vài lần tai biến tiếp theo khiến sức khỏe của ông yếu dần.

Nguyen Huy Thiep anh 1

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Y. N.

Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950. Quê ông ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (ông sinh tại Thái Nguyên). Thuở nhỏ, ông cùng gia đình đi khắp nông thôn, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Năm 1960, gia đình ông chuyển về quê, định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, có thời gian dạy học ở Tây Bắc, rồi về Hà Nội công tác.

Nguyễn Huy Thiệp là tượng đài văn chương đương đại. Ông sáng tác truyện ngắn, kịch, tiểu luận, thơ và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.

Nhà văn để lại khoảng 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng các tập tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý.

Tài năng của Nguyễn Huy Thiệp tỏa sáng ở lĩnh vực truyện ngắn. Ông được mệnh danh là “vua truyện ngắn” với những tác phẩm trở thành hiện tượng trên văn đàn như: Tướng về hưu, Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Những ngọn gió Hua Tát, bộ ba truyện lịch sử (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết)...

Ở lĩnh vực tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp có những tác phẩm như Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu và một tiểu thuyết chưa xuất bản. Một số tác phẩm của ông được chuyển thể thành kịch, phim như: Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Tướng về hưu...

Tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp với những quan điểm sâu sắc, lối viết thẳng thắn từng khuấy động văn đàn, tạo những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương một thuở.

Tên tuổi của ông vượt ra thế giới với nhiều cuốn sách xuất bản tại Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Italy. Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008).

Khi sáng tác, Nguyễn Huy Thiệp luôn hướng ngòi bút tới điều thiện. Ông từng nói: “Thước đo quan trọng nhất của vũ trụ là chân - thiện - mỹ, trong đó chân là quan trọng hơn cả. Chân là độ thẳng thắn, đối mặt các vấn đề trong cuộc sống, cái hay, dở, đúng sai, và tìm ra cách ứng xử. Nhưng nó vẫn chưa quan trọng bằng tình cảm người viết”.

Trong bài viết gần như cuối cùng của mình - "Trò chuyện một mình", Nguyễn Huy Thiệp gói tư tưởng của mình trong một dòng: "Rất khó, khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức - mà khó nhất lại là đạo đức".

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp luôn toát lên sự hiểu biết, cảm thông và yêu thương con người.

Trong cuốn sách nghiên cứu về văn chương Nguyễn Huy Thiệp, TS Nguyễn Văn Thuấn đánh giá: "Trong văn học Việt Nam sau 1975, Nguyễn Huy Thiệp được thừa nhận là 'vua truyện ngắn', một nhà văn đẳng cấp quốc tế. Thành công của ông là thành công của một tài năng lớn xuất hiện kịp thời, lúc đời sống xã hội Việt Nam đang có những dịch chuyển quan trọng hơn về mọi mặt.

Nguyễn Huy Thiệp qua đời là mất mát lớn của văn đàn Việt

Nguyễn Huy Thiệp là cây bút lớn, quan trọng bậc nhất từ năm 1975 đến nay. Sự ra đi của ông là khoảng trống khó bù đắp của văn chương đương thời.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm