Trong ấn bản Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mới phát hành có in bài viết từ năm 2007 của Nguyễn Huy Thiệp. Ở đó, ông nêu rõ quan điểm về người đọc sách, làm sách, và nhất là tư tưởng về người cầm bút.
Sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Nguyễn Tuấn Bình. |
Về làm sách, nhà văn viết: “Ngày trước, người ta làm sách là để đồng nhất nhân tâm trị đạo. Bậc thánh nhân có đức có tài mới dám đứng ra làm sách”. Sau này xã hội phát triển, kỹ thuật in ấn tân kỳ, người làm sách đa dạng, sách trở nên thường, nhiều khi làm sách cũng để kiếm tiền, cũng có khi chỉ để mua vui hoặc phô trương rởm đời.
Nguyễn Huy Thiệp cho biết ông đọc sách từ khi 10 tuổi, được phụ huynh dạy: “Trong cõi nhân sinh, muốn cho vẻ vang không có gì bằng đọc sách ('nhà ta quý sách hơn vàng'- thơ Nguyễn Bính). Trong hạng đọc sách, muốn trở thành bậc cao thượng không có gì bằng học đạo”.
Nhà văn lý giải: Đạo ở đây là con đường đi, là lý tưởng, là những chiêm nghiệm tôn giáo, là văn hóa sống.
Được dạy vậy, biết vậy, nhưng Nguyễn Huy Thiệp không nghĩ mình sẽ thành nhà văn. Những năm 1970-1980, ông lên Tây Bắc dạy học. Những trang sách vẫn không xa rời ông. “Úp mặt vào núi đọc sách”, qua tuổi thanh xuân, khi trở lại Hà Nội, ông giáo ở Tây Bắc về băn khoăn không biết xoay xở ra sao giữa cuộc sống, xã hội đã có nhiều thay đổi.
Tới năm 1987, truyện Tướng về hưu được in ra, ông “bỗng chốc trở nên nổi tiếng”. Cho đến năm 2007 - thời điểm tác giả chuẩn bị gác bút - thì “thoắt cái đã 20 năm, một lòng cung cúc tận tụy theo nghiệp văn chương". Tới lúc ấy, đã có cả vạn trang sách được Nguyễn Huy Thiệp viết ra.
Vậy mà, nhìn lại tác phẩm của mình, tác giả lại khiêm tốn: “Thật đáng sợ, có lẽ cũng nhàm, cũng nhảm!”. Với bạn đọc yêu quý tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, hẳn lời nhận xét này vô lý. Nhưng khi nói ra những lời ấy, Nguyễn Huy Thiệp nhìn sự nghiệp dưới con mắt của một người coi việc viết văn là “học đạo”.
“Người viết văn khi còn trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm sống, quan niệm thiện ác cũng như xử thế thị phi rạch ròi, lòng dạ sắt đá. Nếu theo cổ nhân, khi ấy 'văn viết ra khó, tâm tuyệt, khí tuyệt, mặt tựa người chết' (chữ của Kim Thánh Thán)”, nhà văn viết.
Nhà văn Nguyễn Thuy Thiệp. |
Nguyễn Huy Thiệp coi giai đoạn mới vào nghề của ông (trước năm 1992), truyện viết ra đều ở dạng “lòng dạ sắt đá”; trong đó có cả những tác phẩm đình đám như Tướng về hưu, Không có vua, Giọt máu, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Những người thợ xẻ...
Giai đoạn sau, ông đủ tâm thế để viết theo lối “phóng lãng, nhại đùa, cốt tồn dưỡng tâm khí”.
Ông viết: "Bắt đầu ngấm ngầm từ truyện Sang sông, thật ra phải cho đến truyện Sống dễ lắm tôi mới đủ tâm thế bèn chuyển sang lối viết dễ (hoặc tưởng là dễ) như thể phóng lãng, nhại đùa, cốt khư khư tồn dưỡng tâm khí cho mình mà không để nó thất thoát ra nữa".
Năm 2018, bên lề cuộc tọa đàm về tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu, nhà văn cũng nhắc tới cái tâm của người cầm bút. Ông nói: “Thước đo quan trọng nhất của vũ trụ là chân - thiện - mỹ, trong đó chân là quan trọng hơn cả. Chân là độ thẳng thắn, đối mặt các vấn đề trong cuộc sống, cái hay, dở, đúng sai, và tìm ra cách ứng xử. Nhưng nó vẫn chưa quan trọng bằng tình cảm người viết”.
Khi lựa chọn các truyện ngắn của mình để đưa vào Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp năm 2007, nhà văn vừa trải qua bạo bệnh, phải cấp cứu vì đau tim. Ông dần bình phục và từng nói mình qua khỏi một phần cũng nhờ tu thân.
Đầu năm nay, nhà văn bị tai biến nặng. Trải qua những ngày tháng trong bệnh viện, được người thân chăm sóc, bạn bè làng văn quan tâm, sức khỏe của ông ngày một khả quan hơn. Giờ đây, nhà văn có thể trò chuyện và cầm bút ký tặng sách, vẽ những nét đơn giản.
Nguyễn Huy Thiệp từng nói đời người có hạn, không ai sống mãi được, tất cả rồi sẽ qua đi, nhưng có những điều “tưởng như vẩn vơ mà không tài nào mất đi đâu cả”.
Những trang văn viết từ tình cảm, tâm sức của ông, có lẽ cũng là một trong những điều “không tài nào mất”.