Ngày 6/10/2018, tác giả Khải Đơn vừa có buổi giao lưu "Tuổi trẻ và phù sa phiêu bạt" tại đường sách TP.HCM nhân dịp ra mắt sách Mekong, phù sa phiêu bạt.
Khải Đơn là tác giả quen thuộc đối với bạn đọc, nhất là độc giả trẻ qua các tập tản văn đã phát hành trước đây như: Đừng tháo xuống nụ cười, Sài Gòn - Thị thành hoang dại, Ta có bi quan không?, Gập ghềnh tuổi 20. Với lợi thế là một nhà báo tự do, trong 10 năm qua Khải Đơn đã đặt chân đến nhiều vùng đất, nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, Đông Nam Á được xem là vùng đất quen thuộc với cô.
Tác giả Khải Đơn tại buổi giao lưu Tuổi trẻ và phù sa phiêu bạt. |
Không chỉ thay đổi về thể loại, đến cuốn sách lần này Khải Đơn còn ghi dấu sự thay đổi về tâm thế của mình, của một người viết trẻ. Khải Đơn bộc bạch: “Những năm 20 tuổi, nếu luôn coi mình là trung tâm của thế giới. Điều này được thể hiện rất rõ trong các cuốn sách trước đây. Khi một người bắt đầu viết thì thứ đầu tiên họ bắt đầu chính là bản thân họ".
"Tôi cũng bắt đầu như vậy. Trong quá trình khám phá bản thân đó, tôi đã gặt hái những cảm giác, trải nghiệm rồi viết lại. Nhưng đến lúc này, khi ở độ tuổi 30 tôi bắt đầu thấy thế giới lớn hơn mình. Đó cũng là lúc mà tôi nghĩ mình phải vượt qua những biên giới, giới hạn của hiểu biết chính mình. Đó chính là lý do tôi chọn chủ để sông Mekong, một chủ đề bên ngoài tôi cho tác phẩm mới”, Khải Đơn cho biết.
Mekong, phù sa phiêu bạt được chia làm bốn phần: Thái Lan, Campuchia, Mekong, Lào & Myanmar. Đây là năm quốc gia hạ nguồn, đang thụ hưởng nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn mà dòng Mekong mang lại. Nhưng đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi cực đoan đang diễn ra ở vùng thượng lưu dòng sông này.
Khác với những cuốn sách thuộc thể loại du ký thường chỉ giới thiệu những địa điểm “check in” hay những đồ ăn thức uống ở vùng đất đi qua; Mekong, phù sa phiêu bạt là một cuộc khám phá đậm dấu ấn cá nhân của tác giả về một đời sống khác, che đậy bên dưới cái lạ, cái mới, sự hào nhoáng bề mặt.
Mekong, phù sa phiêu bạt là cuốn sách thứ 5 của Khải Đơn nhưng là cuốn sách đầu tiên về du ký. |
Trong cuốn sách này, Khải Đơn không tham vọng chuyển tải những quan điểm mang tính “đại tự sự” mà lặng lẽ với những chuyến du hành cá nhân đơn độc để kể câu chuyện những số phận: số phận một giới tuyến, một cây cầu hay một con người vô danh luân lạc...
Là tác giả của hai cuốn sách du ký từng xuất bản, theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Tập, ngoài những điều thú vị, hấp dẫn mà một cuốn du ký của Khải Đơn mang lại, điều đọng lại trong anh cũng như độc giả của cuốn sách này chính là những mảnh đời trôi nổi.
Những con người bình thường, những cảnh sống trôi nổi, những sinh phần buồn bã, lãng quên được lưu giữ lại trên trang viết của Khải Đơn có sức lấp lánh như những hạt phù sa lang thang mà dự phần làm nên cuộc sống lớn lao của Mekong, dòng sông có một lịch sử, một thực tại đặc biệt, một tương lai bất định.
Ở Campuchia, đó là những đứa bé nhà quê nghèo đói lên thành phố phục vụ tình dục cho khách Tây thích tìm “của lạ”. Ở Thái Lan, đó là những phận người hoang mang đi tìm lại bản dạng giới… Ở Việt Nam, là những con người miền Tây chân chất, mộc mạc và giàu nghĩa tình như vợ chồng anh Lý ở An Giang.
Theo Khải Đơn, điểm chung ở năm quốc gia có dòng Mekong chảy qua chính là hệ sinh thái đã bị phá vỡ, dẫn đến cuộc sống của con người ở những vùng đất đó cũng bị thay đổi mạnh mẽ.
Nhất là khi thượng nguồn sông Mekong bị tác động bằng việc xây thủy điện, thì ở hạ nguồn lại bị nhiễm mặn. Hình ảnh “phù sa” mà Khải Đơn đặt làm tên sách vừa mang nghĩa đen nhưng nó cũng là một ẩn dụ về những con người đang sinh sống nhờ vào sông Mekong.
“Đã không còn là hạt phù sa tan rã, mọc lên thành một cái cây như người ta nói trước đây. Thân phận hạt phù sa hiện nay đã thay đổi. Sự thay đổi diễn ra một cách âm thầm nhưng nó rất bất định. Có những thay đổi diễn ra một cách rất nhanh”, Khải Đơn cho biết.
Tác giả Khải Đơn kí tặng sách cho bạn đọc. |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ này chính là “cơn lũ” du lịch. Khải Đơn cho biết: “Chỉ nhìn ở Phnom Pênh, du lịch có thể thay đổi nhân phẩm, tư cách, giá trị, văn hóa của con người. Các cô gái 15, 16 tuổi lên Phnom Pênh, đầu tiên là đi quét dọn ở các quán bar, nhà hàng, sau đó một số bạn trở thành gái điếm. Bởi vì họ không có sinh kế khác vì họ đã bị phá vỡ hệ sinh thái nơi họ được sinh ra. Họ cần tiền để sống”.
Du lịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến hệ sinh thái của các quốc gia đó. Chính vì vậy, thông qua những câu chuyện thực tế ở Lào, Campuchia, Thái Lan… Khải Đơn mong muốn cộng đồng có ý thức trong quá trình đi du lịch, để không tác động hay làm phá vỡ hệ sinh thái ở những vùng đất mà mình ghé qua.
Mặc dù cuốn sách Mekong, phù sa phiêu bạt được tác giả thực hiện từ những trải nghiệm trong suốt 10 năm lang bạt qua các vùng đất của Đông Nam Á; tuy nhiên, những cảm xúc mà Khải Đơn gửi gắm trong các trang sách vẫn còn nóng hổi và tươi mới.
Để làm được điều này, theo chia sẻ của Khải Đơn là nhờ vào thói quen ghi chép mỗi ngày khoảng 500 đến 1.000 chữ. “Khi làm bản thảo, tôi sẽ đọc lại hết những tư liệu đã viết và tổ chức lại bản thảo. Nhờ vậy mà không bị mất đi phần ký ức đã có, đồng thời bổ sung thêm những góc nhìn mới so với trước đây”, Khải Đơn chia sẻ.