Sau hàng rào, có cả một gia đình cáo mới “dọn đến” ở bên dưới phần lối đi lát ván dọc bờ biển (boardwalk).
Nhiều tuần nay kể từ tháng 4, gia đình cáo này trở thành chủ đề “hot” ở Toronto, hơn cả virus. Họ truyền tai nhau về cáo mẹ, cáo bố, tranh luận xem liệu có 4 hay 5 con cáo con.
Có lúc, người tới xem còn bế chúng lên và cho ăn. Thợ ảnh đến “săn” cáo vào bình minh và hoàng hôn, khi có ánh vàng trải dài mà cả họ và cáo có vẻ đều thích thú. Gia đình cáo cũng trở thành chủ đề trên báo đài toàn quốc.
Lệnh giãn cách không ngăn được người dân Toronto nán lại ngắm cáo. Ảnh: New York Times. |
Cáo "vi phạm" lệnh giãn cách, nhưng được thành phố bảo vệ
Gia đình cáo trở thành niềm đam mê mới của cư dân Toronto. “Mọi người phải ở nhà 6-7 tuần nay và đây là điều phấn khích đầu tiên mà họ thấy, nên họ phát cuồng”, Erwin Buck, một giám đốc quảng cáo về hưu và chuyển sang chụp ảnh, nói với New York Times. “Tôi thấy một phụ nữ cố gắng chụp selfie có hình cáo làm nền”.
Các nhà thơ và triết gia ở Toronto nhân dịp này cũng chiêm nghiệm sâu hơn. Họ cho rằng cáo là động vật hoang dã, tự do, trong khi chúng ta phải ở nhà. Chúng đại diện cho sức sống mới, đẹp đẽ, trong khi chúng ta chỉ nghe tin chết chóc. Chúng là hy vọng giữa thời khó khăn này, theo New York Times.
Nhiều thú hoang trong thành phố bị cư dân coi là phá hoại, nhưng cáo thì không, vì chúng tránh né, kín đáo. Ảnh: New York Times. |
Hơn nữa, cáo cũng thích nghi rất tốt, sống được ở mọi môi trường. Trong văn học, chúng lại là những kẻ lừa gạt kinh điển, thoát được mọi tình huống.
“Chúng đầy sự can đảm, lanh lợi, mưu mẹo, và lúc nào cũng sống sót”, Al Moritz, nhà thơ ở Toronto, nói với New York Times.
Cáo tranh thủ tham quan khu phố mới dọn đến, thăm “hàng xóm”. Ảnh: New York Times. |
Dù sống sót được mọi nơi như vậy, gia đình cáo này lại chọn một đoạn ván đi lại bên bờ biển ở Toronto để “dọn đến ở”! Khi nhiều “fan” nán lại xem như vậy, liệu thành phố có đóng khu vực này lại, như từng làm ở khu vực High Park có hoa anh đào nở, hay chuyển gia đình cáo tới nơi khác?
Nhưng những điều đó không xảy ra.
“Chúng tôi muốn bảo vệ những con cáo này”, Mary Lou Leiher, quản lý tại sở phụ trách động vật của Toronto, cho biết. Luật của Toronto quy định rằng động vật hoang dã cần được bảo vệ, trừ khi chúng phá hoại tài sản tư nhân.
Vì vậy, thành phố dựng hàng rào. Sau đó, họ lại mở rộng khu rào từ chỗ lối đi ra bãi biển, tới tận chỗ nước lên. Thế là đàn cáo may mắn có được bãi biển nghỉ dưỡng riêng.
Hai con cáo con đang chơi bên ngoài “căn nhà” mới, dưới lối đi lát ván ở bãi biển Woodbine, Toronto. Ảnh: New York Times. |
Cáo biết lẩn trốn, kín đáo, vẫn "kiếm sống" được trong thành phố
Không lâu sau, Trung tâm Hoang dã Toronto, một nhóm NGO địa phương chuyên cứu trợ động vật hoang dã, cho biết họ lo ngại các con cáo sẽ quen dần với con người, có thể không tốt cho chúng. Nếu bắt đầu cào hay làm con người bị thương, chúng có thể bị thành phố an tử rồi xét nghiệm bệnh dại, theo bà Leiher.
Vì vậy tình nguyện viên của NGO trên lại dựng hàng rào cao hơn, che phủ bằng vải xanh lá cây, để các con cáo không tiếp xúc gần với người. Tình nguyện viên cũng đứng gác 16 tiếng một ngày để nhắc nhở con người và cả cáo nếu chúng tiến lại gần người.
“Chúng đã lớn lên học cách đến gần người xin ăn... không biết chúng tôi có ngăn được chúng không”, một người của NGO nói.
Gia đình cáo còn rủ nhau đi chơi đêm. Ảnh: New York Times. |
Cảnh sát cũng đi tuần nhiều hơn, phạt tiền những người đứng quá gần nhau.
Người Canada vốn vừa tôn sùng, vừa sợ hãi thú hoang dã, vì đất nước họ khởi nguồn là nơi có những cánh rừng rộng lớn và ít dân. Trong văn học Canada, cũng có nhiều câu chuyện chó sói và gấu, và đồng xu Canada cũng được in hình các con thú hoang như tuần lộc, hải ly.
Nhưng bên trong thành phố, nhiều thú hoang trong thành phố bị cư dân coi là phá hoại, như đào bới cây hoa mới trồng (chồn), lục thùng rác, vứt thức ăn bốc mùi khắp nơi (gấu mèo), hay tệ hơn là con chó sói, ăn thịt các con thú cưng của chúng ta.
Cáo lại là ngoại lệ, vì chúng tránh né, kín đáo. “Chúng tìm cách sống trong các ngõ ngách, sân sau, chúng lẩn trốn, lại đáng yêu”, nhà thơ Moritz nói. Chúng thường ngại ngùng hơn các loài khác, không lục lọi thùng khác, nhưng vẫn “kiếm sống” được ở chốn thành thị.
“Nhưng trong nỗ lực bảo vệ các con cáo, liệu chúng ta có đang nhốt chúng vào một lệnh phong tỏa của riêng chúng”, phóng viên Catherine Porter của New York Times viết.
Một số người muốn xem cáo, nhưng không phải lúc nào cáo cũng dễ thấy. Ảnh: New York Times. |