Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỗi hiệu sách là một điểm đến văn hóa

Khi thương mại điện tử bùng nổ, các hiệu sách bắt đầu chuyển hướng tập trung vào xây dựng văn hóa cộng đồng để tạo ra thế mạnh và gia tăng thị phần.

hieu sach anh 1

Một gian sách tại NP Bookstore.

Nếu một hiệu sách chỉ gắn liền với việc kinh doanh đơn thuần, họ không thể tránh khỏi những thách thức khi cạnh tranh trên thị trường. Những hiệu sách nhỏ lẻ này chỉ như một sinh vật nhỏ trong một bể cá lớn với những tên như Fahasa, Phương Nam, Đinh Tị… Chính vì vậy, bên cạnh tìm ra những ngách lẻ về thị phần, người sáng lập còn tiếp cận với mô hình hiệu sách mới.

Mô hình bookhub

Bookhub là một khái niệm được mượn từ ngành công nghệ thông tin và logistics. Từ “hub” ban đầu để nói về một trung tâm kết nối, dữ liệu được truyền thông qua đây và tạo ra các bản sao. Sau đó, từ từ “hub” được sử dụng trong cụm “hub and spoke” để chỉ mô hình chuỗi cung ứng trong ngành logistics. Hub được coi là một trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của một khu vực, chẳng hạn sân bay Nội Bài là một hub chính trong vận tải hàng không, đây còn là cảng căn cứ để bảo dưỡng máy bay.

Từ “hub” còn có thể được mượn trong lĩnh vực xuất bản, bookhub là một từ ghép được sáng tạo ra dùng để chỉ các hiệu sách được coi như một điểm đến về văn hóa. Tại nơi những người sáng lập không chỉ kinh doanh sách đơn thuần, họ tổ chức các chương trình hoạt động dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tìm đến. Họ có định vị gu sách riêng cũng như tạo ra một số ảnh hưởng về phong cách sống.

hieu sach anh 2

Không gian đọc sách của NP Bookstore. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

NP Bookstore là một hiệu sách như vậy, được thành lập từ tháng 9/2022. “Tiệm sách được chia thành hai không gian. Không gian vật lý là cơ sở vật chất. Không gian tinh thần là hoạt động văn hóa theo tháng, giao lưu, thảo luận về các văn hóa phẩm, trò chuyện theo chủ đề. Doanh thu của đơn vị hướng tới việc cân bằng cả hai không gian trên”, Đinh Tử Minh Châu, đại diện NP Bookstore cho biết.

Từ chia sẻ của Minh Châu, có thể nhận thấy rõ định hướng của tiệm sách sẽ xây dựng một bookhub, đi kèm với việc sách là tham gia kiến tạo văn hóa và hình thành cộng đồng thực hành đọc-nghe. Nhờ mô hình này, NP Bookstore đã có thể duy trì được hiệu sách trong gần hai năm với doanh thu ở mức tốt.

Sen Bookstore cũng là một hiệu sách cố gắng để theo đuổi mô hình bookhub này. “Bên cạnh việc kinh doanh online, chúng mình cũng hứng tới việc xây dựng cộng đồng đọc, chẳng hạn mở một book club. Tiệm cũng mở được 3-4 năm rồi, tuy nhiên không gian hiện tại vẫn còn khá hạn chế để tổ chức các hoạt động trực tiếp”, Lê Duy Thức, Founder Sen Bookstore cho biết.

Từ hai ví dụ trên, có thể thấy việc xây dựng các tiệm sách nhỏ lẻ đang sử dụng chung một cách thức để định vị thương hiệu, thế mạnh của bản thân. Từ đó, họ tạo ra sức cạnh tranh với các chuỗi nhà sách lớn và định vị thương hiệu khi thương mại điện tử bùng nổ.

Tiến vào thị trường ngách

Bên cạnh các hoạt động xây dựng văn hóa cộng đồng, các hiệu sách vẫn phải chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, đó là sách. Các hiệu sách nhỏ lẻ thường đi vào những thị trường ngách như sách ngoại văn, sách tranh (artbook), sách nghiên cứu, tập hợp tiểu luận, phê bình.

Theo chia sẻ từ Sen Bookstore, tiệm tập trung nhiều vào các dòng sách ngoại văn của Nhật và Pháp. Tiềm năng của dòng ngoại văn này tại Việt Nam là có và mỗi nền xuất bản của một nước lại có đặc trưng riêng khác nhau và phù hợp với các tệp khách hàng cụ thể. “Lượng độc giả của sách ngoại văn Nhật, Pháp ngày càng tăng, gu sách của bạn đọc thế hệ mới hiện tại rất đa dạng vì vậy thị trường cũng cần linh hoạt theo”, Duy Thức cho biết.

hieu sach anh 3

Dòng sách ngoại văn thường thấy ở các nhà sách nhỏ lẻ.

Dòng sách ngoại văn không chỉ dừng lại ở các cuốn tiểu thuyết hay nghiên cứu, sách tranh tại nước ngoài cũng rất phát triển. Đây có thể là artbook của các nghệ sĩ độc lập, sách tranh minh họa thường thức khoa học, sách tranh theo dạng từ điển sinh thực vật… Với công nghệ in ấn hiện đại, sách tranh nước ngoài có một chất lượng khá tốt. Giá cả của chúng dao động từ 400.000 cho đến 800.000 đồng. Một số cuốn artbook có giá trị cao còn nằm ở mục đích sưu tầm.

Dòng sách này cũng hướng tới tệp khách hàng cụ thể hơn, họ có chung sở thích, công việc liên quan tới các lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế. Vì vậy, các nhà sách nhỏ lẻ theo đuổi những ngách riêng này đã có sẵn thế mạnh cạnh tranh. Tuy nhiên, do quy mô thị trường nhỏ nên các hiệu sách cũng bị giới hạn lại tiềm năng phát triển.

Dù vậy, nhìn từ một góc độ tổng thể, các hiệu sách với sư đa dạng trong phong cách này có thể giúp Hà Nội tạo nên một diện mạo của thành phố văn học, thành phố sách giống với những nước trước đó từng khai thác như Malaysia, Australia.

Những tiệm sách thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa bản địa (được xây dựng trong các khu tập thể, chung cư, cách bài trí mang đậm tính Việt Nam) với những hoạt động hướng về chủ đề quốc tế và văn hóa phẩm từ nhiều nước khác nhau. Vì vậy, dù là khách nội địa hay du khách nước ngoài cũng có thể trải nghiệm các không gian này. Một tour du lịch văn hóa xoay quanh không gian sách có lẽ không phải là một ý tưởng xa vời.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bài liên quan

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm