Cảng hàng không Điện Biên được quy hoạch đến năm 2030 với quy mô cấp 3C, công suất 2 triệu hành khách/năm. Sân bay này có đường cất hạ cánh ngắn nên chỉ khai thác được tàu bay ATR-72 và tương đương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ACV đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trên toàn quốc, trong đó có Cảng hàng không Điện Biên. ACV có trách nhiệm tính toán hiệu quả khai thác tổng thể hệ thống cảng hàng không, thực hiện đầu tư, quản lý bảo đảm lợi ích cao nhất.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, ACV là doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, thống nhất giao ACV thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hiệu quả tổng thể của hệ thống hạ tầng hàng không do ACV quản lý.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án mở rộng sân bay Điện Biên. Ảnh: ACV. |
ACV có trách nhiệm lập dự án đầu tư và trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, pháp luật về đầu tư xây dụng và pháp luật có liên quan.
Trước đó dự án đã vấp phải sự không đồng tình từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do thời gian hoàn vốn quá dài và cần đặt trong tổng thể cân đối nguồn lực của ACV cũng như thứ tự ưu tiên đầu tư sân bay.
Theo đề xuất của ACV, dự án sẽ bao gồm việc xây mới đường cất hạ cánh tại đây với kích thước 2400 x 45 m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo 1 vị trí đỗ ATR72 và 2 vị trí đỗ A320/A321.
Tại khu hàng không dân dụng, doanh nghiệp đề xuất trước mắt chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu mà chưa xây mới. Trên cơ sở quy mô dự kiến đầu tư (tính đồng bộ cả đường lăn, sân đỗ ôtô, hệ thống dẫn đường), tư vấn lập sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.539 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng).
Trong đó, chi phí đầu tư khu bay gần 1.000 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng hơn 256 tỷ đồng, số còn lại là chi phí dự phòng. Tổng mức đầu tư này giảm mạnh khoảng 3 lần so với mức 4.787 tỷ đồng mà ACV đề xuất với Bộ GTVT vào cuối năm 2019.