Theo Bloomberg, thời tiết khắc nghiệt ở Trung Quốc là thách thức mới nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu. Bão lớn có nguy cơ khiến hàng hóa, vốn đã chậm trễ trong khâu vận chuyển, bị mắc kẹt tại những cảng container đông đúc nhất thế giới.
Cảng Diêm Điền, nằm ở trung tâm xuất khẩu và công nghiệp Thâm Quyến (miền nam Trung Quốc), đã ngừng trả hàng container vào đêm 3/8 do cảnh báo bão.
Chỉ 2 tuần trước, cảng Dương Sơn (phía nam Thượng Hải) và các cảng gần đó phải sơ tán tàu sau khi bão In-Fa đổ bộ vào bờ biển, gây ra lũ lụt trên diện rộng và lật đổ những container được xếp trong khoang của một tàu chở hàng đến Mỹ.
Cảng Dương Sơn (phía nam Thượng Hải) và các cảng gần đó phải sơ tán tàu sau khi bão In-Fa đổ bộ vào bờ biển. Ảnh: Reuters. |
Nhiều sự cố
Mưa lớn, gió to và lũ lụt đã giáng thêm đòn vào thương mại toàn cầu trong năm 2021. Ngành vận tải biển vốn đang chật vật để phục hồi sau hàng loạt gián đoạn từ dịch Covid-19 đến bất ổn địa chính trị. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định điều tồi tệ hơn có thể sắp tới. Các chuyên gia dự báo sẽ có nhiều cơn bão đổ bộ vào Trung Quốc trong tháng này.
"Mỗi khi một cảng bị buộc phải đóng cửa, các container tiếp tục chất đống, làm tình trạng tắc nghẽn càng trở nên nghiêm trọng", ông Alex Hersham, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa Zencargo, nhận định.
"Các xoáy thuận nhiệt đới sẽ nhiều hơn trong mùa này. Do đó, chúng ta có thể chứng kiến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn", ông cảnh báo.
Các chuỗi cung ứng phải đối mặt với nhiều sự cố từ đầu năm đến nay. Ổ dịch Covid-19 bùng phát tại cảng Diêm Điền hồi tháng 5 đã khiến cảng phải đóng cửa một phần. Hàng hóa container ùn ứ trong vòng một tháng.
Cảng Diêm Điền (Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc) xử lý hơn 13 triệu container mỗi năm. Năm ngoái, cảng xử lý lượng hàng hóa nhiều hơn gần 50% cảng Los Angeles - cảng container nhộn nhịp nhất nước Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Simon Heaney thuộc bộ phận nghiên cứu container tại Drewry Shipping Consultants Ltd., đợt bùng phát Covid-19 ở Diêm Điền Quyến đã làm tăng giá cước vận chuyển giao ngay trên toàn cầu.
Thêm vào đó, khi các tàu chở hàng chuyển hướng khỏi miền nam Trung Quốc, một số nhà máy ở trung tâm sản xuất gần đó phải đóng cửa. Nguyên nhân là lượng hàng tồn kho quá lớn và không thể xuất khẩu.
Sự gián đoạn cũng giáng thêm đòn lên các chủ hàng trên toàn cầu, vốn đang vật lộn với đứt quãng chuỗi cung ứng vì đại dịch và vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez hồi đầu năm.
Cảng Diêm Điền xử lý hơn 13 triệu container mỗi năm. Năm ngoái, cảng xử lý lượng hàng hóa nhiều hơn gần 50% cảng Los Angeles - cảng container nhộn nhịp nhất nước Mỹ. Trong quý I/2021, khối lượng container đã tăng 45% so với một năm trước đó.
Giáng đòn lên chuỗi cung ứng
"Việc đóng cửa cảng Diêm Điền tạo ra tác động chưa từng có đối với chuỗi cung ứng. Cảng phục vụ một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới", ông Salmon Aidan Lee tại công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd. nhận xét.
"Nếu có thêm vài cơn bão nữa ập đến và khiến sản xuất ngưng trệ, vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn", ông nói thêm.
Thời gian chờ trung bình để xuất khẩu 1 contaier tại cảng Diêm Điền đã giảm còn 5 ngày. Hồi tháng 6, con số này lên đến 25 ngày. Các hoạt động cũng sẽ tiếp tục trở lại sau khi hết cảnh báo bão. Tuy nhiên, theo ông Hersham, tình hình có thể dễ dàng trở nên tệ hại vì thời tiết.
Việc đóng cửa cảng Diêm Điền tạo ra tác động chưa từng có đối với chuỗi cung ứng. Cảng phục vụ một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới. Nếu có thêm vài cơn bão nữa ập đến và khiến sản xuất ngưng trệ, vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn
Chuyên gia Salmon Aidan Lee tại công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd.
Bão In-Fa cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy ở miền đông Trung Quốc.
Những cảng lớn dọc sông Dương Tử - tuyến đường thủy nội địa nhộn nhịp nhất của đất nước - đã tạm dừng hoạt động vào tuần trước, theo thông báo hôm 30/7 của Shanghai Shipping Exchange.
Công ty cho biết mưa lớn và lũ lụt đã ảnh hưởng đến dòng chảy của các mặt hàng như dầu mỏ và than đá.
Theo hãng tư vấn hàng hải Drewry, sự gián đoạn đã khiến chi phí vận chuyển 1 chiếc container 40 feet (loại container được sử dụng rộng rãi, tương đương 12 m) từ Trung Quốc đến Mỹ đạt mức kỷ lục trên 10.000 USD.
"Tình trạng chậm trễ đã dẫn đến áp lực tăng giá vận chuyển tại Trung Quốc do thiếu container và nhu cầu xuất khẩu tăng", ông Josh Brazil, Phó chủ tịch tiếp thị của project44, nhận định. "Chi phí vận chuyển cao sẽ góp phần vào mối đe dọa lạm phát toàn cầu", ông nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Lee tại công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd. cho rằng cuối cùng, tình trạng ùn ứ sẽ kéo lạm phát gia tăng. Ông dự đoán người tiêu dùng Mỹ có thể phải trả thêm 20% cho quà Giáng sinh, từ đồ chơi đến đồ nội thất.