Cụ thể, trên một số diễn đàn hàng không và du lịch, nhiều hành khách cho hay khi đặt vé của hãng hàng không quốc gia đã truy cập vào website giả với tên miền và giao diện gần như tương tự trang chủ của Vietnam Airlines. Điển hình là trường hợp địa chỉ www.vietnamairslines.com, thêm ký tự "s" vào giữa từ "airlines" để gây nhầm lẫn.
Giao diện của các địa chỉ lừa đảo này cũng được thiết kế tương tự như giao diện đặt vé của Vietnam Airlines, thậm chí sử dụng bộ nhận diện thương hiệu của hãng bay. Các trang giả mạo còn chi tiền để có được vị trí đẹp khi xuất hiện trong kết quả tìm kiếm google với các từ khóa như "vietnamairlines" hay "vietnam airlines".
Sau khi thực hiện giao dịch mua vé trên các địa chỉ giả mạo, hành khách vẫn nhận được mã đặt chỗ giả và khi kiểm tra trên hệ thống của Vietnam Airlines sẽ không có thông tin đặt chỗ.
Nguồn tin của Zing tại Vietnam Airlines cho biết doanh nghiệp đang làm việc với cơ quan chức năng để xử lý 4 địa chỉ giả trang chủ hãng bay nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Hãng cũng khuyến nghị hành khách chỉ đặt vé trực tuyến tại website www.vietnamairlines.com, ứng dụng di động Vietnam Airlines cũng như kiểm tra kỹ tên miền để tránh các địa chỉ giả mạo.
Giao diện của địa chỉ giả trang chủ Vietnam Airlines nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. |
Trước đó vào tháng 7, nhiều người có nhu cầu trở về Việt Nam trong mùa dịch trên những chuyến bay đón công dân theo chủ chương của Chính phủ đã nhận được thư điện tử lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền vé máy bay.
Cụ thể, các đối tượng thường giả mạo hãng hàng không hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại để gửi thư tới công dân có nhu cầu. Nội dung thư nói về việc công dân đã may mắn nằm trong nhóm được lựa chọn ưu tiên để chuyên chở về Việt Nam trên chuyến bay thương mại nhằm đón công dân về nước tránh dịch.
Thư điện tử lừa đảo còn kèm theo mã hiệu chuyến bay (không chính xác), chặng bay và giờ bay (không có thật) cùng giá vé và thông tin chuyển khoản để công dân thực hiện thanh toán, đặt chỗ.
Tuy nhiên, thông tin thanh toán trong thư điện tử lại thường là tài khoản ngân hàng cá nhân ở Việt Nam với mục đích chiếm đoạt tiền đặt vé. Giá vé ảo mà các đối tượng đề cập trong thư lừa đảo thường rơi vào khoảng 10-20 triệu đồng và yêu cầu hành khách phải gửi ngay trong 3 ngày để giữ chỗ trên chuyến bay.