Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và bài toán vaccine của Đài Loan

Nguồn cung chip cạn kiệt khiến các ngành công nghiệp từ sản xuất ôtô đến máy tính trên toàn cầu lao đao. Thế giới trông đợi vào Đài Loan, còn Đài Loan cần vaccine Covid-19.

Nguon cung chip anh 1

Theo Bloomberg, Đài Loan đang chật vật vì thiếu vaccine chống Covid-19. Sự gia tăng của các ca nhiễm mới có thể dẫn đến lệnh phong tỏa mới.

Sau khi vượt qua làn sóng Covid-19 đầu tiên, chính quyền Đài Loan một lần nữa đối mặt với tình trạng khẩn cấp sức khỏe. Đến nay, chỉ 1% dân số vùng lãnh thổ này được tiêm chủng. Điều đó có khả năng hủy hoại ngành công nghiệp chip đang thống trị nền kinh tế địa phương.

Đây cũng là tin xấu đối với toàn thế giới do nguồn cung chip ngày càng cạn kiệt. Khi Đài Loan từ chối vaccine Trung Quốc và chật vật trong việc tiêm chủng cho người dân, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đẩy mạnh đầu tư. Điều đó có thể triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của Đài Loan trong lĩnh vực chất bán dẫn về dài hạn.

Nguon cung chip anh 2

Trụ sở của TSMC - nhà cung cấp chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu thế giới - tại Đài Loan. Ảnh: Bloomberg.

Nguồn cung cạn kiệt

Hồi cuối năm 2020, tình trạng thiếu chip diễn ra từ ngành công nghiệp ôtô đến máy tính đã tạo đòn bẩy cho Đài Loan. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. - nhà cung cấp chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu thế giới - nắm giữ 56% thị phần sản xuất chip trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tình thế bị đảo ngược bất ngờ. Đại dịch trở lại vào đúng thời điểm hạn hán gây ra tình trạng cúp điện, dẫn đến bất ổn kinh tế Đài Loan và chỉ số chứng khoán lao dốc.

Trong khi đó, các chính quyền từ Mỹ, Nhật Bản đến châu Âu đang đẩy mạnh sản xuất chip trong nước. Trung Quốc cũng bơm hàng tỷ USD để cải tổ ngành bán dẫn sau khi Washington áp đặt những biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ chip.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đã quá phụ thuộc vào Đài Loan và Hàn Quốc. Chúng ta cần một chuỗi cung ứng toàn cầu cân bằng hơn", Bloomberg dẫn lời ông Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel Corp., nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhận định.

Theo ông Gelsinger, Mỹ và châu Âu nên "hành động quyết liệt hơn" để giảm "sự mất cân bằng", khi chất bán dẫn được sử dụng ở phương Tây chủ yếu được sản xuất tại châu Á.

Trong tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm việc với Đài Bắc và TSMC để giải quyết tình trạng thiếu chip. Tuy nhiên, Washington cũng tìm cách giảm phụ thuộc Đài Loan. TSMC hiện xây dựng một cơ sở sản xuất mới tại Mỹ.

Nguon cung chip anh 3

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip khiến các ngành công nghiệp từ sản xuất ôtô đến máy tính trên toàn cầu lao đao.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul và Tom Cotton kêu gọi chính quyền Mỹ hợp tác với Đài Loan để "giảm rủi ro những công ty Đài Loan cung cấp dịch vụ và công nghệ cho các thực thể đáng quan ngại", ngụ ý những công ty quốc doanh Trung Quốc có mối liên hệ với quân đội nước này.

Washington có thể chi khoảng 50 tỷ USD để phát triển sản xuất chip. Điều tương tự cũng diễn ra ở châu Âu và Hàn Quốc. Sức nóng đang đè nặng lên Đài Loan.

Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Đài Loan đang soạn thảo một danh sách kiểm soát xuất khẩu mới đối với các công nghệ được sử dụng trong quân sự. Danh sách nhằm hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc và tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm.

Chính quyền Đài Loan cũng cảnh giác hơn đối với khả năng doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường tuyển dụng kỹ sư Đài Loan. Nhà chức trách thảo luận về cách ngăn dòng chảy nhân tài ra khỏi Đài Loan.

Triệt tiêu lợi thế

Bộ Lao động chỉ đạo các trang web tuyển dụng gỡ bỏ tin tuyển dụng người Đài Loan làm việc cho Trung Quốc, nhất là trong ngành bán dẫn.

Các công ty tuyển dụng có thể bị phạt tới 500.000 TWD (17.900 USD) vì đăng tin tuyển dụng và 5 triệu TWD nếu tạo kiều kiện cho các kỹ sư địa phương làm việc với những công ty Trung Quốc ở đại lục.

Trang web việc làm 1111 cho biết họ đã xóa gần 3.000 thông báo tuyển dụng. Trong vòng 2 tháng qua, các cơ quan quản lý cũng tìm đến văn phòng địa phương của 4 công ty Trung Quốc - Bitmain Technologies Ltd - để điều tra cáo buộc tuyển dụng kỹ sư bất hợp pháp.

"Thông qua việc điều tra quyết liệt các công ty Trung Quốc muốn 'săn' kỹ sư Đài Loan, chúng tôi hy vọng có thể ngăn rò rỉ bí mật thương mại sang Trung Quốc", bà Judy Chen, phát ngôn viên của Văn phòng Công tố quận Tân Trúc, chia sẻ.

Chính quyền Đài Loan đang xem xét sửa đổi luật nhằm tăng cường hình phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Nhà lập pháp Chao Tien-lin đã đề nghị mức án chung thân cho những kẻ bị kết tội gián điệp kinh tế.

"Đài Loan cần giành được lòng tin từ các đối tác và ngăn Trung Quốc xây dựng chuỗi cung ứng từ những công nghệ đánh cắp", ông Chao khẳng định. Tuy nhiên, số phận của ngành công nghiệp Đài Loan vẫn bị đặt dấu hỏi vì tình trạng cúp điện và thiếu nước diện rộng tại nước này trong tháng 5.

Nguon cung chip anh 4

Hạn hán gây ra tình trạng cúp điện trên diện rộng tại Đài Loan. Ảnh: Bloomberg.

Theo nhà nghiên cứu Arisa Liu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, Đài Loan có thể khắc phục đợt bùng phát virus, tình trạng thiếu điện, nước và chứng minh rằng các công ty “vẫn đáp ứng nhu cầu toàn cầu bằng cách sản xuất chủ yếu ở Đài Loan mà không gặp vấn đề gì”.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều đó sẽ cần vaccine. Chủ tịch Shanghai Fosun Pharmaceutical, nhà phân phối vaccine BioNTech-Pfizer ở Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã rằng công ty sẵn sàng “sử dụng vaccine để phục vụ Đài Loan".

Tuy nhiên, việc Đài Loan có chấp nhận thỏa thuận vaccine từ Fosun hay không vẫn là một dấu hỏi. Theo ông Chunhuei Chi, Giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Đại học Oregon, nhiều quan chức Đài Loan thúc giục nhà chức trách "sử dụng vi mạch làm đòn bẩy vaccine".

"Nếu Mỹ lo ngại về nguồn cung chip từ TSMC, nước này có thể cung cấp vaccine cho Đài Loan để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn vì đại dịch bùng phát", ông nói thêm.

Tham vọng ôtô điện mờ ảo của đế chế bất động sản Trung Quốc

Dù gánh khoản nợ khổng lồ, China Evergrande Group - tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc - vẫn gây xôn xao khi tìm cách tấn công thị trường ôtô điện.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm