Trong phiên giao dịch ngày 6/1, giá vàng giao ngay trên sàn New York có lúc vọt lên 1.870 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 6, rồi kết thúc phiên ở 1.865,7 USD/ounce. Như vậy, giá của mỗi ounce vàng đã tăng 32,5 USD so với phiên liền trước.
Kim loại quý hưởng lợi khi đồng USD suy yếu. Theo Trading Economics, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã rơi từ mức cao nhất một tháng (105,6 điểm) xuống dưới ngưỡng 104 điểm.
Giới quan sát tin rằng các dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Và điều này có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất, vốn sẽ thúc đẩy USD và giáng đòn lên những tài sản như vàng, dầu.
Giá vàng chạm ngưỡng 1.870 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 6/1 tại Mỹ. Ảnh: Kitco.com. |
Cao nhất 7 tháng
"Giá vàng đã bước vào xu hướng tăng từ khi báo cáo việc làm tại Mỹ chuẩn bị được công bố", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh - nhận định với Zing. Theo báo cáo vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 6/1, nền kinh tế Mỹ có thêm 223.000 việc làm trong tháng 12/2022, thấp hơn mức tăng 256.000 việc làm vào tháng 11. Đây cũng là mức tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm.
Thu nhập của người Mỹ cũng đang giảm tốc tăng trưởng. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,3% so với tháng trước và 4,6% so với năm trước. Trong tháng 11, 2 mức tăng này lần lượt là 0,4% và 4,8%. Điều này làm giảm bớt mối lo ngại về vòng xoáy lạm phát - tiền lương.
Vòng xoáy lạm phát - tiền lương xảy ra khi người lao động muốn một mức lương cao hơn để trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời kỳ lạm phát. Các doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Do đó, họ sẽ cần tăng giá để bù đắp chi phí.
Vàng thường được coi là tài sản trú ẩn trong thời kỳ lạm phát. Nhưng giờ, việc Fed quyết liệt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát sẽ tạo sức ép lên thị trường kim loại quý. Ảnh: Reuters. |
Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để kìm hãm lạm phát. Trong năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành lên 4,25-4,5%.
Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất có thể cởi bỏ áp lực cho thị trường kim loại quý. Bởi lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao sẽ đè nặng lên các thị trường hàng hóa như vàng. Chúng làm chi phí vốn và chi phí cơ hội của những khoản đầu tư này tăng lên.
Hơn nữa, giá vàng thường biến động trái chiều USD. Khi sức mua của đồng bạc xanh tăng lên, số USD cần thiết để mua vàng cũng giảm đi.
Diễn biến khó đoán
Tháng trước, ông Eric Strand - quản lý tại AuAg ESG Gold Mining ETF - cho rằng giá vàng sẽ thiết lập kỷ lục mới trong năm nay. Theo ông, giá kim loại quý có thể xuyên thủng ngưỡng 2.100 USD/ounce và bắt đầu một "thị trường tăng trưởng mới".
"Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ chuyển hướng trong việc tăng lãi suất và trở nên ôn hòa hơn vào năm nay. Điều này sẽ giúp thị trường vàng bùng nổ trong nhiều năm tới", ông dự báo.
Tuy nhiên, nói với Zing, chuyên gia Erlam cho rằng vàng dễ tổn thương trước bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt.
Biên bản cuộc họp gần nhất của Fed cho thấy lập trường chính sách thắt chặt sẽ được duy trì đến khi các dữ liệu chỉ ra "lạm phát đang giảm bền vững về 2%".
"Với lạm phát ở mức cao và dai dẳng không thể chấp nhận, một số quan chức tham gia cuộc họp cho rằng lịch sử đã cảnh báo về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm", biên bản viết.
Các quan chức Fed cho biết sẽ tập trung vào dữ liệu và nhận thấy "sự cần thiết phải duy trì tính linh hoạt" của chính sách.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...