Theo Market Watch, trong phiên giao dịch, đã có lúc giá cổ phiếu tăng mạnh, đẩy tổng giá trị vốn hóa của Grab lên tới hơn 51 tỷ USD. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu của Grab rơi về mức giá 8.75 USD/cổ phiếu.
Điều đó kéo tổng giá trị vốn hóa của Grab xuống còn gần 32 tỷ USD.
Cú giảm này đã khiến tài sản của Anthony Tan - nhà đồng sáng lập Grab - rớt từ 1 tỷ USD xuống còn hơn 700 triệu USD. Anthony Tan hiện giữ chỉ 2,2% cổ phần của Grab.
Giới phân tích cho rằng thời điểm niêm yết của Grab là không thực sự thuận lợi khi dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho dịch vụ đi chung xe. Biến chủng Omicron cũng khiến nhiều nước áp đặt thêm hạn chế mới.
Nhiều nhà phân tích nhận định thời điểm lên sàn Nasdaq của Grab không thuận lợi khi dịch Coivd-19 đã và đang tác động tới mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Grab niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ thông qua thỏa thuận sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) có tên Altimeter Growth, do Altimeter Capital Management ở Thung lũng Silicon hậu thuẫn.
Về bản chất, SPAC là một công ty séc khống (công ty mới thành lập, không có kế hoạch hay mục tiêu kinh doanh cụ thể), được nhà đầu tư lập ra với mục đích duy nhất là sáp nhập với một công ty khác và IPO. Grab là doanh nghiệp lớn nhất từng niêm yết thông qua hình thức này.
Theo báo cáo tài chính gần nhất, Grab cho biết đang phục vụ 187 triệu người dùng tại 465 thành phố từ 8 quốc gia Đông Nam Á.
Doanh thu của Grab quý gần nhất giảm 9% so với cùng kỳ và lỗ tính tới cuối quý tăng lên 988 triệu USD. Nhóm nhà đầu tư sớm cho Grab đáng chú ý có bao gồm SoftBank, Toyota, Hyundai Motor và Didi Chuxing của Trung Quốc.