Theo nhà báo Anjani Trivedi của Bloomberg, giá của tất cả thành phần được sử dụng để sản xuất xe đang tăng lên. Nguyên liệu thô - từ thép dùng cho thân xe, các bộ phận bánh răng và khung, đến nhựa trong thanh cản và tay nắm cửa bên trong - chiếm phần lớn chi phí sản xuất xe.
Thêm vào đó là chi phí nhân công, hậu cần, áp lực đầu tư vào công nghệ mới và lạm phát gia tăng. Các nhà sản xuất ôtô đã thu khoản lời lớn trong vài tháng qua. Nhưng giờ đây, họ phải đối mặt với một thực tại rất khác.
Bất chấp những lo ngại về tình trạng thiếu các bộ phận khác nhau, bao gồm chip, những nhà sản xuất xe vẫn làm hài lòng cổ đông trong vài tháng qua. "Họ thông minh và nhanh nhẹn khác thường khi tận dụng sự mất cân bằng của nền kinh tế", nhà báo Anjani Trivedi bình luận.
Tình trạng thiếu hụt chip ngày càng trầm trọng trên toàn cầu khiến nguồn cung ôtô sụt giảm mạnh. Ảnh: Wall Street Journal. |
Nguồn cung lao dốc
Ngay cả khi những nhà máy ngừng hoạt động, các hãng xe trên toàn cầu vẫn công bố kết quả khả quan trong quý I/2021. Họ sản xuất ít xe hơn nhưng thu được lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, đó vẫn là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Trong kết quả mới nhất, các tên tuổi lớn - bao gồm Toyota Motor Corp và Ford Motor - cho biết sẽ sản xuất ít xe hơn trong năm 2021 vì tình trạng thiếu hụt chip ngày càng trầm trọng.
Đến nay, tình trạng thiếu hụt chip đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của hàng chục nhà máy ôtô tại Mỹ. Nhiều nhà máy phải đóng cửa trong nhiều tháng. Một phát ngôn viên của Ford tiết lộ hồi cuối tháng 3, có đến hơn 20.000 chiếc xe được đỗ gần các nhà máy của công ty để chờ chip.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions, các nhà sản xuất ôtô buộc phải cắt giảm hơn 1,2 triệu xe ở Bắc Mỹ do không đủ chip để sử dụng cho hệ thống an toàn, phanh và động cơ. Con số được ước tính sẽ lên đến 4 triệu xe trong cả năm nay.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip khiến ngành công nghiệp sản xuất ôtô trên toàn cầu lao đao. |
Theo công ty nghiên cứu Wards Intelligence, tính đến cuối tháng 4, các đại lý bán ôtô chỉ có dưới 2 triệu xe, chỉ bằng một nửa mức bình thường và thấp nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ.
Nhiều nhà sản xuất xe sẽ không thể nhanh chóng đối phó với chi phí tăng và sản lượng giảm. Bởi ngay từ đầu, ngành công nghiệp xe hơi đã có chi phí cố định cao. Các công ty cần thu về một số tiền nhất định để hòa vốn. Nếu sản lượng lao dốc quá nhanh, áp lực chi phí thậm chí còn tăng nhanh hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập.
Hãy tưởng tượng một nhà sản xuất ôtô với doanh thu 100 tỷ USD. Tập đoàn tư vấn Boston ước tính sản lượng tiêu thụ giảm 10% sẽ kéo tụt thu nhập trước lãi vay và thuế lên đến 40%. Đó là một kịch bản lạc quan, với giả định rằng công ty có thể loại bỏ tất cả chi phí biến đổi như nguyên liệu và nhân công. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, điều đó là không thể.
Giá tăng mạnh
Không nghi ngờ gì nữa, các nhà sản xuất ôtô sẽ giải quyết vấn đề chi phí tăng cao bằng cách giảm ưu đãi và chiết khấu đã sử dụng để thu hút khách hàng. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra ở những thị trường ôtô lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc. "Và các vị không thể cắt giảm mãi", bà Trivedi bình luận.
Tuy nhiên, các công ty còn rất ít lựa chọn đề bù đắp chi phí sản xuất leo thang. Khi giá cả tăng cao, người tiêu dùng sẽ không còn chi tiêu thoải mái. Chỉ số đo khả năng chi trả cho phương tiện giao thông của Mỹ đã giảm xuống. Điều đó cho thấy nhiều người bắt đầu đắn đo khi mua xe. Gần 40% khách hàng định mua ôtô đã bỏ ý định.
khách hàng buộc phải lựa chọn, hoặc là chấp nhận mua xe với giá cao, hoặc là không thể mua xe
- Nhà báo Anjani Trivedi của Bloomberg
Khi doanh số bán hàng chững lại, giá tiếp tục leo dốc, các nhà sản xuất ôtô có thể không còn tạo ra khoản lời mà họ đã đạt được trong vài tháng qua. Kết quả cũng không thay đổi ngay cả khi giá xe được giữ nguyên.
Do đó, khách hàng buộc phải lựa chọn, hoặc là chấp nhận mua xe với giá cao, hoặc là không thể mua xe. Ngay cả giá xe cũ cũng tăng mạnh. Nhiều người thậm chí không thể mua được chúng.
Một số đại lý thậm chí còn nài nỉ khách hàng trao đổi xe để tăng nguồn cung ôtô đã qua sử dụng. Vào tháng 4, một chiếc xe bán tải cũ được bán với giá cao hơn 78% so với một năm trước đó.
Đó là một cơ hội tốt dành cho những chủ xe như anh Zerin Dube. Anh Dube đang cân nhắc thay chiếc Jeep Wrangler và nhận thấy các cửa hàng bán xe cũ sẵn sàng trả cao hơn mức giá anh mua 3 năm về trước. "Vấn đề là rất khó để mua xe vào thời điểm này", anh Dube thừa nhận. Và anh đã quyết định giữ lại chiếc Jeep của mình.