Giá cacao tăng cao ảnh hưởng đến các nhà sản xuất bánh kẹo. Ảnh: Snopes. |
Theo CNBC, giá cacao thường dao động ở mức 2.500 USD/tấn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm sản lượng khiến nguồn cung mặt hàng này bị xáo trộn và đẩy giá thị trường lên cao.
Trong tháng 4, giá cacao chính thức đạt mức cao kỷ lục 11.000 USD/tấn. Dù đã giảm đi đôi chút, các công ty thực phẩm vẫn phải trả số tiền cao ngất ngưởng cho loại nguyên liệu này.
Khủng hoảng cacao
Nhờ các hợp đồng cung cấp nguyên liệu dài hạn, tình trạng giá cacao neo cao chưa ảnh hưởng quá nhiều đến những công ty bánh kẹo lớn như Hershey, Mars (chủ thường hiệu M&M), Kinder (chủ thương hiệu Ferrero) hay Mondelez (công ty mẹ Cadbury). Nhưng đến năm 2025, các doanh nghiệp có thể phải trả nhiều tiền hơn để mua cacao.
“Tình trạng này sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và vận hành của các công ty. Cái giá phải trả có thể rất đáng kể”, Steve Rosenstock, Trưởng nhóm sản phẩm tiêu dùng tại công ty tư vấn Clarkston Consulting, cho biết.
Tây Phi - nơi cung cấp phần lớn nguồn cung cacao cho thế giới - đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cây trồng. Mức giá bèo bọt mà thương lái trả cho nông dân cũng khiến diện tích trồng cacao bị thu hẹp và thay thế bởi các loại cây sinh lợi hơn như cao su.
Giá cacao neo sát mốc 10.000 USD/tấn. Ảnh: CNBC. |
Theo báo cáo của Rabobank từ tháng 5, loại nguyên liệu này sẽ trải qua đợt mất mùa nghiêm trọng nhất trong ít nhất 6 thập kỷ.
Giá cacao dự kiến tiếp tục tăng lên khi Ghana - quốc gia sản xuất cacao lớn thứ 2 thế giới - đang tìm cách trì hoãn việc cung cấp ra thị trường 350.000 tấn trong mùa tới.
Trong cuộc họp báo cáo thu nhập gần đây, các lãnh đạo của Mondelez và Hershey đều tin rằng hoạt động đầu cơ trên thị trường là một trong những lý do đứng sau đà tăng giá của cacao. Giá nguyên liệu có thể giảm vào tháng 9 khi có thêm thông tin về vụ mùa mới, nhưng điều đó không có nghĩa mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
Giá cacao tăng cao vào thời điểm nhiều công ty thực phẩm gặp khó khăn. Trong 2 năm qua, phần lớn doanh nghiệp chọn giải pháp tăng giá thành để đối phó với lạm phát. Hậu quả là người tiêu dùng trở nên kén chọn hơn và không hài lòng với mức giá niêm yết tại các cửa hàng tạp hóa.
Sự tập trung của người tiêu dùng vào giá trị cũng khiến các công ty bánh kẹo gặp khó khăn trong hoạt động định giá sản phẩm. Chiến lược “shrinkflation” - hành động giữ nguyên giá, nhưng thu nhỏ kích thước hoặc khối lượng sản phẩm - của các doanh nghiệp thậm chí không thể xoa dịu tâm lý mua hàng của người tiêu dùng.
Tìm cách thích ứng
Daniel Fachner, CEO J&J Snack Foods, đang theo dõi sát sao giá cacao và chocolate.
Công ty này hiện sở hữu các thương hiệu Dippin' Dots, SuperPretzel và Hola Churros, đồng thời là đơn vị sản xuất các sản phẩm cho công ty khác như bánh churro của Subway. Trong danh mục sản phẩm của hãng, chocolate là hương vị rất phổ biến.
“Giá cacao tăng không ngăn chúng tôi sử dụng chocolate, nhưng sẽ khiến chúng tôi phải suy nghĩ về chiến lược bán hàng và khả năng tiêu thụ sản phẩm”, Fachner nhận định.
Một giải pháp giả định mà Fachner đề xuất là cắt giảm lượng nguyên liệu chocolate trong một sản phẩm nhất định. Ông cũng cho biết J&J đang tìm kiếm các sản phẩm thay thế phù hợp với công thức chế biến.
Trong khi đó, các công ty thực phẩm không coi chocolate là sản phẩm chủ lực đã bắt đầu né tránh hương vị này, đặc biệt trong quá trình phát triển dòng sản phẩm mới.
Nhiều công ty bánh kẹo đang thay đổi công thức nhằm hạn chế sử dụng nguyên liệu cacao. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiều khả năng đây không phải lần cuối cùng các công ty thực phẩm phải trả nhiều tiền hơn để mua cacao. Theo dự báo của các nhà phân tích, một đợt thiếu hụt cacao khác có thể xuất hiện vào năm tới.
Các công ty sẽ phải tìm kiếm những giải pháp lâu dài hơn, một trong số đó có thể là lựa chọn nguyên liệu thay thế trực tiếp cacao.
Các công ty có thể tăng lượng chất phụ gia không phải cacao như đường hay những nguyên liệu tiết kiệm hơn như bơ cacao, bơ hạt mỡ, dầu cọ, dầu dừa
Steve Rosenstock, Trưởng nhóm sản phẩm tiêu dùng tại công ty tư vấn Clarkston Consulting
Theo một nghiên cứu của nhà phân tích Antoine Prevot từ Bank of America Securities, việc điều chỉnh công thức tốn trung bình 9 tháng. Ông tin rằng một số công ty hàng tiêu dùng nhanh đã xem xét việc thay đổi công thức kể từ đầu năm, điều đó có nghĩa các sản phẩm mới có thể bắt đầu ra mắt ngay sau tháng 8.
Một số công ty như Voyage Foods và Win-Win thậm chí có động thái cực đoan hơn khi sản xuất chocolate không chứa cacao bằng cách sử dụng nguyên liệu thay thế như hạt nho và các loại đậu.
Mặt khác, một số công ty như Mondelez quyết định không thay đổi công thức. Thay vào đó, ông lớn sản xuất bánh kẹo chọn áp dụng các biện pháp thắt chặt chi phí.
Bổ sung thêm các loại sản phẩm bánh kẹo mặn vào danh mục để thúc đẩy tăng trưởng cũng là phương án được các nhà sản xuất tính tới.
“Tôi không nghĩ họ làm vậy để bớt phụ thuộc vào cacao. Họ làm vậy để dễ dàng phản ứng trước những thăng trầm của xu hướng tiêu dùng và có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư. Việc dựa vào một số sản phẩm không phải chocolate, dù đó là đồ ăn nhẹ mặn, đậu thạch hay các loại kẹo dẻo, là cách tốt để chống lại cuộc khủng hoảng cacao”, chuyên gia tư vấn Rosenstock lý giải.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.