Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Gánh nặng chi tiền cho con học thêm của phụ huynh Trung Quốc

Những đứa trẻ Trung Quốc bị cuốn vào lịch học thêm dày đặc. Áp lực học phí đè nặng lên các bậc phụ huynh, còn "ngành công nghiệp dạy thêm" làm giàu trên nỗi lo lắng của cha mẹ.

Hoc them Trung Quoc anh 1

Theo Nikkei Asian Review, cô Ginny Feng, 40 tuổi, sống ở Quảng Châu (Trung Quốc), vẫn thường tự hỏi liệu mình đã làm đúng hay sai.

Cô sợ rằng nếu cho con trai học trước chương trình, cậu bé sẽ xao nhãng khi lên tiểu học. Nhưng sau đó, cô Feng nhận ra việc học thêm ở trường mầm non là cần thiết. "Các giáo viên đều nghĩ rằng bọn trẻ đều đã học Bính âm Hán ngữ và những phép cộng trừ cơ bản. Vậy nên họ dạy rất nhanh", cô nói.

Giờ, con trai của cô Feng phải tham gia nhiều lớp học sau giờ học ở trường. Cậu học lập trình máy tính, cờ vua, viết, bóng rổ, bóng đá và thư pháp. "Một người quen của tôi không cho con đi học thêm. Và cô ấy đã khóc suốt một tháng vì con mình không thể theo kịp các bạn trong lớp", cô kể lại.

Sự lo lắng của các bậc cha mẹ Trung Quốc đã thúc đẩy ngành công nghiệp "luyện thi" và "dạy thêm" trị giá hàng tỷ USD. Tuổi thơ của nhiều trẻ em Trung Quốc gắn liền với việc học thêm liên tục.

Hoc them Trung Quoc anh 2

Sự lo lắng của các bậc cha mẹ Trung Quốc đã thúc đẩy ngành công nghiệp dạy thêm trị giá hàng tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Kiếm lời trên sự lo lắng

Chính quyền Trung Quốc đã hành động. Hôm 24/7, Bắc Kinh yêu cầu các công ty dạy thêm chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả đây là "căn bệnh kinh niên". Căn bệnh xuất phát từ việc các doanh nghiệp kiếm lời trên nỗi lo lắng của cha mẹ rằng con cái họ bị bỏ lại trong một hệ thống giáo dục "học để thi".

Theo kết quả bài kiểm tra năm 2018 của Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (Pisa), Trung Quốc dẫn đầu thế giới về đọc, toán học và khoa học.

"Nếu nhìn vào hệ thống của Mỹ, các vị có thể thấy nhiều học sinh tốt nghiệp trung học gần như không biết chữ hay số. Ở một số thành phố, điều này rất khó thay đổi", bà Lenora Chu, tác giả cuốn Little Soldiers: An American Boy, A Chinese School, and the Global Race to Achievement, nhận định. Bà cho rằng hệ thống của Trung Quốc mang lại giá trị dù thiếu tính linh hoạt.

"Một học sinh trung học ở Trung Quốc có thể chưa từng học được cách chọn một chủ để mà mình quan tâm. Nhưng học sinh đó sẽ giỏi toán và biết cách đọc", bà nói thêm.

Hệ thống giáo dục của Trung Quốc tập trung vào Gaokao - kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới. Quá trình thi được thực hiện một cách nghiêm ngặt để đảm bảo mang đến một sân chơi bình đẳng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng "ngành công nghiệp dạy thêm" là cách để những cha mẹ giàu có chiếm ưu thế.

Hoc them Trung Quoc anh 3

Các doanh nghiệp kiếm lời trên nỗi lo lắng của cha mẹ rằng con cái của họ bị bỏ lại trong một hệ thống giáo dục "học để thi". Ảnh: Reuters.

Cô Feng tính rằng cô chi 8.000 NDT/năm cho con học thêm, chiếm khoảng 7% thu nhập của gia đình. Theo cô, các bậc cha mẹ khác thậm chí trả ít nhất 20.000 NDT/năm.

Đi cùng với sự tốn kém còn là nỗi lo lắng. Anh Peter Pan, 27 tuổi, một ứng cử viên tiến sĩ hiện sống ở Đức, từng có lịch học dày đặc ở trường tiểu học tại Trung Quốc. Anh phải học 6 lớp học thêm trong tuần và không có nổi một ngày cuối tuần rảnh rỗi.

"Tôi đã nhiều lần giả ốm khi còn nhỏ. Hồi tiểu học, tôi không dám khoe điểm với bố mẹ ngay cả khi đạt điểm kiểm tra 99/100", anh kể lại.

"Hầu hết con cái của bạn bè của mẹ tôi đều có trải nghiệm tương tự. Tôi nghĩ rằng các lớp học đáp ứng nhu cầu của cha mẹ hơn là của chúng tôi", anh Petar Pan nhận xét.

Hệ thống giáo dục của Trung Quốc còn được gọi là Neijuan, tức một mô hình cạnh tranh không lành mạnh. Ở đó, quá nhiều người tranh giành những nguồn lực hữu hạn, việc mạnh tay đầu tư thường dẫn đến kết quả không như mong muốn.

Gánh nặng học phí

Cuộc chạy đua khiến chi phí nuôi dạy con cái tăng vọt. Nhiều người trẻ do dự trong việc lập gia đình. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, 78,4% gia đình đã chi tiền cho dịch vụ giáo dục trong năm qua. Khoảng 70% gia đình trả ít nhất 1.800 USD/năm tiền học thêm của con cái.

Trong khi đó, mức lương trung bình hàng tháng ở các thành phố hàng đầu là 1.300 USD. Điều đó có nghĩa là trung bình, chi phí giáo dục hàng tháng của một đứa trẻ chiếm ít nhất 12% thu nhập của cha mẹ.

Theo báo cáo của Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải, hơn 84% phụ huynh được khảo sát cho biết họ chịu áp lực về học phí. 55,2% người thừa nhận tiền học thêm của con cái "rất căng thẳng".

Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp, cô Feng cho rằng chúng không mấy hiệu quả trừ khi thay đổi Gaokao.

"Neijuan đã trở thành nhu cầu của các bậc cha mẹ. Tôi cho rằng chính sách của chính phủ không thể dập tắt hiện tượng này. Chúng chỉ kín đáo hơn hoặc chuyển sang hình thức hoạt động khác", cô bình luận.

Hoc them Trung Quoc anh 4

Giới quan sát nhận định các chính sách của Trung Quốc sẽ không có nhiều tác dụng đối với ngành công nghiệp dạy thêm. Ảnh: Reuters.

"Có cầu ắt sẽ có cung và có thị trường. Nhu cầu của cha mẹ là cách kiếm tiền dễ dàng nhất. Chính sách không thể ngăn cản thị trường", cô Feng nói thêm.

Các công ty dạy thêm không được dạy những môn học ở trường nếu không được phép. Các lớp học cũng không được diễn ra trong những ngày lễ, cuối tuần, ở kỳ nghỉ đông hoặc hè.

Theo Fitch Ratings, việc cấm các công ty dạy thêm kiếm lời từ việc dạy những môn chính ngoài giờ và hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp.

Có cầu ắt sẽ có cung và có thị trường. Nhu cầu của cha mẹ là cách kiếm tiền dễ dàng nhất. Chính sách không thể ngăn cản thị trường

- Cô Ginny Feng, sống tại Quảng Châu, Trung Quốc

Tuy nhiên, giáo sư Yong Zhao - làm việc tại Đại học Kansas và Đại học Melbourne - nhận định việc điều chỉnh ngành công nghiệp dạy thêm có thể "không bao giờ có tác dụng". Các bậc cha mẹ coi dạy thêm không chỉ là cách giúp con cái họ vươn cao hơn, mà còn là điều bắt buộc để đứa trẻ theo kịp bạn bè ở lớp.

Theo cô Feng, dân số đông có thể là nguyên nhân rõ ràng dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, một yếu tố khác là nguồn lực giáo dục được phân bổ không đồng đều.

Những thành phố hàng đầu có nhiều trường học chất lượng hơn, cũng như các dịch vụ dạy kèm và lớp học bên ngoài. Điều đó khiến nhiều bậc cha mẹ không dám chuyển về quê.

Trẻ em lớn lên ở các thành phố và thị trấn nhỏ hơn, thiếu nguồn lực giáo dục chất lượng sẽ có ít cơ hội thành công hơn. Trong khi đó, việc cấm các dịch vụ dạy thêm có thể khiến những gia đình trung lưu gặp khó hơn. Bởi các gia đình giàu có sẽ dễ dàng tiếp cận dịch vụ gia sư riêng.

"Các bậc phụ huynh sẽ luôn tìm ra cách, dù cách này hay cách khác", cô nhận định.

Bão lớn ở Trung Quốc đe dọa đẩy giá hàng hóa lên cao

Bão lớn ở Trung Quốc giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã lao đao vì đại dịch. Tình trạng ùn ứ hàng hóa đẩy chi phí vận chuyển và hàng hóa tăng cao.

Vì đợt trấn áp của Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc bị chặn lên sàn Mỹ

Chiến dịch kiểm soát của Bắc Kinh khiến giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc lao dốc không phanh. Mỹ tạm dừng các đợt niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc để bảo vệ nhà đầu tư.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm