Bloomberg đưa tin Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã tạm dừng các đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) của doanh nghiệp Trung Quốc cho đến khi họ tăng cường công khai mọi thông tin cần thiết với cổ đông.
Chủ tịch SEC Gary Gensler khẳng định các động thái mới đây của chính quyền Trung Quốc, bao gồm tăng cường kiểm tra bảo mật đối với những doanh nghiệp muốn IPO trên sàn nước ngoài, là "thích đáng".
Ông cho biết đã yêu cầu đội ngũ của SEC tìm kiếm thêm thông tin từ các công ty Trung Quốc, trước khi cho phép họ niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ.
"Tôi tin rằng các tiết lộ rất quan trọng đối với việc đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt và là trọng tâm của nhiệm vụ bảo vệ nhà đầu tư của SEC", chủ tịch SEC khẳng định.
Trung Quốc yêu cầu các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại di động gỡ bỏ ứng dụng của Didi, ngay sau khi gã khổng lồ gọi xe niêm yết trên sàn Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Bảo vệ nhà đầu tư
Cuộc trấn áp của Trung Quốc, bao gồm việc cấm hàng loạt công ty giáo dục tư nhân thu lợi nhuận, đã kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu lớn trên sàn Mỹ. Các nhà đầu tư lo ngại chính quyền Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn trong việc siết chặt quy định.
Giá của các cổ phiếu giáo dục và công nghệ Trung Quốc đã lao dốc tổng cộng 1.000 tỷ USD kể từ mức hồi tháng 2. Cuộc trấn áp của Bắc Kinh xóa sổ 400 tỷ USD vốn hóa của các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ, khiến giới đầu tư thiệt hại hàng trăm tỷ USD chỉ trong tháng 7.
SEC cũng đối mặt với áp lực dữ dội từ phía Điện Capitol trong việc tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã giáng đòn mạnh vào gã khổng lồ gọi xe Didi, khiến cổ phiếu của hãng này lao dốc chỉ vài ngày sau đợt IPO trên sàn Mỹ.
Các nhà lập pháp Mỹ thúc giục SEC điều tra Didi xem liệu công ty này có biết trước về vụ điều tra của Bắc Kinh và không tiết lộ rủi ro đó cho nhà đầu tư Mỹ hay không.
SEC tạm dừng các đợt IPO của công ty Trung Quốc cho đến khi họ tăng cường tiết lộ rủi ro đối với cổ đông. Ảnh: Reuters. |
Các công ty Trung Quốc IPO trên sàn New York là nguồn thu béo bở của những ngân hàng bảo lãnh Phố Wall. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động được ít nhất 15,7 tỷ USD, nhiều hơn cả năm 2020, theo dữ liệu của Bloomberg.
Tuy nhiên, đầu tháng 7, Trung Quốc đề xuất các quy tắc mới, yêu cầu những doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn nước ngoài phải trải qua quá trình đánh giá an ninh mạng. Động thái này nhằm giúp các cơ quan quản lý Bắc Kinh tăng cường giám sát.
Việc thắt chặt kiểm soát đã chặn đường huy động vốn trên sàn nước ngoài của nhiều startup (công ty khởi nghiệp) Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, các công ty đổ xô đến sàn Mỹ để tìm kiếm một thị trường vốn rộng hơn, quá trình niêm yết có tổ chức hơn và cơ sở nhà đầu tư lớn hơn.
Theo dữ liệu của Bloomberg, khoảng 70 công ty Trung Quốc đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn Mỹ. Nhiều trong số đó đã bị cản trở bởi sự giám sát chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh. Nguồn tin của Bloomberg cho biết Daojia - nền tảng dịch vụ gia đình được KKR & Co. rót vốn - phải tạm dừng kế hoạch IPO tại sàn Mỹ hoặc xem xét IPO trên những sàn giao dịch khác.
Mô hình VIE
Một nạn nhân khác của cuộc thanh trừng là tập đoàn chia sẻ xe đạp Hello Inc. Hồi đầu tuần, họ tuyên bố chính thức hủy bỏ kế hoạch IPO tại Mỹ. Hello được Ant Group Inc. của tỷ phú Jack Ma rót vốn.
Ông Gensler cũng chỉ ra những lo ngại về mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) mà các công ty Trung Quốc thường sử dụng để niêm yết trên sàn Mỹ.
VIE chưa bao giờ được chính quyền Bắc Kinh phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, VIE đã cho phép các công ty Trung Quốc lách những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp Internet.
Cụ thể, mô hình này cho phép doanh nghiệp Trung Quốc chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài, được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu cổ phần của các tổ chức này.
Tôi tin rằng các tiết lộ rất quan trọng đối với việc đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt và là trọng tâm của nhiệm vụ bảo vệ nhà đầu tư của SEC
Chủ tịch SEC Gary Gensler
Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ.
Theo ông Gensler, nhiều nhà đầu tư Mỹ có thể không biết rằng họ đang mua cổ phần của những công ty vỏ bọc thay vì chính các doanh nghiệp Trung Quốc. Ông cho rằng các công ty nên tiết lộ về những "ảnh hưởng đáng kể" đối với hoạt động tài chính đến từ các động thái trong tương lai của Bắc Kinh.
Theo lãnh đạo SEC, các công ty Trung Quốc cần tiết lộ việc bị chính quyền Trung Quốc từ chối cho phép bán cổ phiếu trên sàn Mỹ hay không. Cùng với đó là thông tin tài chính chi tiết để nhà đầu tư có thể hiểu được mối quan hệ giữa VIE và tổ chức phát hành.
Ông Gensler cũng cho biết đã yêu cầu riêng các quan chức của SEC xem xét hồ sơ do các công ty có hoạt động quan trọng ở Trung Quốc đệ trình.