Đại dịch Covid-19 phơi bày hạn chế khi chuỗi thương mại lệ thuộc quá nhiều vào một nước, và các cường quốc đang khuyến khích công ty của mình thay đổi.
Nhiều chính phủ châu Á, vừa ứng phó dịch bệnh, vừa chạy đua mời gọi các tập đoàn chuyển sản xuất về nước mình.
Indonesia đang “dẫn trước” khi vừa “chốt” được 27 nhà máy Mỹ sẽ chuyển đến, sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Indonesia - Mỹ. Jakarta cũng cam kết dành 4000 ha đất khu công nghiệp tại Trung Java cho các ông chủ Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ lập quỹ đất 461.589 ha để thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc.
Trao đổi với Zing, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, phụ trách Việt Nam, cho biết “tin vui” là các nhà đầu tư đã ở Việt Nam đang tăng cường sản xuất.
Nhưng để bắt kịp cuộc đua đón thêm doanh nghiệp FDI, các địa phương phải tính trước các ưu đãi và “chốt thật nhanh”.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhìn từ trên cao, nơi định hướng thu hút các dự án công nghệ cao. Ảnh: Việt Linh. |
Covid-19 thêm động lực dịch chuyển sản xuất
Ông Thành cho biết nhiều công ty Mỹ đã dành nguồn lực đi khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào Đông Nam Á từ cách đây hai năm, khi thương chiến bắt đầu.
Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nơi ông Thành làm việc, đại diện cho hơn 160 tập đoàn Mỹ hàng đầu thế giới, thúc đẩy thương mại giữa họ với 10 nước thành viên ASEAN.
Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, phụ trách Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
“Nếu nhìn lại lịch sử, thì cách đây cả chục năm, các công ty đã nói đến chiến lược Trung Quốc + 1, vì nguyên tắc của họ là không bỏ trứng vào một giỏ, nên cần có cơ sở sản xuất dự phòng”, ông Thành nói. “Đến khi xảy ra thương chiến, như là người ta lôi (kế hoạch đó) trên ngăn kéo xuống, phủi bụi đi và nghiên cứu lại”.
“Rồi đến Covid-19, người ta có động lực hơn để làm (đa dạng hóa sản xuất)”, ông Thành nói.
Nhưng việc đa dạng hóa sản xuất nhìn chung được triển khai chậm, chỉ một số ít công ty làm được. Nhiều năm nay, các công ty vẫn muốn đề phòng rủi ro, nhưng cơ hội kiếm lợi nhuận ở Trung Quốc quá lớn, chiếm trọn sự chú ý của họ.
ASEAN là điểm đến ưu tiên cho việc chuyển dịch, đa dạng hóa, vì là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới trong tương lai.
“Trong ngắn hạn, quan tâm thì quan tâm vậy thôi, nhưng với hạn chế đi lại, chưa ai sang được Đông Nam Á ngắm nghía khảo sát được cả, trước mắt vẫn sẽ chưa có kết quả cụ thể”, ông Thành nói.
Theo chuyên gia từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, dấu hiệu của dịch chuyển sản xuất đang nằm ở các con số thương mại, thay vì con số đầu tư. Lượng đặt hàng ở Việt Nam đã tăng trong 12 tháng qua.
“Chẳng hạn trong mảng thiết bị điện, để lập thêm một nhà máy sản xuất thiết bị điện là khá nhanh. Họ muốn tránh thuế cao do thương chiến nên chuyển dịch, nhập linh kiện qua Việt Nam để lắp ráp”.
Các công ty đã sản xuất ở Việt Nam thì theo đà này mở rộng sản xuất. Chẳng hạn, một số hãng bán lẻ của Mỹ - vốn đã có nhà máy ở Việt Nam - đang mở rộng ra để sản xuất thêm mặt hàng khác. Một số công ty thiết bị y tế, dược phẩm đã có nhà máy ở Việt Nam đang mua thêm nhà máy hoặc xây mới.
“Thương chiến đã đẩy mạnh điều này... khiến lượng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng vọt”, ông Thành nói.
“Nhưng lượng đầu tư sẽ tăng chậm hơn nhiều... quy ra các con số về USD thì chưa có gì”, ông phân tích thêm. “Chưa công ty nào kịp đa dạng hóa một cách rõ ràng, vì thời gian vẫn là quá ngắn... chiến lược di chuyển vẫn đang trên giấy tờ”.
Đà dịch chuyển có thể gia tăng do chính sách từ các cường quốc. Cuối tháng 4, Nhật Bản tuyên bố dành hơn 240 tỷ yên (khoảng 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ công ty Nhật chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước hoặc đa dạng hóa sản xuất sang Đông Nam Á.
Mỹ cũng muốn lập quỹ 25 tỷ USD hỗ trợ công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo Reuters. Tại Washington, hàng loạt dự luật đang được đề xuất để kiềm chế các ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Lượng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng vọt trong 12 tháng qua. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Tập đoàn Mỹ yêu cầu gì về nơi đầu tư?
Các công ty đã liên hệ với ông Thành và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN để đặt vấn đề đầu tư vào Việt Nam có một số kỳ vọng chung, trong đó có những yếu tố mà Việt Nam cần cải thiện.
Các công ty thường cân nhắc về khuôn khổ pháp lý, chi phí để tuân thủ các điều kiện, đặc biệt là mức độ nhất quán giữa các luật lệ, quy định (luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật thuế), kèm các ưu đãi về thuế và đất đai.
“Các luật khi áp dụng có nhất quán không, giữa trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau, hay theo thời gian?”, ông Thành giải thích. “Về tiêu chí này, so với các nước khác thì Việt Nam chưa được đánh giá cao”.
Ông Thành nêu một ví dụ, về ưu đãi đầu tư và thuế. Trong đó, luật đầu tư quy định ưu đãi thuế một kiểu và Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói được miễn giảm thuế. Nhưng luật thuế, do Bộ Tài chính triển khai, lại không ghi rõ, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị kẹt ở giữa.
Các công ty Mỹ mà ông Thành tiếp xúc cũng hỏi về sự sẵn sàng của nguồn nhân lực, “mà là nhân lực chất lượng trung bình, không phải nhân lực giá rẻ”.
Về trình độ tay nghề, thì so với Trung Quốc, Việt Nam “cũng đạt được”, nhưng về số lượng, Việt Nam “không thể đáp ứng được”, và đây là một điểm yếu, theo ông Thành.
“Nhiều nhà đầu tư đến nhưng Việt Nam không đáp ứng được tiêu chí của họ về số lượng lớn”, ông nói. “Như một chị ở hiệp hội cơ khí từng nói về ngành thiết bị cơ khí, thì khách hàng ở Canada lại phù hợp với doanh nghiệp nhà mình, còn Mỹ và EU mình lại không đáp ứng được, vì đơn hàng lớn quá”.
Nhà đầu tư cũng hỏi ông Thành về mức độ sẵn sàng của năng lượng, tức “điện có ổn định không?”. Họ quan tâm đến hạ tầng, cảng để họ nhập và xuất hàng. Một số hàng phải xuất đi bằng đường hàng không.
Tắc đường ở Hà Nội, tháng 1/2019. Ông Thành cho biết hệ thống giao thông, cảng là mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Zing. |
Một số hãng công nghệ lớn, mảng “big tech” hay Thung lũng Silicon còn hỏi thêm về năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở Việt Nam.
“Nhiều khả năng họ muốn định vị sản phẩm, dán mác ‘sản xuất với năng lượng sạch’”, ông Thành giải thích, nhưng cho rằng yêu cầu năng lượng sạch chưa phải xu hướng đại trà, mà dành cho các sản phẩm tính giá cao.
Giá điện của Việt Nam cạnh tranh so với khu vực, nhưng điểm yếu là thiếu điện. Bản thân ngành điện Việt Nam cũng dự báo Việt Nam có thể thiếu điện trầm trọng trong các năm tới.
Khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cần ‘nhanh chân’ khi ưu đãi, mời gọi
Đội ngũ của ông Thành họp giao ban hàng tuần với các đồng nghiệp ở Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, phụ trách thị trường các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia.
“(Họ) thấy được đây là xu hướng”, ông Thành nói về việc các công ty liên hệ, hỏi cơ hội đầu tư.
Theo ông Thành, so với các nước, nhà đầu tư thích nhất ở Việt Nam là chính trị ổn định, “còn ở Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, mỗi khi chính quyền mới lên là chưa rõ ý định thế nào”. Nhưng ưu điểm của các nước là có hệ thống pháp luật về kinh doanh tương đối ổn định.
“Còn Việt Nam thì ngược lại, chính sách chung của chính quyền ổn định, chủ trương luôn là chào đón các nhà đầu tư, nhưng triển khai cụ thể lại thay đổi nhiều, không nhất quán”, ông Thành nhận định.
Sự nhất quán giữa các luật lệ, quy định là một mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp FDI. Ảnh minh họa: Thế Anh. |
Sắp tới, số lượng, mức độ quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài với Việt Nam có thể rất lớn, phạm vi quan tâm có thể rất rộng, nhưng “mình chưa nên mừng sớm”, ông Thành cảnh báo.
“Khi tự nhiên có quá nhiều lựa chọn, có thể không biết chọn đúng... (các địa phương) phải chủ động rà soát thế mạnh và nhược điểm của mình... rút ngay các đối tượng mình cần theo đuổi”, ông đưa ra lời khuyên.
“Đối tượng khả thi cao nhất, tốt nhất thì mình chốt nhanh. Cần thông qua chính sách ưu đãi gì thì làm trước, để chốt được ngay”, ông giải thích thêm. Nếu Việt Nam chậm chân so với các nước, có thể mất cơ hội.
Chẳng hạn, Ấn Độ, đã hơn 8 tuần phong tỏa và có hơn 122 triệu người thất nghiệp (tính đến đầu tháng 5), đã liên hệ với hơn 1.000 công ty Mỹ để mời gọi, chỉ tính trong tháng 4, theo Bloomberg.
“Nếu không có thứ tự ưu tiên, chờ họ hỏi mới đối chiếu với những gì mình có, lúc ấy muộn rồi... Cả trăm, nghìn người đến hỏi mà câu trả lời của anh không phù hợp thì họ đi cả loạt, nhưng nếu chỉ mời vài chục người, mà được 2/3 trong số đó thì cũng thành công rồi”, ông Thành nói.