Lợi dụng việc nhiều người dân gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để lừa lấy thông tin cá nhân. Ảnh: Unsplash. |
Hai ngày cuối tuần vừa qua, bà Phạm Xuân Mai (Bình Phước) liên tục nhận được cuộc gọi từ đầu số lạ, yêu cầu tiến hành xác thực sinh trắc học trên ứng dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bà Mai cho biết ban đầu có người gọi cho bà, giới thiệu là nhân viên ngân hàng hỏi đã xác thực sinh trắc học hay chưa. Người này nói với bà Mai ngày 1/7 là hạn cuối cùng phải cập nhật khuôn mặt, chụp ảnh căn cước công dân (CCCD) để xác nhận dữ liệu.
Do chưa có nhu cầu, bà Mai tắt máy.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhiều số điện thoại khác liên tục gọi điện, yêu cầu kết bạn Zalo, chụp ảnh CCCD 2 mặt kèm thông tin cá nhân của bà Mai để hỗ trợ xác thực sinh trắc học từ xa. Phải tới khi bà Mai nói sẽ tới trực tiếp chi nhánh ngân hàng ngay cạnh nhà, các cá nhân này mới không tiếp tục "khủng bố" điện thoại của bà.
Trên các diễn đàn liên quan dịch vụ ngân hàng, không ít khách hàng phản ánh tình trạng những ngày gần đây liên tục nhận được kết bạn Zalo của người lạ, yêu cầu chụp ảnh CCCD kèm các thông tin cá nhân để hỗ trợ xác thực sinh trắc học từ xa.
Thực tế, các cá nhân và số điện thoại này đều là tội phạm lừa đảo giả là nhân viên ngân hàng hỗ trợ người dân xác thực sinh trắc học, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản và chiếm đoạt tiền.
Trước tình trạng này, hàng loạt ngân hàng đã gửi thông báo tới khách hàng cho biết để cảnh báo. Theo đó, các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để liên hệ hỗ trợ, từ đó chiếm đoạt tài sản, thông tin của người dùng.
Agribank và Vietcombank cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học. Ảnh: Vietcombank, Agribank. |
Ngoài ảnh CCCD, ảnh khuôn mặt, kẻ gian còn yêu cầu khách gọi video để thu thập giọng nói, cử chỉ. Những thông tin này sau đó có thể được dùng để mạo danh, chiếm đoạt tài khoản hoặc sử dụng vào mục đích xấu khác.
Bên cạnh đó, kẻ gian cũng lập tài khoản dễ gây nhầm lẫn như "nhân viên ngân hàng", "hỗ trợ khách hàng"... và trà trộn tương tác dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng nhằm dẫn dụ và lừa đảo. Thậm chí là đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.
Các ngân hàng khuyến nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng.
Khách hàng cũng tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Đại diện các ngân hàng cho biết hiện ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Messenger…) mà hầu hết gửi thông báo qua app banking chính thức của ngân hàng.
Nguyên nhân là khâu xác thực bằng khuôn mặt chỉ có chính chủ mới thực hiện được, do đó nhân viên ngân hàng không thể hỗ trợ từ xa. Nếu không tự thao tác được tại nhà, người dân phải đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.