Trở lại với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh trong lần đọc thứ hai sau ngót 30 năm kể từ khi cuốn sách ra đời, vào mở đầu thập niên 1990, đó là thời gian kiểm chứng ý nghĩa và giá trị của một cuộc sinh nở vất vả, nhưng để có một sinh thể văn chương giàu nội lực, vượt qua các giá trị dân tộc mà vươn ra tầm nhân loại, nói cách khác, để đề cập những vấn đề cả dân tộc và nhân loại cùng quan tâm.
Còn với tôi, trong cả hai lần đọc, đây là cuốn tiểu thuyết ít giống với các tiểu thuyết khác không chỉ ở chỗ không thể kể lại một cách mạch lạc, vì không có cốt, không có truyện, cũng không thể dừng lại ở một nhân vật nào, gồm cả anh chiến sĩ trinh sát có tên Kiên thời chiến đến anh nhà văn phường ở tuổi ngoài 40 trở về với đời thường ở một chung cư, sống cô đơn, lủi thủi với những ký ức về người thân đã khuất hoặc đi xa.
Không có cốt, không có truyện mà là những ký ức đan xen; không có nhân vật chính hoặc phụ mà chỉ có các mối quan hệ bền lâu hoặc bất chợt, thế mà gần như cuộc sống trong cả một thời chiến tranh và hòa bình hơn hai mươi năm, cùng cuộc sống trên cả chiến trường và hậu phương trải dài trên cả hai miền Bắc và Nam lại vẫn cứ hiện lên thật rõ nét và xiết bao là ám ảnh.
Sách Nỗi buồn chiến tranh. Ảnh: Trần Thị Thanh Tuyên. |
Ám ảnh, đó là phẩm chất và là giá trị cơ bản, xuyên suốt trong Nỗi buồn chiến tranh. Và, với chiến tranh, ám ảnh đầu tiên là những cái chết. Có quá nhiều cái chết ở cuốn sách mang tên nỗi buồn… và thân phận… này (còn nhớ có một thời dài, văn học viết về chiến tranh của chúng ta rất e ngại, và kiêng kị nói đến cái chết).
Những cái chết không giống nhau, dẫu chúng ta thường quen nói: Chết là hết! Cái chết của người lính giáp mặt với kẻ thù. Cái chết của anh lính vì quá thương mẹ, mà “đào ngũ” tìm đường ra. Cái chết của cô giao liên nhận phần hy sinh về mình cho đồng đội thoát hiểm. Cái chết của cả một đơn vị nữ thanh niên xung phong đang an lành bỗng bị thám báo xộc tới. Cái chết của cả một đơn vị thám báo phải trả món nợ thảm khốc do chúng gây ra…
Những cái chết ở khắp các thời điểm: 1968, 1972 và 1975. Những cái chết trên nhiều địa chỉ: Chiến trường B3, Hồ Cá Sấu, Truông Gọi Hồn, sân bay Tân Sơn Nhất. Sau cái chết là xâu chuỗi những đau thương và căm giận, là dây chuyền những kết nối tiền tuyến và hậu phương…
Sau ám ảnh của cái chết, cùng những thương đau tột cùng của nó là ám ảnh về tình yêu, với những cuộc tình và những số phận, dẫu ngắn hoặc dài, thoáng qua hoặc bền lâu, tất cả vẫn vẹn nguyên trong ký ức nhân vật chính, và từ nhân vật mà tỏa lan, truyền dẫn sang người đọc là chúng ta.
Đó là Hạnh, người cùng chung cư với Kiên, cùng có chung tiếp xúc giới tính đầu đời trong căn hầm trú ẩn. Là Lan nơi Đồi Mơ - Nhã Nam, nối dài ngày ra quân vào chiến trường của anh tân binh với ngày trở về với nỗi cô đơn trong hoang lạnh của cả hai.
Là Hiền - nữ thương binh với đôi nạng gỗ trên chuyến tàu ra Bắc nằm chung võng, và cuộc chia tay ở ga Nam Định, không hẹn ngày gặp lại.
Là Vĩnh, một gái bán hoa - lại là cô em gái của một đồng đội.
Và xuyên suốt là Phương, với cuộc tình nối dài từ tuổi hoa nên đến người lính dạn dày trận mạc từ chiến trường về cùng bao là u uẩn, khắc khoải trong mọi khoảng cách không gian, thời gian. Một tình yêu trong chiến tranh với tất cả các góc khuất và mọi thử thách tận cùng của nó.
Ám ảnh của ám ảnh - là một nỗi buồn triền miên ngấm vào từng cảnh ngộ, từng thân phận con người. Không chỉ trong chiến tranh mà sau chiến tranh, trong chiêm nghiệm của nhân vật, từ chàng trai ở tuổi 18 phải rời ghế nhà trường cho đến anh chỉ huy trinh sát duy nhất còn sống sót ở Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975 trên chuyến tàu ra Bắc, rồi trở về căn hộ chung cư cũ với mọi thứ đều đã thay đổi.
Tất cả, tất cả rồi sẽ là nguyên cớ khiến anh phải cầm bút để làm sống lại tất cả những gì được kết đọng trong tâm trí; và với tâm nguyện đó, anh phải trở thành nhà văn.. phường, nó sẽ là thiên chức của anh, là cách anh trả lại cho đời những gì đời đã cho anh trong mọi vinh - nhục, được - mất của nó.
Nếu ám ảnh - ám ảnh chiến tranh, ám ảnh của cái chết, ám ảnh tình yêu, ám ảnh về những phận người, ám ảnh của nỗi buồn - trở thành một áp lực lớn khiến người viết và người đọc khó có thể thoát ra được, thì sự thanh lọc lại là phương thức, hoặc hệ quả mầu nhiệm khiến tác giả và chúng ta cùng tìm đến được một giá trị mới, có tác dụng gột rửa và đem lại được sự bằng an cho suy ngẫm và cho tâm hồn.
Tôi muốn nói đến cái mà chỉ những giá trị văn chương đích thực mới có thể tạo được. Chính cái đó, giá trị thanh lọc và tẩy rửa mới là cái làm cho Nỗi buồn chiến tranh tìm được lẽ tồn tại và sự sống đích thực trong lòng người, ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời nào.
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Văn có văn, hoặc văn có hồn, có hồn cốt là động cựa của sự sống, đó là điều bất cứ người viết văn nào cũng mong muốn. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện. Tôi nhớ lần đầu tiên, ở tuổi học tiểu học, được bố mượn sách cho đọc, và chỉ đọc một hai lần tôi đã thuộc ngay những trích đoạn văn của Khái Hưng trong Hồn bướm mơ tiên, và Thạch Lam trong Gió đầu mùa. Rồi cứ thế là Quê mẹ của Thanh Tịnh, Chân trời cũ của Hồ Dzếnh…
Sau hai phần ba thế kỷ, đến với văn thời hiện đại với rất nhiều tên tuổi mới, những người có ý thức về văn đương nhiên là có nhiều hơn, hoặc rất nhiều, nhưng không phải tất cả ai ai cũng đến được cái đích có văn. Tôi muốn chia sẻ và chia vui với Bảo Ninh, bởi với tôi, Bảo Ninh là người có ý thức đó, và đã đến được mục tiêu đó, ít nhất là ở cuốn tiểu thuyết này.
Sự nghiệp viết của Bảo Ninh đến nay đã có hơn 30 năm. Cùng với Nỗi buồn chiến tranh anh còn có nhiều chục truyện ngắn và bút ký, tiểu luận, in trên các báo và trong: Bảo Ninh -Những truyện ngắn (NXB Trẻ; 2013; 567 trang) và Tạp bút Bảo Ninh (NXB Trẻ; 2015; 441 trang).
Rất cần một cuộc đọc mới để đi vào thế giới này, và tôi rất tin “ở trong còn lắm điều hay”. Nhưng cái gì được nói hết sẽ dễ gây chán: “Bí quyết làm cho người ta chán là nói rốt ráo, nói tất cả” - tout à dire, như một phương ngôn Pháp.
Với khu vực mới này, tôi tự hẹn sẽ dành một dịp khác. Và chăng, mỗi nhà văn, để có được một “thương hiệu” riêng cho mình, lắm khi lại chỉ con có một là đủ mà không cần nhiều hơn hoặc tất cả. Nói Nam Cao ta nói Chí Phèo. Nói Vũ Trọng Phụng ta nói Số đỏ. Nói Nguyễn Tuân là nói Vang bóng một thời… Như vậy, với Bảo Ninh, chỉ cần nói Nỗi buồn chiến tranh là đã đủ.