Tuổi đời vài năm đến chục năm, nhiều hiệu sách độc lập, quy mô nhỏ vẫn đang nỗ lực rất nhiều để giữ được chỗ đứng trong lòng độc giả. Sáng lập và điều hành những hiệu sách này, đều là những độc giả tâm huyết và mong muốn chia sẻ tình yêu sách của mình cùng những người khác.
Hiệu sách bên bờ ruộng
Hoạt động từ năm 2014, đến nay Kafka bookstore (hiệu sách Kafka) đã tròn 10 năm tuổi. Kakfa ra đời ở TP.HCM và nhiều lần chuyển nhà qua khắp các địa chỉ khác nhau của Sài thành.
Chị Thuận - người sáng lập hiệu sách - kể rằng năm 2021 chị về quê rồi kẹt lại 6 tháng do dịch. Vì nhiều thay đổi mà phải trả mặt bằng thuê ở TP.HCM, không còn nơi nương tựa nên dù không cố tình nhưng hiệu sách "trôi về" Trà Vinh - cách nơi "khai sinh" ba giờ đồng hồ lái xe.
Một góc chụp các không gian hiệu sách Kafka ở Trà Vinh. Ảnh: NVCC. |
Chị chia sẻ vui rằng Kakfa "bị đá từ bờ kè sang bờ ruộng". Chị nói: "Cái tên Kafka ban đầu vốn lấy từ tựa sách Kafka bên bờ biển, trở thành Kafka bên bờ kè và bây giờ Kafka bên bờ ruộng. Không biết đến một lúc nào thì mới có thể thành Kafka bên bờ biển thực sự".
Chia sẻ về Basi - miền quê "nhỏ xíu", tìm kiếm đường đi trên Google maps cũng khó khăn mà Kafka lựa chọn dừng chân, chị Thuận nói: "Ở đây ít người đọc, trẻ con không thích đi học, nhiều em không biết đọc, có thể nói văn hóa đọc nơi đây gần như là vùng trắng". Kafka không còn tổ chức được những hoạt động đọc chuyên sâu như khi ở TP.HCM.
Song luôn luôn giữ tôn chỉ ban đầu là "muốn mọi người đọc nhiều sách hơn, người đọc ít thì đọc nhiều hơn, người chưa đọc thì bắt đầu đọc và yêu thích việc đọc", Kafka nỗ lực nhiều cách: xây dựng nhóm bạn đọc bằng cách "lôi kéo, rủ rê" từ các trường học.
Chị Thuận thường đến đọc sách ở các trường trong huyện, xã, thỉnh thoảng là ở ao Bà Om, có bạn là khách du lịch đi theo ba mẹ, có bạn bán vé số, bán hàng rong. Đôi khi, chị ra công viên trung tâm Trà Vinh buổi chiều, để bàn sách ghi "Sách mượn đọc miễn phí", cũng thu hút được các bạn nhỏ đến tham gia đọc.
Chị Thuận (áo xanh trong ảnh trái và áo đen trong ảnh phải) trong hai buổi đọc sách cùng các em nhỏ. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, vì có thư viện nên một số học sinh cấp 3 từ các trường đến hiệu sách để đọc, mà theo chị Thuận nhận định là đối tượng người đọc mới của Kafka.
Đổi lại với khó khăn của việc xây dựng tệp người đọc, khách hàng, ở Basi, Trà Vinh là không gian hiền hòa, cây cối sum suê, con người thân thiện.
Chị Thuận tâm sự: "Nếu cho mình một điều ước, thì mình ước có thể biến nơi đây thành một ngôi làng sách hoặc sách cũ. Những khu mình chỉ thấy ở Pháp, ở châu Âu, những ngôi làng rất nhỏ, rất xa nhưng đủ thứ sách, mỗi nhà bán một kiểu sách, hoặc nơi nào đó như trong quyển Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki. Mình ước có thể biến vùng đất này thành điểm cho người yêu thích sách".
Chị chia sẻ nhiều "ước mơ" khác: được bán sách với giá bìa, được người mua ủng hộ, được làm địa chỉ review sách tin cậy của độc giả... Song chị tâm sự, đến nay mới chỉ làm được hơn một nửa những kỳ vọng này.
Là địa chỉ phân phối của nhiều đơn vị xuất bản độc lập, quy mô nhỏ, chị Thuận cho biết bản thân mình cũng từng có tham vọng trở thành đơn vị phát hành, giới thiệu sách cho tác giả mới, kết nối người đọc với nhau. Hiện chị đang phải tạm gác tham vọng đó, nhưng nó không mất đi.
Có thể không ở thành phố, nhưng ngày nào đó trong không gian khu vườn, miền quê tổ chức hoạt động thi vị kết hợp du lịch, tham quan, khám phá và cùng nghe giới thiệu về một cuốn sách mới hoặc một tác giả mới, chị vẫn ấp ủ tham vọng này.
Hiệu sách ra đời vì những 'ước gì' thường nhật
Kể về lý do ra đời của hiệu sách Vịt, chị Tâm - chủ hiệu sách tâm sự rằng "không có một lý do rất lớn nào cả. Đơn giản đó chỉ là tập hợp của những mong muốn nho nhỏ và mình mở một hiệu sách để thoả mãn những 'ước gì' thường nhật đấy".
Chị Thành Tâm bên tổ chim đựng sách miễn phí của hiệu sách Vịt. Ảnh: Ánh Hoàng. |
Bản thân là một người mẹ, chị mong muốn có một không gian để khiến con mình hứng thú với việc đọc hơn (chị có hai bé 7 tuổi, 9 tuổi). Ở tư cách một độc giả, hiệu sách ra đời cũng để chị "thoả mãn việc thích sách", muốn lúc nào cũng được đọc đủ thể loại của mình. Một lý do nữa, là khi đã chán công việc cũ thì chị tìm một điều mới mẻ khiến mình hứng thú hơn.
Đến nay sau hai năm làm chủ hiệu sách, so với công việc trước đây, chị Tâm thấy vui hơn nhiều vì được gặp nhiều người thú vị, được mua sách mới, đọc sách liên tục. Chủ hiệu sách Vịt ngay từ đầu đã chấp nhận lựa chọn mở hiệu sách là một việc "nghèo" và "khó", nhưng vẫn dấn thân để làm cho thỏa những mong ước bấy lâu.
Chủ hiệu sách Sen Bookstore Duy Thức chia sẻ về mối duyên tình cờ đưa anh đến với việc bán sách: vì mua sách nhiều nên được để giá rẻ, thử đăng bán thì lại có người mua, theo dõi trang. Dù bán online có nhiều lợi thế để tiết kiệm chi phí, song Sen Bookstore cũng duy trì một phòng đọc là phòng riêng tại nhà cá nhân để người mua đến xem trực tiếp và dự định sắp tới tìm một không gian rộng rãi, thoáng đãng hơn trong khả năng.
Từ tình yêu với sách, Duy Thức đã có hiệu sách nhỏ của riêng mình, từng bước xây dựng cộng đồng đọc đồng hành cùng hiệu sách nhờ tệp khách quen và các hoạt động như bookclub.
Linh - đại diện truyền thông của Quest bookstore - cho biết hiệu sách ra đời với mong muốn tạo một điểm đến văn hóa thân thiện với đông đảo bạn đọc, phục vụ nhu cầu muốn tìm đến những cuốn sách chất lượng, đa dạng, trong một không gian đẹp. Do đó khi lựa chọn đầu sách giới thiệu đến khách hàng, Quest không bó hẹp trong thể loại hay đề tài mà chú trọng tìm kiếm chất lượng trong cả nội dung và hình thức của sách.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.