Các thuê bao sai thông tin bị khóa liên lạc một chiều sau ngày 31/3, khóa 2 chiều sau 15/4 và thu hồi sau 14/5. Ảnh: MS. |
“Tính đến hết 14/5, các doanh nghiệp viễn thông đã thu hồi, hủy hơn 985.000 thuê bao”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, nói với Zing.
Sau ngày 15/4, các nhà mạng đã khóa 1,15 triệu thuê bao, do tập thuê bao này chưa khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi bị khóa liên lạc, chủ sở hữu thuê bao có thời hạn một tháng để chuẩn hóa thông tin trước khi bị nhà mạng hủy hợp đồng, thu hồi số điện thoại.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông, đến hết 10/5, có hơn 154.000 thuê bao chuẩn hóa thông tin. Đến ngày 15/5, con số này vào khoảng 165.000. Số thuê bao bị thu hồi chiếm phần lớn, hơn 85%, số thuê bao bị khóa liên lạc.
Nhân viên nhà mạng thực hiện quy trình chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ảnh: Xuân Sang. |
Trao đổi với Zing, nguồn tin yêu cầu ẩn danh tại một nhà mạng lớn cho biết phần lớn số thuê bao bị khóa liên lạc là hàng tồn, đăng ký sẵn thông tin của đại lý, hoặc SIM không còn sử dụng. Vì vậy, không nhiều khách hàng chuẩn hóa thông tin để được mở liên lạc trở lại cho dù có thời hạn dài, lên đến 30 ngày.
Phần lớn SIM còn hoạt động đã được khách hàng chuẩn hóa sau khi bị khóa liên lạc một chiều vào ngày 31/3. Chỉ trong 15 ngày sau ngày 31/3, thời hạn khóa liên lạc một chiều, đã có 520.000 thuê bao thực hiện chuẩn hóa.
Chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước thứ hai trong quá trình kiểm soát tình trạng SIM rác, sai thông tin, sử dụng cho mục đích quảng cáo, lừa đảo.
“Trước khi có Cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm bước thứ nhất là loại 22 triệu SIM thông tin không đầy đủ. Bước thứ hai, khi có dữ liệu, các doanh nghiệp viễn thông tổ chức đối soát. Bước thứ ba là giải quyết vấn đề SIM không chính chủ”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 11/2022.
Nguồn tin nói trên cho biết việc kiểm soát thuê bao chính chủ, đúng thông tin với người dùng, dự kiến diễn ra trong một năm tới.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.