Tối 20/3, tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời khiến giới văn chương bàng hoàng. Trên mạng xã hội, nhiều bạn văn, nhà phê bình, độc giả chia sẻ dòng trạng thái thương tiếc tác giả Tướng về hưu.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một hội thảo tại Đại học Văn hóa. Ảnh: Y. N. |
Văn nhân ngả mũ kính trọng
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là bạn văn chương với Nguyễn Huy Thiệp từ thuở ông mới bước vào văn nghiệp, những năm 1986. Ông hồi tưởng: “Những năm Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện, Tướng về hưu gây rúng động, nhưng Những ngọn gió Hua Tát mới là truyện ngắn cho thấy tài năng, báo hiệu một nhà văn lớn”.
“Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như tiếng sét trên văn đàn, ông trăn trở giữa cái tốt - xấu, trong - đục, tử tế - vô luân. Ông nhìn thẳng vào vấn đề đó. Tác phẩm của ông lay động tâm khảm con người”, Nguyễn Văn Thọ nói về văn chương bạn mình.
Nhắc nhở những kỷ niệm với bạn mình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ không khỏi xúc động.
“Chúng tôi chơi với nhau có lúc ân tình, có lúc cãi cọ. Mỗi lần, tôi về, vợ anh Thiệp thường làm bữa cơm giản dị. Lúc ấy, gia đình anh rất khó khăn, nhưng anh không thối chí, để lại gia tài văn chương mà chính những người cầm bút như chúng tôi cũng ngả mũ kính trọng”.
Lặng người trước sự ra đi của bậc đàn anh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói: “Đó là tổn thất lớn, không phải chỉ cá nhân tôi, mà của cả văn đàn. Anh thuộc nhóm người đi đầu, khai phá mạch văn, làm sáng ngời lên tính nhân văn cao cả trong tình người. Văn Nguyễn Huy Thiệp không chối bỏ cái ác, nhìn thẳng vào cái ác để tôn lên cái thiện”.
Nhà thơ dân gian Bảo Sinh là bạn tâm giao của Nguyễn Huy Thiệp. Với ông, tác giả Con gái thủy thần mất đi một khoảng trống không thể khỏa lấp. Trước khi tác giả Tướng về hưu đổ bệnh, ông và nhà thơ Bảo Sinh thường gặp nhau ở quán cà phê, rồi cùng đi bộ quanh hồ Gươm, bàn chuyện văn thơ, thế sự hàng giờ.
Tác giả Bát phố cho rằng trên văn đàn, Nguyễn Huy Thiệp là ngôi sao sáng, còn ở khía cạnh đời thường, đó là người chân thật, giản dị.
“Ông Thiệp rất quý vợ con, chăm sóc và lo lắng cho con cái từ chuyện lớn đến bé”, nhà thơ Bảo Sinh nói về bạn mình.
Tuy là nhà văn lớn, Nguyễn Huy Thiệp không giỏi ăn nói. Nhà thơ Bảo Sinh kể: “Văn chương của ông thật. Tính ông cũng thật, đối xử với mọi người đều chân thành, không xã giao. Bởi vậy, khi phải xã giao, ông thường nói lắp. Nhiều lúc, ông không biết nói gì, liền giới thiệu tôi đọc thơ, như một cách giải vây cho nhau vậy”.
Sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, ấn bản kỷ niệm 70 năm ngày sinh của tác giả. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tượng đài văn chương
Sự chân thật, thẳng thắn không chỉ có trong đời thường nhà văn, những yếu tố đó theo ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp đi vào nhiều tác phẩm. Điều này đã được các nhà phê bình phân tích trong các cuốn sách, luận án nghiên cứu.
TS Nguyễn Văn Thuấn (Đại học Huế) cho rằng Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tác giả lớn của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay.
“Ông là nhà văn lớn, có tài, rất đa dạng về bút pháp, viết với nhiều phong cách, thử nghiệm nhiều đề tài. Đề tài, phong cách nào, ông cũng đều có tác phẩm xuất sắc", TS Nguyễn Văn Thuấn nói.
Văn chương của ông thật. Tính ông cũng thật, đối xử với mọi người đều chân thành, không xã giao.
Nhà thơ Bảo Sinh
Trong văn chương, Nguyễn Huy Thiệp không phải người thật mạnh, chăm chút cho miêu tả như Bảo Ninh. Thứ làm cho truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đặc sắc chính là những đối thoại. Ngôn từ của Nguyễn Huy Thiệp sâu sắc, nhiều tầng nghĩa, rất kịch tính, đẩy cá tính nhân vật bộc lộ sắc nét.
Đôi khi, có những định kiến với ngôn từ sắc trong văn Nguyễn Huy Thiệp, cho rằng đó là ngôn ngữ quá sắc sảo, tàn nhẫn. Nhưng trong sâu thẳm tác phẩm của ông luôn bật lên ánh sáng của nhân văn. Ngòi bút của ông bao giờ cũng muốn con người hướng điều thiện. Nhân vật của ông là những người vô danh, sống bên lề, bị bỏ quên… nhưng chính nơi ấy lại tỏa sáng tính nhân văn đẹp đẽ.
Theo TS Nguyễn Văn Thuấn, trong văn đàn hiện nay, hiếm có cây bút nào có thể viết với độ sâu sắc, bút pháp đa dạng, đều tay, tác phẩm tạo sự sục sôi dư luận như Nguyễn Huy Thiệp.
“Người viết được như thế phải có hiểu biết, vốn sống, có dụng công văn chương và là người tài ba”, TS Thuấn nêu quan điểm.
Về sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, TS Nguyễn Văn Thuấn nói: “Đây là mất mát rất lớn cho văn học Việt Nam, điều đáng tiếc với văn học hiện đại nước ta. Dù tác giả được nhiều giải thưởng quốc tế, nổi tiếng, ông chưa nhận được sự ghi nhận tương xứng ở các tổ chức văn học trong nước”.
Với những cây bút thuộc thế hệ trẻ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là tượng đài lớn. Nhà văn Nhật Phi (người đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20) luôn coi Nguyễn Huy Thiệp là huyền thoại truyện ngắn.
“Nguyễn Huy Thiệp là thần tượng, nằm ngoài mọi bảng xếp hạng, để thế hệ sau nhìn lên. Với những người viết trẻ mà ông thường xuyên trao đổi, chúng tôi luôn mong muốn một sự thừa nhận từ những huyền thoại như thế”, Nhật Phi nói.