Đầu năm 2003, Nguyễn Huy Thiệp hoàn thành Tuổi 20 yêu dấu sau một tháng lao động chữ nghĩa cật lực. Đây là tiểu thuyết đầu tay của ông, đã được dịch và xuất bản tại Pháp năm 2006. Tác phẩm cũng được đăng trên mạng internet, vì thế, trong lúc chưa có bản in tiếng Việt, nhiều người đã chọn cách đọc miễn phí tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp trên mạng.
15 năm sau khi được viết ra, tới mùa thu này, Tuổi 20 yêu dấu mới được xuất bản chính thức tại Việt Nam. Tuy vậy, nhiều độc giả, giới phê bình vẫn háo hức đón chờ cuốn sách của tác giả nổi bật trên văn đàn đương thời.
Tác phẩm quan trọng của văn chương 2018
Tuổi 20 yêu dấu kể về cậu Khuê, một thanh niên thành phố vừa 20 tuổi, đang học đại học, có bố là một nhà văn nổi tiếng. Cậu ta luôn thấy cuộc đời quanh mình là thổ tả không sao ngửi được.
Một ngày kia, cậu bị bố đuổi ra khỏi nhà và chính thức dấn thân vào cuộc đời thổ tả đó. Cậu ta cầm đồ, đi đua xe với đám bạn du côn, gặp những cô gái điếm, tham gia buôn lậu, hít heroin và bị đánh cho thừa sống thiếu chết; rồi cậu ta bị ném ra một hòn đảo và lần đầu tiên thử sống một cuộc sống tự lập...
Tuổi 20 yêu dấu mới phát hành. |
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Tuổi 20 yêu dấu là “tiếng thét dữ dội của người thanh niên đang nổi loạn, và cũng là tiếng thét của người cha đau khổ”.
Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn nhận địnhTuổi 20 yêu dấu là một tác phẩm quan trọng, đáng chú ý của văn đàn năm nay. Nhiều người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp thành công nhất ở lĩnh vực truyện ngắn, sau đó là kịch và tiểu luận, đến khi ông viết tiểu thuyết là một bước lùi. Nhưng nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng tiểu thuyết này thành công, nó bổ sung sự đa dạng, phong phú của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp. “Chúng ta nên có sự định giá lại về tiểu thuyết, không nên nhìn tiểu thuyết với những lý thuyết xơ cứng”, TS Mai Anh Tuấn nói.
Tác phẩm đặt ra cái nhìn rất khác về người trẻ. Sách văn chương lâu nay thường viết về người trẻ thành công, nếu có vấp ngã thì họ sẽ đứng lên. Nhưng cuốn sách này trình ra một tuổi trẻ thất bại, lầm lỗi. Tác phẩm xây dựng với ngôi kể “tôi”, nên tiếng nói lầm lỗi trở nên chân thực.
Bản tiếng Pháp của tiểu thuyết. |
Phần nhiều nhân vật văn học thường có đạo đức hoàn hảo. Nhưng tác phẩm này có nhân vật với lựa chọn sai lầm. Tiểu thuyết đặt ra cho chúng ta vấn đề: Chúng ta ứng xử thế nào với những người lựa chọn sai lầm? Trong tác phẩm này, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra cái nhìn bao dung.
Sự thất bại của Khuê có nguyên nhân trực tiếp của bối cảnh xã hội: Việt Nam đầu thế kỷ với các hiệu cầm đồ mọc lên, internet, heroin tràn vào… Nhưng Nguyễn Huy Thiệp viết cuốn này không để lên án xã hội, mà để hiểu về người trẻ vấp ngã. Khuê như một nhân vật vấp ngã, sai lầm, nhưng vẫn được thấu hiểu.
Tiểu thuyết hấp dẫn ở mạch kể chuyện phiêu lưu, có tinh thần của Robinson Crusoe, với chi tiết Khuê ở trên đảo hoang vắng xây dựng lại cuộc đời mình. Tác phẩm còn mang màu sắc Phật giáo, sự đốn ngộ, khi người ta nhận thức được sự sai lầm của mình, rồi tỉnh thức, nhận ra bản lai diện mục của mình.
Qua cuốn sách, Nguyễn Huy Thiệp gửi đi thông điệp, rằng tuổi trẻ không bao giờ là sự hoàn hảo tuyệt đối, không bao giờ là câu trả lời mỹ mãn cho tất cả. Tuổi trẻ có những sai lầm, nhưng điều quan trọng là ta đón nhận nó, thể tất cho nó.
Theo Tiến sĩ Mai Anh Tuấn, 15 năm sau khi được viết ra, Tuổi 20 yêu dấu vẫn phù hợp với thanh niên hôm nay. Mỗi chương tiểu thuyết là một tiểu luận, luận về giáo dục, đời sống xã hội, tuổi trẻ.
Tiểu thuyết ẩn chứa một mệnh đề quan trọng mà chủ nghĩa lãng mạn bám vào nó: Sự đối lập giữa văn minh đô thị và thiên nhiên. Cái đọng lại là sự vẫy gọi của tự nhiên với đời sống bình dị chất phác.
“Nếu đọc tiểu thuyết này mà chỉ chú mục vào những phẫn uất, tiếng chửi xã hội thì chỉ là đọc lớp trên, cần nhìn vào lớp sâu hơn của tác phẩm: tình yêu thiên nhiên, con người chú trọng vào thiên nhiên mới tìm được chỗ trú ẩn thực sự cho mình”, TS Mai Anh Tuấn nhận xét.
Làm phong phú thêm hình tượng thanh niên
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập viên cuốn sách - cho rằng Tuổi 20 yêu dấu làm phong phú thêm hệ thống nhân vật thanh niên trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp.
Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp không dừng quá lâu ở nhân vật nào, nhưng ấn tượng để lại thường ghê gớm, như Nguyễn Huệ trong Phẩm tiết, ông tướng trong Tướng về hưu, Bường trong Những người thợ xẻ, Chương trong Con gái thủy thần, Tổng Cóc trong Chút thoáng Xuân Hương, Đoài trong Không có vua…
Nhìn ở cấp độ tổng quát, Nguyễn Huy Thiệp thường viết về những nhóm nhân vật lớn với những đặc trưng riêng, như những nhân vật lịch sử, nhân vật phụ nữ, hình ảnh nghệ sĩ - trí thức, và hình ảnh những thanh niên mới lớn trong các sáng tác của ông.
Từ trái qua: TS Mai Anh Tuấn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, BTV Diệu Thủy trong buổi tọa đàm "Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu" tại Hà Nội. |
Nhân vật thanh niên xuất hiện trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp: Nhâm trong Thương nhớ đồng quê, Hiếu trong Những bài học nông thôn, Năng trong Chăn trâu cắt cỏ, Chương trong Con gái Thủy thần, Ngọc trong Những người thợ xẻ, Sạ trong Những ngọn giá Hua Tát, Thiềm trong Những người muôn năm cũ... Tuổi 20 yêu dấu với nhân vật Khuê đã làm phong phú thêm hệ thống nhân vật này, với góc nhìn từ một thanh niên thành phố về thành phố.
Nguyễn Huy Thiệp nhắm vào thanh niên 17-20 tuổi, đứng trước nhiều dục vọng, khát khao, đầy sợ hãi. Hầu hết nhân vật là nam thanh niên. Thú tính ở đàn ông thường mạnh hơn phụ nữ, thú tính ở một “thằng thanh niên”, cậu thanh niên ở tuổi 20 mạnh chừng nào. Điều này đẩy tác phẩm lên sự hấp dẫn. Nguyễn Huy Thiệp nhìn thấy điều đó và thể hiện sinh động trong tác phẩm.
Những nhân vật thanh niên này thường khước từ trật tự. Khuê căm ghét gia đình, căm ghét những quan niệm về sự thành công đầy giả tạo, bọn trưởng giả thành phố… Bởi khước từ trật tự, lề thói, đi ngược với đám đông nên nhân vật thường cô đơn, không chia sẻ được với bầy đàn, và cuối cùng lựa chọn ra đi.
Cú tuột xích của Khuê, trong truyện viết là bị bố đuổi, nhưng thật ra đó là điều cậu ta muốn từ lâu, một cuộc sống không theo trật tự, sống phiêu lưu, và cậu ta sẵn sàng trả giá. Khuê hiện lên đa chiều, vừa ngây thơ, vừa ngang tàng, vừa chấp nhận cuộc sống. Thật khó đễ phán xét nhân vật Khuê là tốt hay xấu, hung hăng hay thất bại, kháng cự cuộc sống hay chấp nhận dòng đời.
Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu thành công khi xây dựng một giọng điệu riêng, chất giọng của một thanh niên thành phố bụi bặm, tưng tửng, hài hước, mang lại khoái cảm ngôn ngữ.
Nhận xét về nhân vật Khuê trong tiểu thuyết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng đó là hiện thân của tuổi 20 với toàn bộ sự thách thức, nổi loạn, điên rồ, tuyệt vọng, và điều quan trọng nhất, anh ta có khát vọng lương thiện. Vị giám đốc NXB Hội Nhà văn cho biết, với một tác phẩm có giá trị như Tuổi 20 yêu dấu, nhà xuất bản có nghĩa vụ vượt qua những vất vả để làm ra một cuốn sách cần thiết cho xã hội.